Cần thủ câu được sinh vật "đầu cá - mình lươn", chuyên gia: Không phải dấu hiệu tốt lành!

Thùy Anh |

Nhìn qua, nhiều người cho rằng con vật này chỉ xuất hiện trong các bộ phim viễn tưởng.

Tháng 6/2023, một người ở Tiêu Sơn, Hàng Châu, Chiết Giang (Trung Quốc) đã câu được một con cá có hình dáng kỳ lạ. Mắt của con cá gần như biến mất nhưng hàm răng của nó trông cực kỳ sắc bén.

Đây là loại cá gì?

Con cá này dài khoảng 20 cm. Cơ thể của nó có màu đen xám với một chút màu đỏ sẫm. Con vật này có đầu phẳng, giống với cá nhưng thân hình lại giống lươn. Điều đặc biệt là nó có đôi mắt nhỏ gần như "tàng hình". Nhưng miệng của nó rất to và hàm răng rất sắc.

Thoạt nhìn, loài cá kỳ lạ này có vẻ hơi đáng sợ, khiến người ta liên tưởng đến những sinh vật trong các bộ phim viễn tưởng. Người câu cá đã đăng lên mạng để hỏi danh tính của loài cá này. Nhiều cư dân mạng cho rằng con cá "quá xấu", một số khác cho rằng nó "xấu xí một cách dễ thương". Thậm chí còn có người cho rằng nó là một "sinh vật đột biến".

Cần thủ câu được sinh vật "đầu cá - mình lươn", chuyên gia: Không phải dấu hiệu tốt lành!- Ảnh 1.

Chỉ trong một thời gian ngắn, người ta đã tìm ra đáp án. Đây là cá Worm Goby, một số nơi gọi là cá răng sói (tên khoa học là Taenioides cirratus) thường được tìm thấy ở vùng duyên hải Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương.

Vì thường sống ở những vùng nước có ánh sáng yếu nên mắt chúng dần thoái hóa và trông rất nhỏ. Chúng chủ yếu dựa vào khứu giác, vị giác và xúc giác để tìm kiếm thức ăn, bạn tình cũng như để tránh kẻ thù và nguy hiểm. Miệng của loài cá này to và nhô ra, răng sắc nhọn. Chúng thường ẩn mình trong cát và săn mồi các loài cá nhỏ, động vật giáp xác và động vật thân mềm.

Dù sống dưới đáy bùn nhưng khi bị bắt lên cạn thì chúng vẫn có thể sống sót trong một thời gian dài nhờ lấy không khí qua một bộ phận hô hấp nằm trong mang.

Phạm vi hoạt động của loại cá này thường là ở các cửa sông, thỉnh thoảng chúng bơi đến các hồ nội địa thông qua các kênh nước ngọt để sinh tồn. Trong những năm gần đây, dấu vết của cá răng sói thường xuyên được tìm thấy ở các hồ ở Sơn Đông, An Huy, Giang Tô...

Người ta cho rằng, vào khoảng năm 2015, cá răng sói bắt đầu lan rộng. Kể từ khi chúng xuất hiện, số lượng cá, tôm ở vùng nước hồ Sào (An Huy, Trung Quốc) đã giảm đáng kể. Theo các chuyên gia của Trung Quốc, nếu cá răng sói sinh sản với số lượng lớn chắc chắn sẽ gây ra những tác hại nhất định đến hệ sinh thái vùng nước nội địa. Vì vậy, chúng được xếp vào sinh vật có nguy cơ xâm lấn sinh thái.

Cần thủ câu được sinh vật "đầu cá - mình lươn", chuyên gia: Không phải dấu hiệu tốt lành!- Ảnh 2.

Về vấn đề này, Lương Dương Dương, chuyên gia thủy sản thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp An Huy, cho rằng việc tìm thấy cá răng sói không phải điều tốt. Sự sinh sôi của chúng từ năm 2015 đã khiến nguồn lợi thủy sản đáy hồ Sào giảm đáng kể, đặc biệt là tôm xanh và tôm thẻ chân trắng. Loại sinh vật này cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nghề nuôi cá địa phương.

Theo dự đoán, biến đổi khí hậu trong tương lai sẽ thúc đẩy sự mở rộng của cá răng sói.

Ở Việt Nam cũng có một loài cá nằm trong họ Taenioides có tên là cá rễ cau hay còn gọi là cá rễ búa (tên khoa học là Taenioides gracilis) nhưng có chiều dài hơn 10 cm. Chúng thường được tìm thấy ở các vùng sông, rạch thuộc các tỉnh miền Tây Nam Bộ trên hệ thống sông Cửu Long.

Tổng hợp


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại