Ngoại trưởng Iran Zarif ngày 24/4 cho biết, cả Iran lẫn Saudi Arabia đều không thể chiếm ưu thế ở Trung Đông và điều cần thiết nhất là để các nước trong khu vực Vịnh Ba Tư đối thoại với nhau chứ không phải chỉ trích nhau.
Ông Mohammad Javad Zarif chia sẻ với Hội đồng Quan hệ đối ngoại rằng, đang "có sự bức thiết phải thay đổi " và "Iran sẵn sàng cho điều này, bởi vì chúng tôi đủ mạnh mẽ, đủ kinh nghiệm và đủ chín chắn để hoan nghênh động thái này".
Ngoại trưởng Iran Zarif chia sẻ về tình hình Trung Đông. (Nguồn: AP)
Phát biểu với vài trăm khán giả tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, ông Zarif nói rằng "những người hàng xóm của chúng tôi, đặc biệt là Saudi Arabia, muốn tạo ấn tượng rằng chúng tôi là một mối đe dọa tiềm ẩn chống lại họ".
Ông cũng nói rằng đó là "một trong những thông điệp quan trọng nhất" của chuyến công du kéo dài hai tuần của Hoàng thái tử Saudi Mohammed bin Salman, bao gồm điểm đến là Hoa Kỳ.
Chính quyền Trump đã ký hợp đồng bán hơn 1,3 tỷ USD cho pháo cho Saudi Arabia trong chuyến thăm trên. Ông Zarif cũng cho biết, các nước láng giềng khác đang đến Mỹ "để cạnh tranh với một nước khác bằng việc mua thêm vũ khí để tìm kiếm sự ủng hộ và hỗ trợ họ chống lại các nước khác."
Tuy nhiên, "an ninh không thể được mua bán" và nó đòi hỏi "sự chia sẻ trong khu vực."
"Và điều quan trọng nhất cần nhận ra là thời đại của sức ảnh hưởng bá chủ đã biến mất lâu rồi," ông Zarif nói. "Cả Iran lẫn Saudi Arabia đều không thể là kẻ thống trị khu vực. Đó là một thực tế."
Ông Zarif bày tỏ hy vọng rằng, các nước láng giềng của Iran, với sự giúp đỡ từ các chính phủ khác, cũng có thể hướng tới xu hướng trên.
Ông kêu gọi một "diễn đàn đối thoại khu vực" mới, có thể bao gồm năm quốc gia từ Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh cùng với Iran, Iraq và Yemen. Và ông cũng kêu gọi những quốc gia khác hợp tác với Tehran để mang tới một diện mạo mới cho Trung Đông.
Những bình luận của ông Zarif được đưa ra sau một hội nghị thượng đỉnh thường niên của Liên đoàn Ả Rập vào ngày 15/4.
Tại sự kiện này, Saudi Arabia đã tận dụng vị thế là nước chủ nhà để thúc đẩy lập trường thống nhất của khối 22 quốc gia chống lại Iran, đổ lỗi cho Tehran vì sự bất ổn và các hành động can thiệp trong khu vực.
Saudi và Iran đang đối đầu trong cuộc chiến ủy nhiệm ở Syria và Yemen, và họ cũng đang ủng hộ các nhóm đối lập ở Lebanon, Bahrain và Iraq.