Nhiều người cho rằng, quá trình nuôi dạy con trẻ cũng giống như chăm sóc một chậu cây. Nếu bạn dành nhiều thời gian để chăm sóc, tưới tắm, cây sẽ trở nên đẹp đẽ, thu hút người ngắm nhìn. Tuy nhiên, nếu bạn bỏ bê, thiếu quan tâm, chậu cây có thể bị thiếu dưỡng chất, trông héo úa, thậm chí là hỏng.
Cha mẹ nào cũng muốn con mình ngày càng tốt hơn, tuy nhiên mỗi bậc cha mẹ lại có một phương pháp nuôi dạy con khác nhau, không phải ai cũng có thái độ như nhau đối với con cái. Nhìn chung, nếu bạn thuộc một trong những kiểu cha mẹ sau đây, dù bạn có tài giỏi, thành công đến đâu cũng khó giúp con thành công trên đường đời.
1. Kiểu cha mẹ cho con tiền, không màng đến việc giáo dục con
Một số bậc cha mẹ chỉ nghĩ đến công việc, làm việc vất vả bên ngoài nhưng lại luôn vắng mặt khi con cái cần sự đồng hành. Họ không giáo dục con cái chu đáo, khiến những đứa trẻ cảm thấy cô đơn, tủi hờn. Từ đó, tạo nên một khoảng cách khó có thể xóa nhòa giữa cha mẹ với con cái. Khi con cái lớn lên, những bậc cha mẹ thuộc kiểu này sẽ nhận thấy không thể hiểu được con cái.
Để bù đắp cho con cái, họ chỉ biết cung cấp tiền bạc cho các con tiêu xài thoải mái. Tuy nhiên, đối với những đứa trẻ còn non nớt, chưa đủ nhận nhận thức về tiền bạc, trẻ sẽ chỉ biết tiêu tiền phung phí. Thậm chí, việc này còn có thể khiến cho con cái cảm thấy việc có được tiền bạc quá dễ dàng sẽ trở nên buông xuôi, ỷ lại, không chịu khó, chăm chỉ, trở nên thiếu sự cầu tiến.
2. Kiểu cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng mà họ chưa thể thực hiện lên con cái
Đây là kiểu cha mẹ mà nhiều người cho rằng cần phải thay đổi càng nhanh càng tốt. Một số bậc cha mẹ có những ước mơ, hoài bão tuổi trẻ, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà họ không thực hiện được. Khi con ra đời, họ muốn con là ước mơ nối dài của mình, muốn con hoàn thành những mong muốn mà bản thân họ trước đây chưa thể làm được.
Chẳng hạn như nhiều bậc cha mẹ kỳ vọng con mình được nhận vào một trường Đại học nổi tiếng hoặc làm một công việc mà họ cho là tốt. Nhưng nếu những bậc cha mẹ đặt kỳ vọng vào con cái quá cao sẽ có thể gây phản tác dụng. Đôi khi, những đứa trẻ không thể đạt được sự mong đợi dẫn đến tình trạng bị cha mẹ chì chiết, tỏ thái độ thất vọng. Điều này sẽ tạo nên sự bất lợi cho việc phát triển của trẻ. Những đứa trẻ chịu nhiều áp lực sẽ dần đánh mất bản thân, cảm thấy mình vô dụng.
Ngoài ra, trẻ có thể dẫn đến những hành vi cực đoan như tự làm tổn thương bản thân hay thậm chí là quyên sinh. Mỗi đứa trẻ là một cá nhân độc lập. Việc lựa chọn con đường tương lai phải nằm ở quyết định từ trẻ. Những người làm cha mẹ nếu đưa ra quá nhiều quyết định sẽ không có lợi cho việc hình thành nhân cách của trẻ, khiến trẻ hình thành tính cách phục tùng, do dự, nghe lời người khác.
Sự lựa chọn của những đứa trẻ không phải lúc nào cũng đúng, nhưng chỉ bằng cách rút ra bài học và tổng kết kinh nghiệm từ những sai lầm, trẻ mới không lạc lối ở đó. Cha mẹ không thể đưa ra những câu hỏi trắc nghiệm cho con suốt đời. Chỉ bằng cách dạy con khả năng lựa chọn thì trẻ mới trở thành người có ích, tự lập, tự chủ.
3. Kiểu cha mẹ thể hiện thái độ xấu với con cái khi không có tâm trạng tốt
Một số bậc cha mẹ không có nguyên tắc trong việc giáo dục con cái. Nếu họ có tâm trạng vui vẻ, con cái dù có làm những chuyện sai trái đến mức nào họ cũng xuề xòa bỏ qua. Nhưng nếu tâm trạng không tốt, dù trẻ không làm gì sai, họ cũng sẵn sàng la mắng, thậm chí đánh đập để xả giận. Kiểu cha mẹ như vậy khiến trẻ bối rối, bất an.
Cha mẹ đối xử với con bằng thái độ này lâu dài sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Đối với trẻ em, mọi trải nghiệm trong quá trình trưởng thành đều có ý nghĩa. Trẻ em cũng có quyền lựa chọn trải nghiệm của riêng mình.
Là những người làm cha mẹ, bạn có thể quan sát trẻ từ xa và để trẻ học cách trưởng thành một mình. Tuy nhiên, bạn cũng cần luôn bên cạnh đồng hành cùng sự phát triển của các con, động viên và giúp đỡ khi con cần.