Cách ngã tư Bạch Mai – Lê Thanh Nghị một đoạn ngắn, nếu cứ phóng xe qua thì không ai phát hiện ra có một con ngõ nhỏ, với cái cổng gạch trăm năm tuổi hơi thụt lùi vào trong.
Mọi người gọi là ngõ Đình Đại, chẳng ai biết con ngõ ấy bao nhiêu tuổi, nhưng người dân nơi đây đã quây quần sống với nhau từ rất lâu, chan hòa, thân thiện.
Ngõ Đình Đại những năm gần đây nổi danh với một "hợp tác xã" ẩm thực nho nhỏ, chỉ có vỏn vẹn 4 hàng quán nhưng khách ghé qua rất đông, hàng trăm lượt mỗi ngày, với các món ăn truyền thống nổi tiếng 3 miền, cảm giác như một Việt Nam thu nhỏ tại đây với bún, cháo, phở đặc trưng rất ngon.
Và đặc biệt, các món ăn ấy được nấu bởi những người phụ nữ khéo léo, đem tinh hoa quê mình từ thời ông bà cụ kị truyền lại gói gọn trong hương vị được bao người yêu thích.
Ngõ Đình Đại nằm trên con phố sầm uất Bạch Mai, địa điểm ẩm thực quen thuộc với nhiều người dân Hà Nội
Tôi cũng là một trong số những khách "ruột" của con ngõ này, tuần phải ghé ít nhất một lần. Tối giữa tuần mà đông nghịt, mới 8h tối nhưng khách đã ngồi nhấp nhổm từ tít ngoài cổng vào tận cuối ngõ.
Tiếng trò chuyện lao xao, chạm cốc ồn ào, mùi thức ăn hòa trộn với nhau đủ loại, làm tôi phát thèm. Nếu muốn tới đây thưởng thức đồ ăn, bạn nên ghé vào khoảng chiều muộn, mở bán từ 5h đến 12h đêm.
Ngay sát cổng tam quan cũ kỹ, đầu tiên là hàng bún bò Huế của cô Mai (62 tuổi). Cô thường đứng sau chiếc tủ kính đầy ắp nguyên liệu, luôn tay vắt bún, xếp thịt vì khách ra vào liên tục. Người phụ nữ có nụ cười hiền lành và gương mặt phúc hậu ấy vốn là con gái Huế chính gốc, quê Phú Lộc.
Bảo sao, những bát bún lâu nay cô làm, ai cũng khen là ngọt ngào đáng nhớ, có những nốt hương vị lắng đọng mãi, kể cả lần đầu tiên ăn cũng sẽ thấy nó khác với những hàng bún bò Huế mở tràn lan khắp Hà Nội.
Cô chủ quán người Huế có giọng nói rất nhẹ nhàng dễ nghe, bán bún bò Huế truyền thống
Tuy mới mở quán không lâu nhưng món bún của cô được nhiều thực khách biết tiếng vừa ngon vừa rẻ
Cô Mai vừa làm vừa vui vẻ kể chuyện, với chất giọng dịu dàng Huế thương không lẫn vào đâu được: "Hồi xưa cô buôn đồ Sài Gòn ở chợ Đồng Xuân, 4 năm nay mới mở quán bán bún đó chớ. Nhà cô ngay trong ngõ nè con, chú giờ cũng ở nhà phụ giúp, chuyên thái thịt cho cô đó (cười).
Những ngày đầu mở bán, cô nhớ mãi được có 13 tô/ đêm con ạ, hôm nào nhiều thì 20 tô, giỏi chưa? Kiên trì mãi mới được như bây giờ, vất vả mà vui vì được nhiều người thích ăn, có người ghé qua hoài".
Cô chủ quán ghé tai tiết lộ, một tối quán bán được khoảng hơn 200 bát bún bò Huế, chồng cô ở nhà hì hục thái hơn 20kg thịt mà cũng hết veo.
Với mức giá bình dân là 30 ngàn một tô, thực khách tới đây cảm thấy rất hài lòng khi được phục vụ bát bún đầy đặn, ngon lành, với nhân truyền thống là 1 miếng móng giò luộc sần sật, 1 cục tiết luộc nhỏ, vài lát thịt bò, thịt chân giò lợn, kèm thêm mấy viên mọc và nhúm hành tươi thơm lừng.
Thịt luôn được cô Mai chọn cẩn thận, sạch sẽ, chân giò lựa khúc ngon, ít mỡ, thịt bò thì lấy khúc u vai, móng thì chọn cái dày bì nhiều thịt, ăn một bát đủ no từ tối đến sáng hôm sau.
Tất cả nguyên liệu đều được cô Mai sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ, quanh chiếc quầy nhỏ xíu
Những miếng móng giò chặt luộc sẵn ngon mắt...
... cùng những lát thịt, mọc hòa quyện với nhau trong bát bún ngọt lành trông thật hấp dẫn.
Bí quyết làm nên món bún bò Huế trứ danh của cô Mai, giúp quán của cô đoạt top 1 trong danh sách 10 quán bún bò Huế ngon nhất Hà thành được bình chọn trên một trang báo mạng, đó là ở nồi nước dùng.
Cô Mai bảo, bún bò Huế chính gốc thì nước khá ngọt, người Hà Nội không có thói quen ăn như thế, nên từ lúc mở bán cô đã nhận lời góp ý, chỉnh sửa của thực khách rất nhiều, mới ra được món ăn làm say lòng bao thế hệ người Hà Nội mấy năm nay.
Nguyên liệu nước dùng rất đơn giản, có sả, dứa nguyên quả, hành tây… và một thứ do cô Mai làm riêng là ruốc Huế. Gắp một ít bún, nếm cùng thìa nước dùng sánh mịn vàng mỡ, kèm ít rau thơm được chần qua nước sôi, cảm thấy hương vị xứ Huế đong đầy trong đó.
Một ít ngọt, một ít cay cay, mùi hành tây, sả dứa đặc biệt… qua bàn tay người con gái Huế, dù làm dâu đất Bắc hơn 20 năm vẫn giữ nguyên được cái hồn của món ăn truyền thống quê hương, không hề thay đổi.
Anh Vũ Ngọc Duy (27 tuổi) một chàng trai độc thân thích màu đen và "nghiện" bún bò Huế cô Mai, sống trong Sài Gòn nhưng cứ 1-2 tháng lại ra Hà Nội công tác, lần nào ra Bắc cũng phải tới quán cô gọi một bát bún bò lót dạ trong đêm muộn, nếu lần nào không kịp ăn, sẽ thấy thiếu vắng như bỏ quên người yêu vậy.
Sau khi giải quyết xong bát bún trong vòng 5 phút như thường lệ, anh nán lại chia sẻ: "Mình ăn nhiều chỗ rồi, thấy bún ở đây dễ ăn lắm, rau thịt cái gì cũng vừa miệng, nước dùng vừa phải, nếu là người thích ăn đồ có nước thì nhất định nên ghé qua đây.
Cô chủ thì dễ tính, thỉnh thoảng xin thêm miếng tiết khúc giò, cô cho hết, không tính tiền, kêu nhẵn ví cô còn free trà đá cơ".
Nồi nước dùng tạo nên hương vị trứ danh cho món ăn truyền thống miền Trung của cô Mai
Khách tới quán đông đến mức 3-4 người phục vụ vẫn không xuể
Nghe khách "nói xấu", cô Mai cười mủm mỉm, tay vẫn lượm thịt xếp vào một dãy bát trước mặt, đều tăm tắp như một màn biểu diễn nghệ thuật sau quầy kính. Nồi nước dùng hấp dẫn tỏa khói nghi ngút bên cạnh, đã cuối năm rồi mà trời nóng ghê.
Mùa hè mở quán muộn, khách vẫn kéo tới hàng của cô lũ lượt, mùa đông se se mà thưởng thức bún bò Huế vừa ấm bụng vừa ngon lành, càng khiến người ta thèm tới ngõ Đình Đại hơn. Khách chật kín các bạn rồi mà vẫn còn người đứng chờ mua mang về, 3 người phụ cô Mai mà chạy không xuể.
Giữa thời buổi tranh nhau mở hàng ăn, chưng cái biển bún bò Huế lên, bắt chước nguyên liệu, nấu một nồi nước dùng là có thể kinh doanh tốt, rất khó để nhận ra đâu là món ăn chuẩn của vùng đất miền Trung mến thương.
Một gợi ý nhỏ cho những ai yêu thích món này, thử ghé qua hàng cô Mai nhé.
Đối diện với quán bún cô Mai, chếch vào phía trong ngõ một tẹo, là hàng bún hải sản, lẩu của một người đàn ông độc thân vui tính. Đó là anh Tiến (36 tuổi), mở quán cùng đợt với nhà cô Mai.
Trước đây ngõ không đông vui nhộn nhịp như bây giờ, vẫn vắng vẻ và ít điểm kinh doanh, chỉ có các gia đình sống quây quần làng xóm với nhau.
Về sau, vì kinh tế khó khăn nên mới mọc lên các hàng ăn nhỏ, nhưng những người đứng bếp nấu ra các món trứ danh ngõ Đình Đại thì mang trong mình những bí quyết được truyền lại lâu đời, có khi là vài thế hệ, có khi là cả tinh hoa ẩm thực một vùng.
Hàng bún lẩu của anh Tiến cũng được nhiều thực khách tới ngõ chọn ghé vào đầu tiền
Tất cả vì món bún hải sản quyến rũ mang hương vị biển đậm đà về ngay trong con ngõ nhỏ giữa lòng Hà Nội
Dù đợi lâu thì nhiều người vẫn kiên nhẫn để được trải nghiệm món bún ở đây
Anh Tiến chia sẻ, nhà anh có nghề bán bún phở, trước đây mẹ anh – cụ Lan 61 tuổi từng có thời gian bán bún ngan, sau anh nối nghề, mở rộng ra thành quán bún lẩu như bây giờ.
Là đàn ông vai u thịt bắp, tay thô tưởng vụng mà anh lại có khiếu bếp núc, vốn dĩ anh chỉ biết làm phở xào, rang cơm, nhưng vài năm gần đây thấy món bún hải sản khá hot, mọc lên khắp nơi ở Hà Nội, từ chỗ tò mò học hỏi, nó đã trở thành món ăn tạo thương hiệu cho quán của anh.
Khách tới ngõ chủ yếu ghé vào quán anh nhiều nhất, vì hợp khẩu vị và thực đơn cũng lạ hơn, có phần hợp xu thế hơn.
Anh cùng mọi người lục tục mở quán từ 5h chiều, ban đầu chỉ có cái bếp con với quầy đồ ăn, vài bộ bàn ghế nhỏ. Giờ cả xóm đã thành "liên hợp quốc" với hàng chục món bún miến, cháo phở, lẩu lá ăn vặt, "nâng cấp" lên bàn to, bếp "khủng" hơn trước để phục vụ khách tới càng ngày càng đông.
Món tôi "nghiện" nhất ở đây, cũng là món nổi tiếng nhất ngõ – bún hải sản, thực ra bắt nguồn từ vùng biển Quảng Ninh. Người dân ở đó sáng tạo, pha trộn các loại hải sản với nhau, dần dần thành bún hải sản thập cẩm.
Cũng có nơi biến tấu thành bún Thái hải sản, với nước dùng đậm đà, chua cay đặc trưng. Anh Tiến bảo, ngày xưa chưa có điều kiện thì bát bún đơn giản lắm, rau, cá, khoanh mực, vài con ngao.
Giờ thì có thêm tôm tươi to đùng, bề bề bóc vỏ, nước chan ngọt lịm, thỏa mãn bất kỳ vị khách đói bụng nào cất công ngồi chờ.
Trong ngõ Đình Đại, 4 hàng quán mỗi hàng sở hữu món bún danh bất hư truyền khác nhau
Ở hàng của anh Tiến, đó là món bún hải sản đặc trưng miền biển
"Hồi đầu mở quán cùng mọi người, khách đến đây vắng lắm. Tôi còn phải đi rải tờ rơi, nhận ship hàng tận nơi. Nhưng vì ai cũng cố gắng làm đồ ăn ngon, bán giá rẻ, nên những vị khách đầu tiên tới đây họ vẫn yêu mến đến tận bây giờ, nhờ họ mà ngõ mới đông đúc như hiện tại.
Tối nào cũng người xe nườm nượp vào ra, vất vả nhưng mà ấm lòng lắm. Rồi khách để lại lời khen, đôi khi ngắn thôi, giơ tay OK một cái, tôi cũng thấy vui". Anh chủ quán độc thân mỉm cười.
Trời se lạnh, ngồi quây quần với nhau quanh nồi lẩu thì còn gì bằng?
Vừa ngon vừa rẻ, lại có không gian rộng rãi ngoài trời, nên con ngõ nhỏ thu hút biết bao thực khách đến ngồi nhâm nhi mỗi tối
Đôi bạn trẻ Ân - Thanh sắp cưới, họ đã từng có những kỉ niệm đẹp ở con ngõ "hợp tác xã" ẩm thực này
Kỷ lục bán hàng của anh Tiến có lẽ đủ ngang với những hàng quán nổi tiếng ở Hà Nội: 30 nồi lẩu, 40 bát bún/ tối. Đấy là số nguyên liệu anh chuẩn bị mà thôi, thực tế còn được nhiều hơn vậy, tối nào cũng có khách tới muộn để rồi tiếc nuối dắt xe ra về, vì không còn bún để ăn.
Lắm người tới vì tò mò, nhưng cũng có người đến vì yêu mến thực sự, có kỉ niệm sâu sắc gắn bó với quán, như cặp đôi Ân – Thanh (22 tuổi) ngồi cạnh tôi: "Tụi em biết đến quán cũng lâu lâu rồi, gần 1 năm, do bạn bè kéo tới.
Sau không đi với bạn nữa, 2 đứa toàn ăn mảnh với nhau thôi (cười). Ngày lễ lạt hay sinh nhật, kỉ niệm yêu nhau bọn em vẫn ghé vào đây, toàn ăn lẩu thôi, thích nhất món đó, ngon mà rẻ".
Khung cảnh bình dị trong ngõ Đình Đại mỗi tối, đã một lần ghé qua sẽ lưu luyến mãi
Nhiều người thì chui vào ngõ vì thấy đông đúc nhộn nhịp quá. Kinh nghiệm đi ăn hàng là chỗ nào đông cứ nhào vô, thế nào cũng gặp món ngon. Ngoài hàng cô Mai và anh Tiến, thì còn có hàng riêu cua tít cuối ngõ, nghe nói lâu đời nhất ở đây, và hàng phở tim lẩu ếch ngay giữa ngõ.
Mỗi khúc ngõ là một thế giới ẩm thực riêng, đủ phục vụ nhu cầu của bất kỳ ai thích trải nghiệm đồ ăn đường phố nhưng chất lượng truyền thống không kém hàng "xịn" mặt phố nào.
Cả chủ quán lẫn khách đều cùng nhau ngồi "lộ thiên", chẳng chỗ nào có mái che, mưa thì bưng bát chạy vào ngõ trú nhờ, hoặc cùng nhau vội vàng dựng bạt lên, xong lại ngồi xì xụp ăn tiếp.
Giản dị, mộc mạc đúng kiểu hàng xưa quán cũ Hà thành, mang nét đặc trưng văn hóa ẩm thực ngõ ngách, kích thích sự khám phá của những thực khách sành ăn, và thích nghe kể chuyện nữa. Chủ quán nào cũng xởi lởi, mến khách, ăn xong ra về còn cúi đầu cảm ơn.
Chính sự chân thành của người dân nơi đây mà thực khách mới lưu luyến, nhớ mãi, ghé một lần rồi còn muốn quay lại nhiều lần về sau, chứ không hẳn chỉ là "niềm đam mê" của cái dạ dày.