Hãng hàng không quốc gia Belarus là Belavia thường bay tới khoảng 20 sân bay ở châu Âu Ảnh: REUTERS
Theo tổng thống Nga, phương Tây làm ra vẻ tức giận vì muốn gây ảnh hưởng lên tình hình Beralus.
Cũng trong ngày 4-6, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định cấm các hãng hàng không Belarus bay qua không phận EU lẫn hạ cánh/cất cánh tại các sân bay của 27 nước thành viên, đồng thời chỉ đạo các hãng châu Âu tránh không phận Belarus.
Nhiều hãng hàng không ra thông báo tuân thủ quyết định của EU, bao gồm Lufthansa (Đức) và Air France (Pháp). Tuy nhiên, một số tổ chức hàng không, trong đó có Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), chỉ trích quyết định của EU bị "chính trị hóa".
Theo đài BBC, hãng hàng không quốc gia Belarus là Belavia thường bay tới khoảng 20 sân bay ở châu Âu. Trong khi đó, cơ quan kiểm soát không lưu châu Âu Eurocontrol ước tính có 400 máy bay dân sự bay qua Belarus mỗi ngày.
Trong khi EU đang chuẩn bị cho kế hoạch trừng phạt kinh tế rộng lớn hơn đối với Belarus, ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khẳng định việc chuyển hướng máy bay thương mại để bắt người phải "hứng chịu hậu quả".
Về phần mình, NATO đã hạn chế phái bộ ngoại giao Belarus ra vào trụ sở của liên minh này, theo tạp chí The Hill. Belarus không phải thành viên NATO nhưng có quan hệ ngoại giao với khối từ năm 1998 và sau đó thiết lập quan hệ quân sự vào năm 1992.
Phát biểu tại sự kiện do Viện Brooking (Mỹ) tổ chức hôm 4-6, ông Stoltenberg còn lưu ý "Nga và Belarus hợp tác rất chặt chẽ, bao gồm lĩnh vực hàng không".
Trước một số ý kiến cho rằng nước ông tham gia vào vụ chuyển hướng máy bay chở anh Pratasevich, 26 tuổi, Tổng thống Putin bác bỏ thẳng thừng. "NATO sẽ gặp nguy hiểm nếu lãnh đạo NATO phát biểu như thế. Phát biểu đó chứng tỏ họ hoàn toàn không hiểu gì về quy trình thủ tục" - ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh.
Vụ việc này đang đe dọa gây thêm căng thẳng cho cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ giữa ông Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Thụy Sĩ vào ngày 16-6 tới.