Cần tìm giải pháp lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế đối với xung đột tại Ukraine

Hoàng Nam |

Các nước nhấn mạnh các khác biệt, bất đồng cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và luật pháp quốc tế; các bên cần kiềm chế, nối lại các nỗ lực đối thoại tìm giải pháp lâu dài trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và tính đến lợi ích chính đáng của các bên, đồng thời bảo đảm an toàn cho dân thường tại các vùng chiến sự.

Cần tìm giải pháp lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế đối với xung đột tại Ukraine - Ảnh 1.

Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam.

Theo tin từ Bộ Ngoại giao, tối 8/6/2022 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến quan chức cao cấp (SOM) các nước tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) gồm các nước ASEAN và các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Mỹ. Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, đã cùng các Thứ trưởng/Trưởng SOM các nước EAS và Phó Tổng Thư ký ASEAN tham dự Hội nghị.

ASEAN và các đối tác EAS đánh giá cao vai trò quan trọng của EAS, với ASEAN ở vị trí trung tâm, là diễn đàn của các lãnh đạo thảo luận về các vấn đề chiến lược, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, thịnh vượng ở khu vực.

Đồng thời, các nước nhất trí phối hợp tăng cường hơn nữa giá trị chiến lược và khả năng thích ứng của EAS ứng phó hiệu quả các thách thức mới nảy sinh trong tình hình mới, trên cơ sở các định hướng nêu trong Tuyên bố Hà Nội dịp kỷ niệm 15 năm thành lập EAS năm 2020 và các văn kiện nền tảng của EAS.

Ghi nhận những tiến triển hợp tác EAS thời gian qua, các nước nhấn mạnh triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động (KHHĐ) EAS giai đoạn 2018-2022 và khẩn trương hoàn tất soạn thảo KHHĐ EAS giai đoạn 2023-2027.

Nhận định hợp tác EAS vẫn còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển, các nước nhất trí phối hợp nỗ lực kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi bền vững.

ASEAN hoan nghênh các đối tác hỗ trợ các nước ASEAN nâng cao năng lực y tế dự phòng, bảo đảm cung ứng vaccine đầy đủ và kịp thời, đẩy mạnh các cơ hội hợp tác sản xuất vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị y tế, tăng cường khả năng tự cường khu vực trước các tình huống bùng phát dịch bệnh trong tương lai.

Các nước đều cho rằng cần sớm mở cửa, nối lại các hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại và đầu tư, ổn định kết nối chuỗi cung ứng, thúc đẩy liên kết kinh tế, cũng như hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và bền vững…

Trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, trong đó có Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, tình hình Myanmar, xung đột Nga-Ukraine, quan hệ giữa các nước lớn trong khu vực…, các đại biểu ủng hộ EAS phát huy vai trò, đóng góp bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, thuận lợi để ứng phó đại dịch và thúc đẩy phục hồi.

Nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của biển và đại dương với không gian phát triển của mỗi quốc gia, các nước đề cao trách nhiệm phối hợp bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, nỗ lực xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác; kiềm chế không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hoá, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982; ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng thành công Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Các đối tác EAS tiếp tục khẳng định ủng hộ vai trò của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định tình hình.

Về xung đột tại Ukraine, các nước nhấn mạnh các khác biệt, bất đồng cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và luật pháp quốc tế; các bên cần kiềm chế, nối lại các nỗ lực đối thoại tìm giải pháp lâu dài trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và tính đến lợi ích chính đáng của các bên, đồng thời bảo đảm an toàn cho dân thường tại các vùng chiến sự.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, đề nghị các Đối tác EAS, với tiềm năng và thế mạnh của mình, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ASEAN trong ứng phó đại dịch và thúc đẩy phục hồi cũng như hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển và phát triển tiểu vùng, trong đó có tiểu vùng Mê Công, bảo đảm phát triển đồng đều, bền vững tại khu vực.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Đại sứ Vũ Hồ đề nghị cần phát huy hơn nữa vai trò chiến lược của EAS, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, tăng cường tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, quản lý bất đồng và giảm thiểu khác biệt, đưa quan hệ các nước lớn đi vào ổn định, không ảnh hưởng đến mục tiêu và nỗ lực phát triển chung của khu vực, hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Chia sẻ các ý kiến đánh giá tại Hội nghị, Đại sứ tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, đề cao luật pháp quốc tế, kiềm chế, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hòa bình, ủng hộ nỗ lực tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và sớm hoàn tất COC ở Biển Đông thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, góp phần xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển.

Campuchia, Chủ tịch EAS 2022 thông báo sẽ tổ chức trực tiếp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EAS vào tháng 8/2022 và Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 17 vào tháng 11/2022 tại Phnom Penh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại