Cảnh báo nhiệt đã được đưa ra sau khi nhiệt độ Vancouver chạm mốc kỷ lục 47 độ C khiến tính mạng của nhiều cư dân gặp rủi ro.
"Một cuộc điều tra đang được tiến hành. Nhiệt độ được xem là nguyên nhân của phần lớn cái chết" – ông Michael Kalanj, một thành viên của Cảnh sát Hoàng gia Canada, cho biết. Cũng theo ông Kalanj, hầu hết người thiệt mạng thuộc nhóm cao tuổi.
Trước cái nắng gây gắt chưa từng có, cư dân của nhiều khu vực trên khắp Canada và Mỹ phải đến sông hồ và các trung tâm trú nắng để giải nhiệt trong khi các trung tâm xét nghiệm Covid-19, trường học… buộc phải đóng cửa.
Ở những khu vực nơi phần lớn người dân không lắp điều hòa, một số phải ngủ trong xe đậu dưới các bãi đậu xe tầng hầm hay sử dụng "máy lạnh" tự chế bằng quạt và túi đá.
Ảnh chụp bên trong một trung tâm trú nắng ở TP Portland - Mỹ hôm 27-6. Ảnh: Reuters
Tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, tháng 6 thường được gọi là "Juneuary" với những cơn mưa mát mẻ và nhiệt độ cao nhất thường chỉ xoay quanh mốc 21,1 độ C.
Nhưng năm nay, cái nắng như thiêu đốt đã đẩy nhiệt độ lên mức cao kỷ lục ở nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ như Seattle (42 độ C), Portland (46,6 độ C) và Salem (47,2 độ C).
Canada cũng vừa ghi nhận mức nhiệt cao chưa từng có khi nhiệt độ khu vực Lytton, tỉnh British Columbia, chạm mốc 47,9 độ C.
Những con số kỷ lục trên được gây ra bởi hiện tượng "vòm nhiệt", cụm từ dùng để chỉ một khu vực có áp suất cao khiến khí nóng "bị nhốt" bên trong, dẫn đến hiện tượng nắng nóng cực đoan ở các khu vực bên dưới.
Người dân tỉnh British Columbia - Canada ra hồ Alouette giải nhiệt. Ảnh: Reuters