Cánh cửa bảo vệ quyền lực cho chính quyền quân sự Thái Lan

Minh Thu |

Hội đồng Lập pháp quốc gia (NLA) Thái Lan tối 25-1 đã thông qua một đạo luật cơ bản về bầu cử Quốc hội với việc hoãn thực thi luật, khiến cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 11-2018 có khả năng sẽ bị trì hoãn.

NLA, hoạt động với vai trò như Quốc hội Thái Lan trong chính quyền quân sự, đã thông qua đạo luật trên với 196 phiếu thuận, 12 phiếu chống và 14 phiếu trắng. Các điểm chính của luật này bao gồm việc hoãn thực thi luật trong vòng 90 ngày, điều gần như chắc chắn dẫn đến việc trì hoãn cuộc bầu cử mà Thủ tướng Prayut Chan-o-cha từng cam kết tổ chức, muộn nhất vào cuối năm 2018.

Theo Hiến pháp Thái Lan, bầu cử phải được tổ chức trong vòng 150 ngày kể từ khi 4 đạo luật cơ bản về bầu cử - luật về ủy ban bầu cử, luật về đảng chính trị, luật về bầu cử hạ nghị sĩ và luật về thành phần thượng viện “có hiệu lực”. Nếu dự luật cuối cùng bị trì hoãn áp dụng thêm 90 ngày, tổng tuyển cử dự kiến sẽ chỉ được tổ chức trong vòng 240 ngày sau khi nó được ban hành. Điều này đồng nghĩa khung thời gian 150 ngày sẽ bắt đầu được tính vào tháng 8 hoặc tháng 9 và kéo dài đến đầu năm 2019.

Ủy ban bầu cử cho biết việc trì hoãn luật bầu cử được thông qua sau khi chính quyền quân sự, vốn được chính thức biết đến với tên gọi Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia (NCPO) yêu cầu có thời gian để các đảng chính trị tiến hành các hoạt động hành chính như đăng ký thành viên và tổ chức bầu ban lãnh đạo đảng. Tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền quân sự Thái Lan vẫn chưa cho phép các đảng chính trị ở nước này được hoạt động trở lại một cách đầy đủ.

Các đảng lớn đang tồn tại như Đảng Dân chủ, Đảng Pheu Thai sẽ được phép tiến hành các hoạt động như vận động cử tri, nhóm họp hội nghị để bầu Ban lãnh đạo và ban chấp hành, rà soát danh sách đảng viên để đăng ký với nhà chức trách trước ngày 1-4-2018, soạn thảo xong cương lĩnh và điều lệ, thành lập các tổ chức ở cấp tỉnh… Tuy nhiên, các chính đảng cho rằng họ không có đủ thời gian, nhân sự cũng như ngân sách để thực hiện được việc này trong bối cảnh “tê liệt” hoạt động suốt 3 năm qua.

Hơn nữa, hệ thống bầu cử mới cũng loại bỏ khả năng các đảng này giành chiến thắng áp đảo. Trong cuộc bầu cử tới, Thái Lan sẽ áp dụng hệ thống bầu cử có số thành viên đại diện của các đảng tương ứng, bao gồm nhiều thành phần, cho phép các đảng chính trị quy mô trung bình, có cơ hội giành được nhiều ghế hơn tại Hạ viện chứ không như hệ thống bầu cử trước đây vốn cho phép các đảng lớn luôn giành chiến thắng với đa số phiếu. Vì vậy, cũng đồng nghĩa với lá phiếu thuộc về chính quyền quân sự.

Câu hỏi được quan tâm nhiều nhất là liệu cuộc bầu cử có thực sự đưa Thái Lan trở lại chế độ dân chủ hay không bởi ảnh hưởng của chính quyền quân sự vẫn còn hiện hữu trong Chính phủ mới nhiều năm nữa. Điểm này đã được chứng minh bởi một điều khoản trong Hiến pháp cho phép chính quyền quân sự bổ nhiệm 250 Thượng nghị sĩ với nhiệm kỳ 5 năm trước khi diễn ra cuộc bầu cử. Những thượng nghị sĩ này sẽ cùng với những thành viên được bầu tại Hạ viện bỏ phiếu bầu Thủ tướng. Và theo một số nhà chính trị cùng các học giả, ảnh hưởng của ông Prayut đối với giới tướng lĩnh quân sự dưới quyền đến nay vẫn không phai nhạt.

Một lần nữa, kịch bản cũ tương tự lại đang hiển hiện. Thái Lan đã trải qua 3 năm chính quyền quân sự lãnh đạo, đứng đầu là Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, người đã đứng lên lật đổ Chính phủ dân sự hồi năm 2014. Ngay sau đảo chính, ông Prayut từng hứa sẽ trao trả quyền lực cho chính quyền dân sự trong vòng 18 tháng, nhưng lời hứa ban đầu này đã không được thực hiện. Chính quyền quân sự Thái Lan sau đó đã nhiều lần trì hoãn tổ chức tổng tuyển cử với lý do lo ngại về các vấn đề như thay đổi luật pháp hoặc an ninh chưa đảm bảo. Nghĩa là, bằng cách này hay cách khác, chính quyền quân sự đã xoay xở để mở ra viễn cảnh mới mà trong đó, họ vẫn sẽ đạt đủ số ghế ở Quốc hội sau tổng tuyển cử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại