Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo theo nhiều hệ lụy khác của xã hội như: sản xuất, kinh doanh, buôn bán ngưng trệ; Nhiều người bị thất nghiệp, mất việc, giảm thu nhập hoặc không có tài sản tích lũy, dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn. Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì khó có cơ hội để tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng hợp pháp. Những đối tượng này là “con mồi béo bở” của thị trường tín dụng đen.
Anh Đào Hữu Hải, chủ một xưởng nội thất ở Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết, gần 3 tháng qua, do dịch bệnh bùng phát nên xưởng của anh hoạt động không ổn định. Các đơn hàng giảm tới 70% so với trước đó. Lợi nhuận thu được chỉ đủ trả chi phí cho thuê cửa hàng, nhân công, điện, nước. Từ khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, xưởng nghỉ hoạt động hoàn toàn. Không có thu nhập nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, anh Hải lâm vào tình cảnh bí bách từ đây.
Là doanh nghiệp nhỏ nên rất khó có thể tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, không còn cách nào khác anh hải phải xoay sang vay tín dụng đen theo ngày để trang trải những chi phí cần thiết. Theo đó, anh đã vay 50 triệu đồng trong vòng 3 tháng với mức vay 5.000 đồng/triệu/ngày. Như vậy, sau 3 tháng anh Hải sẽ phải trả số tiền lãi là 22,5 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với doanh nghiệp trong bối cảnh đầy khó khăn hiện nay…
Tín dụng đen đang bùng phát mạnh và để lại nhiều hệ lụy. |
Hiện nay, người dân không chỉ có thể vay tiền từ các “ngân hàng cột điện”, tờ rơi, quảng cáo trá hình mà nắm bắt được tâm lý và hoàn cảnh của nhiều người, dịch vụ cho vay này còn bùng phát rất mạnh trên mạng xã hội dưới mác “cho vay tiêu dùng” với những lời mời chào đầy hấp dẫn.
Với từ khóa “vay tiền nhanh”, trên google hay mạng xã hội cho hiển thị hàng trăm kết quả với các dịch vụ có tên gọi như: Hỗ trợ vay tiền nhanh; Hội cần vay tiền Hà Nội; Vay tiền nhanh; Vay tiền online giải ngân trong ngày; Vay tiền nhanh, vay tiền trong 24h…
Thủ tục để vay tiền từ các tổ chức này khá đơn giản, chỉ cần có chứng minh thư hoặc căn cước công dân, số hộ khẩu gốc hoặc bằng lái xe gốc là có thể được giải ngân ngay sau 30 phút làm việc… Vì sự dễ dàng trong thủ tục và có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng ngay và luôn nên những dịch vụ này luôn hấp dẫn khách và thu hút được một lượng lớn người “follow” trên các fanpage.
Mặc dù thời gian qua, các tổ chức tín dụng đen liên tục bị cơ quan chức năng “thổi còi”, triệt xóa, được tuyên truyền, người dân cũng đã phần nào cảnh giác nhưng trong tình hình hiện nay, những tổ chức này bắt đầu hoạt động trở lại.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, việc người dân tìm đến tín dụng đen hay cho vay tiêu dùng để giúp ổn định cuộc sống trong mùa dịch này là điều không hiếm. Việc vay tín dụng đen được nhiều người lựa chọn chủ yếu bởi những lời quảng cáo đầy hấp dẫn như: thủ tục gọn nhẹ, đơn giản, nhanh chóng, lãi suất vay thấp, thậm chí 0%... Thế nhưng, khi làm thủ tục xong rồi mới phát sinh nhiều chi phí khác, tiền gốc còn không được nhận đủ, lãi mẹ đẻ lãi con, khi chưa kịp trả thì bị đe dọa, chửi bới, gây ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống sinh hoạt. Nói chung, hệ lụy do tín dụng đen để lại là rất lớn.
Ông Nguyễn Thanh Hà đưa ra lời khuyên, trước khi vay tiền từ một tổ chức nào đó, người dân cần tìm hiểu kỹ các loại hình cho vay, nếu không sẽ bị lừa vay phải lãi suất cao, dẫn đến mất khả năng trả nợ. Bởi bên cạnh hệ thống ngân hàng, công ty tài chính hoạt động chính thống, bài bản thì cũng có hàng loạt mô hình biến tướng tín dụng đen như: cầm đồ, vay tiền online qua app. Do đó, người dân cần phải rất cảnh giác cao với những loại hình cho vay này.
“Khi có nhu cầu vay tiền, người dân cần tìm hiểu rõ thông tin pháp lý của đơn vị cho vay trước khi quyết định nộp hồ sơ vay. Khi trao đổi thông tin với nhân viên tư vấn tín dụng, khách hàng cần hỏi rõ các thông tin của nhân viên tư vấn hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn cung cấp hình chụp danh thiếp, tránh tình trạng bị giả mạo đánh cắp thông tin”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh./.