Sau gần hai thập kỷ quay cuồng trong các chuyến bay đường dài, những cuộc gọi công việc sáng sớm và 12 tiếng mỗi ngày trên phim trường, nhà tạo mẫu tóc Nate Rosenkranz đã không thế gắng gượng thêm được nữa.
Rosenkranz không hết tình yêu với nghề, nhưng đã quá mệt mỏi với những nhiệm vụ đi kèm với nó, đến nỗi anh tự hoài nghi về con đường sự nghiệp mình lựa chọn.
Nói một cách đơn giản, anh đã kiệt sức.
Nate Rosenkranz cuối cùng chuyển nghề, trở thành một nhân viên kinh doanh bất động sản. Công việc này kết hợp những kỹ năng vốn có, cùng niềm yêu thích với kiến trúc của anh. Giờ giấc chủ động giúp anh không còn bỏ lỡ lời chúc ngủ ngon với đứa cháu 6 tuổi vì một buổi chụp hình ngoài giờ.
Những người được làm đúng nghề nghiệp yêu thích vẫn dễ dàng bị kiệt sức.
Kiệt sức vì đam mê
Theo Glamours, burnout - tình trạng sức cùng lực kiệt nơi làm việc - không chỉ xảy ra với những người đã chán ghét công việc hay không tìm thấy đam mê của mình.
Trong trường hợp của Rosenkranz, sự kiệt sức không diễn ra giống một cảnh trong phim: khi một sinh viên luật gục xuống bàn sau nhiều đêm thức trắng, hay một CEO làm việc quá sức, bùng nổ cảm xúc rồi bỏ việc ngay tại chỗ.
"Thực tế, burnout thường diễn ra âm thầm", Tiến sĩ tâm lý học Michael Leiter - nhà nghiên cứu hàng đầu về chủ đề này, là đồng tác giả của cuốn sách sắp ra mắt mang tên "Thử thách kiệt sức: Quản lý mối quan hệ của con người với công việc của họ" - cho biết.
Theo tiến sĩ Leiter, burnout là một quá trình suy sụp từ từ. Nó phức tạp đến mức phải đến năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới chính thức xác nhận burnout là một hội chứng.
Đại dịch bùng nổ vào cuối năm 2019, đầu 2020 càng khiến thuật ngữ burnout trở thành từ thông dụng, thu hút những tranh cãi ồn ào.
"Chúng ta đã ở trong một đại dịch kiệt sức từ trước đó", Tiến sĩ Kira Schabram, một trợ lý giáo sư quản lý tại Đại học Washington, nói.
Đó là sự thật. Theo một nghiên cứu của Gallup được thực hiện vào năm 2019, 76% nhân viên toàn thời gian cho biết "đôi khi" cảm thấy kiệt sức trong công việc. Khoảng 28% những người được hỏi cho biết họ cảm thấy kiệt sức "rất thường xuyên" hoặc "luôn luôn" rơi vào tình trạng ấy.
Burnout là tình trạng suy kiệt sức lực, không tìm thấy ý nghĩa trong công việc và hiệu suất thấp. (Ảnh: DDI)
Tiến sĩ Leiter, người có nghiên cứu định nghĩa này, cho biết dù burnout dễ khiến mọi người dễ mắc các bệnh như trầm cảm, nhưng nó không phải một căn bệnh. Burnout được đặc trưng bởi 3 triệu chứng: kiệt quệ sức lực, không tìm thấy ý nghĩa và làm việc thiếu hiệu quả.
Những người bị kiệt sức thường có xu hướng gặp cả 3 triệu chứng. Song tùy vào tính chất công việc, một người có thể bị triệu chứng này nhiều hơn triệu chứng kia. Lý do kiệt sức của những người làm nghề chăm sóc sức khỏe sẽ khác với người làm trong lĩnh vực sáng tạo.
Ví dụ, với người làm sáng tạo, cảm giác trống rỗng có thể biểu hiện khi họ mất đi nguồn cảm hứng, cho phép tạo ra những tác phẩm ấn tượng.
Một nghiên cứu cho thấy nếu bạn đặc biệt đam mê công việc của mình, như một người làm sáng tạo, bạn thực sự dễ bị burnout hơn những đồng nghiệp ít nhiệt tình hơn.
Tiến sĩ Schabram đã thực hiện nghiên cứu với những nhân viên làm việc tại các trạm cứu hộ động vật - nơi nổi tiếng có tỷ lệ nghỉ việc cao - trong hơn 10 năm. Mục đích nghiên cứu là để xác định điều gì đã giữ chân họ lâu đến vậy. Giả thuyết của cô là: vì đam mê và cam kết của họ với công việc.
Tuy nhiên, sau nghiên cứu, nhóm của cô đã nhận thấy điều ngược lại. Họ đến với công việc với sự quan tâm nhưng không quá đam mê mạnh mẽ nó, nghĩa là họ thoải mái rời chỗ làm sau 17h chiều và có những sở thích cá nhân khác. Công việc không phải trọng tâm duy nhất trong cuộc sống giúp họ cân bằng.
Thoát khỏi burnout
Phân loại của WHO đã củng cố rằng burnout là một "hiện tượng nghề nghiệp" do "căng thẳng kinh niên tại nơi làm việc mà không được quản lý thành công".
Nếu nhận thấy bản thân có triệu chứng của kiệt sức vì công việc, bạn nên nghiêm túc nhìn nhận và thực hiện các liệu pháp để đưa mình thoát khỏi nó.
Chăm sóc bản thân là một cách hiệu quả để chống lại kiệt sức.
Tự chăm sóc bản thân là cách hiệu quả để chống lại tình trạng burnout. Tiến sĩ Schabram đã tiến hành các nghiên cứu về tác dụng của việc thực hành chánh niệm và đã khám phá ra những kết quả hấp dẫn.
"Nếu đang bị kiệt sức, những hành động chăm sóc bản thân mà đôi khi mọi người chế nhạo, chẳng hạn như đắp mặt nạ hoặc chăm sóc móng chân, thực sự có tác dụng", cô nói.
Một hành động tử tế dành cho người khác dù nhỏ nhặt cũng giúp bạn bớt hoài nghi giá trị bản thân và ý nghĩa cuộc sống. Ví dụ, bạn có thể dành thời gian tham gia hoạt động tình nguyện hoặc mời đồng nghiệp một ly cà phê.
Đối với nhà tạo mẫu tóc Adir Abergel, người đã trải qua 3 tháng xa nhà, di chuyển liên tục từ các buổi chụp hình cho chiến dịch, phim trường đến các sự kiện thảm đỏ, một phòng khách sạn có bồn tắm là điều bắt buộc.
"Đối với tôi, tắm là tự chăm sóc bản thân", Arbergel nói.
Chuyên gia trang điểm Daniel Martin nói rằng nên tập pilates 2 lần/tuần, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải tập trung vào một buổi tập từ xa.
"Niềm đam mê mà bạn dành cho công việc của bạn chỉ có thể tiến xa nếu bạn chăm sóc bản thân. Và nếu bạn không chăm sóc bản thân, bạn thực sự không thể chăm sóc người khác", anh nói.