Căng thẳng Mỹ-Iran đẩy Tehran lại gần Bắc Kinh-Matxcơva?

Văn Đức |

Với trục mới nổi Matxcơva – Bắc Kinh – Tehran, Nga và Trung Quốc có thể bị hút vào cuộc xung đột có thể xảy ra giữa Iran và Mỹ, tuy nhiên nhiều khả năng sẽ không tham gia trực tiếp.

Vụ giết chỉ huy quân đội Iran, Thiếu tướng Qasem Soleimani, làm dấy nên mối lo ngại về sự bùng nổ chiến tranh ở Trung Đông. Tuy nhiên, theo South China Morning Post, nếu tính đến trục mới nổi Matxcơva – Bắc Kinh – Tehran, thì nhiều khả năng sẽ không chỉ có Mỹ bị lôi kéo vào cuộc xung đột này.

Theo SCMP, căng thẳng giữa Iran và Mỹ gia tăng kể từ năm 2018, khi ông Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết vào năm 2015 giữa Iran và 5 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Nga. Trung Quốc và Nga phản đối bước đi này và từ chối tham gia các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Đó là lý do tại sao Washington bắt đầu coi Bắc Kinh và Matxcơva là một trở ngại cho nỗ lực cô lập Tehran.

Tuy nhiên, điều này chỉ đưa Tehran, Bắc Kinh và Matxcơva đến gần nhau hơn. Washington nói về 3 quốc gia này như là "kẻ thù truyền kiếp" của mình, khi họ hợp tác để gây bất lợi cho lợi ích của Mỹ bất cứ khi nào và ở đâu có thể.

Vì các lệnh trừng phạt chống Iran do Mỹ khởi xướng, Trung Quốc đã trở thành cứu cánh cho nền kinh tế Iran, còn Nga trở thành nhà cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự chính. Matxcơva và Bắc Kinh cũng phản đối sự thay đổi chế độ trong khu vực do phương Tây bảo trợ, coi Iran là đối tác trong cuộc chiến chống lại bá quyền của Mỹ và trong việc tạo ra một thế giới đa cực mới.

SCMP kết luận, không ngoại trừ khả năng Matxcơva và Bắc Kinh thậm chí còn hài lòng về sự gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran, bởi một cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ khiến Mỹ mất tập trung trước những thách thức đặt ra cho nước này cũng như lợi ích của họ ở Đông Âu và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Và nếu một cuộc xung đột xảy ra, cả hai quốc gia này chắc chắn sẽ tận dụng nó để nâng cao vị thế của mình và mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong khu vực. Nhưng vì không có động lực mạnh mẽ để trực tiếp tham gia vào cuộc chiến, nên Nga và Trung Quốc có khả năng sẽ tự giới hạn mình trong những tuyên bố chỉ trích Mỹ và sự ủng hộ về mặt tinh thần cho Iran.

Tehran không phải là một người bạn trung thành và là đồng minh kiên định mà khiến Bắc Kinh và Matxcơva sẵn sàng chiến đấu, mà là "đồng minh tình thế", do đó, Nga và Trung Quốc có thể sẽ hành động dựa trên khẩu hiệu cũ của chính sách thực dụng: "Kẻ thù của kẻ thù chính là bạn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại