Ngày 23/1, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố chính thức công nhận thủ lĩnh đối lập của Venezuela, ông Juan Guaido, là Tổng thống lâm thời của nước này. Phản ứng với động thái của Mỹ, Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Washington và yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ phải rút khỏi Venezuela trong vòng 72 giờ đồng hồ.
Những diễn biến mới này đặt ra khả năng Mỹ sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt sang ngành dầu lửa của Venezuela - một động thái tác động mạnh đối với đất nước đang chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế này, bởi xuất khẩu dầu hiện đang là nguồn thu ngoại tệ gần như duy nhất của Caracas dù sản lượng dầu của Venezuela liên tục sụt giảm trong những năm gần đây.
Lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên ngành dầu lửa Venezuela cũng có thể tác động mạnh đến thị trường dầu lửa toàn cầu và làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) với Mỹ.
Gần đây, RBC Capital Markets dự báo sản lượng khai thác dầu của Venezuela sẽ giảm thêm 300.000-500.000 thùng/ngày trong 2019. Nếu chính quyền ông Trump tung lệnh trừng phạt, sự sụt giảm sản lượng dầu của Venezuela có thể sẽ lớn hơn rất nhiều so với con số dự báo này - bà Helima Croft, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa cơ bản toàn cầu của RBC, nhận định.
Mỹ hiện đã áp các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela, nhưng chưa chặn xuất khẩu dầu thô của nước này sang Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ vẫn cho phép xuất khẩu chất pha loãng dầu có xuất xứ từ Mỹ sang Venezuela. Đây là sản phẩm mà Venezuela cần để pha loãng loại dầu thô nặng, từ đó có thể xuất khẩu dầu.
Mỹ hiện là nguồn cung đáp ứng một nửa nhu cầu chất pha loãng của Venezuela. Nếu không có chất pha loãng, Venezuela không thể xuất khẩu dầu.
Lệnh trừng phạt Venezuela của Mỹ có thể siết nguồn cung toàn cầu của một số loại dầu nhất định. Điều này tương tự như khi Washington tái áp trừng phạt ngành dầu lửa Iran, nguồn cung dầu thô loại chua và có độ nặng trung bình đã bị cắt giảm mạnh.
Theo bà Croft, việc giá dầu giảm sâu thời gian gần đây có thể giúp ông Trump có điều kiện thuận lợi hơn để trừng phạt ngành dầu lửa Venezuela.
Bà Risa Grais-Targow, Giám đốc phụ trách khu vực Mỹ-Latin của công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, nói rằng việc ông Trump công nhận ông Guaido là nhà lãnh đạo Venezuela có vẻ như là một điểm bắt đầu. Washington có thể hoãn cảnh báo trừng phạt để xem ông Maduro có phản ứng thế nào. Nếu ông Maduro ra lệnh bắt ông Guaido, thì Mỹ có thể đáp trả bằng cách tung các biện pháp trừng phạt.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, thị trường dầu lửa chưa có nhiều phản ứng với các diễn biến ở Venezuela. Thay vào đó, giá dầu vẫn chịu áp lực giảm từ sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu - nhân tố có thể gây sụt giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng, khiến cả dầu Brent và WTI có phiên giảm thứ hai liên tiếp.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại New York hạ 0,39 USD/thùng, tương đương giảm 0,75%, còn 52,62 USD/thùng. Giá dầu Brent tại thị trường London giảm 0,35 USD/thùng, còn 61,14 USD/thùng.