Những ngày gần đây, nhiều tỉnh thành đang phải chịu những đợt nắng nóng kinh hoàng, trong đó có thủ đô Hà Nội. Có một số thời điểm trong ngày, nhiệt độ ngoài đường có thể lên đến 45, 50 độ C.
Trong tiết trời nóng một cách vô lý như vậy, giải pháp tốt nhất cho toàn dân là ở nhà và làm bạn với điều hòa. Tuy nhiên dù bật điều hòa cả ngày quả là có mát hơn thật, đến cuối tháng bạn lại có nguy cơ... vừa đi vừa khóc với hóa đơn tiền điện.
Thế nên, nhiều người truyền tay nhau một cách bật điều hòa tiết kiệm điện rất thần thánh, đó là bật ở chế độ Dry (hình giọt nước) - làm khô, thay vì Cool - làm mát (hình bông tuyết).
Trên thực tế chế độ Dry có thể giúp chúng ta tiết kiệm một lượng điện năng đáng kể. Nguyên do nằm ở cơ chế vận hành của chúng.
Ở chế độ Cool, điều hòa sẽ làm mát bằng cách sử dụng quạt, đẩy không khí nóng trong phòng ra ngoài thông qua cục nóng, trả lại bằng một luồng không khí ở nhiệt độ thấp hơn.
Còn với Dry, điều hòa hút nước và hơi ẩm, trả lại không khí khô ráo cho căn phòng. Về cơ bản, hơi ẩm là một trong những lý do khiến chúng ta có cảm giác oi bức. Thế nên ở chế độ Dry, điều hòa sẽ khử nước để hạ nhiệt độ, giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn.
So sánh 2 quá trình, chế độ Cool đòi hỏi công suất điện cao hơn đáng kể, trong khi hiệu quả chỉ gần như tương đương. Đó chính là lý do vì sao ngay cả những chuyên gia trên thế giới cũng khuyên dùng chế độ này.
Nguy cơ đốt tiền điện vô ích khi dùng điều hòa ở chế độ "Dry"
Tiết kiệm là vậy, nhưng dùng điều hòa ở chế độ này có nguy cơ khiến bạn đốt cả rổ tiền điện mà phòng vẫn không mát - tức là lãng phí cực kỳ.
Lý do là gì? Chính là ở bức ảnh này!
Bức ảnh trên được chụp vào thời điểm gần 1h chiều ngày 3/6/2017, và độ ẩm ở Hà Nội chỉ là 44%.
Cơ chế làm mát của Dry là khử nước, và với độ ẩm như vậy chắc chắn sẽ không hiệu quả. Hơn nữa, không khí quá khô có thể gây một số tác dụng phụ không tốt như khô da vì mất nước.
Trong tình trạng độ ẩm quá thấp, bạn chỉ có thể dùng điều hòa hiệu quả ở chế độ Cool. Nhờ cánh quạt, hơi ẩm trong phòng liên tục được duy trì và trau dồi thêm từ môi trường ngoài, qua đó giúp ta tránh được các hiện tượng không tốt như khi sử dụng "Dry".
Tóm lại, sử dụng chế độ Dry có thể giúp tiết kiệm điện rất nhiều, nhưng bạn cần kiểm tra lại độ ẩm trong phòng trước đã.
Ngoài ra, lưu ý đừng bao giờ bật điều hòa liên tục ở nhiệt độ quá thấp, vì như vậy chỉ khiến điều hòa nhanh hỏng, tiền điện nhanh tăng và hiệu quả giảm dần theo thời gian.
Hơn nữa, nếu ai cũng bật điều hòa với công suất lớn, khả năng nhà máy bị quá tải điện là có thể xảy ra. Chắc bạn cũng không muốn giữa trưa hè bị mất điện đúng không? Thế nên đừng có dại!
Nguồn: Electro cool, AC Engineer