Cần nhổ “đinh” cơ chế cho doanh nghiệp tư nhân

Hiếu Minh |

Theo các chuyên gia, rất nhiều văn bản cấp Thông tư, thậm chí ở cấp Nghị định quy định các điều kiện kinh doanh tại nhiều lĩnh vực đã và đang gây ra sự bất bình đẳng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Câu chuyện về DN xuất khẩu gạo Cỏ May Đồng Tháp là một ví dụ điển hình về “nỗi khổ” của DN nhỏ.

Là một DN tư nhân cỡ vừa, khá uy tín trong hoạt động kinh doanh, chế biến gạo với tròn 30 năm kinh nghiệm tính đến nay, Cỏ May Đồng Tháp có nhà máy chế biến và đóng gói gạo công suất hơn 80.000 tấn/năm.

Đại diện DN này cho biết, năm 2014, họ đã đàm phán thành công với các đối tác tại Singapore để xuất khẩu gạo vào thị trường này.

Song do không đủ quy mô, năng lực đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất nhập khẩu gạo quy định tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP, mà DN đành để mất hợp đồng.

Các điều kiện bao gồm: phải có ít nhất 1 kho chuyên dụng có sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, có ít nhất 1 cơ sở xay xát thóc gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu 10% số gạo mà DN đã xuất khẩu 6 tháng trước đó…

Cũng chính những vướng mắc từ các điều kiện kinh doanh trên, DN cho biết, họ đã phải “lách” Nghị định 109 bằng cách, lập 1 công ty tại Singapore, sau đó nhập khẩu gạo của chính mình thông qua 1 đối tác trong nước không có thị trường, nhưng có quyền xuất khẩu.

“Dù xuất khẩu được gạo sang thị trường bạn, song cái giá phải trả là chi phí đã bị ‘đội’ lên 2 USD mỗi tấn, công ty tại Singapore phải đóng thuế TNDN cho nước sở tại với mức 17%, trong khi Nhà nước Việt Nam không thu được đồng thuế nào, bởi DN xuất khẩu may mắn lắm mới hòa vốn”, đại diện DN trên cho biết.

Cũng theo phân tích của Cỏ May Đồng Tháp, sau khi ban hành Nghị định 109, tình hình xuất khẩu gạo của các DN hoạt động trong lĩnh vực này đã suy giảm rõ rệt.

Cụ thể, số DN có thể xuất khẩu gạo trực tiếp đã giảm tới một nửa trong tổng số hơn 200 DN xuất khẩu trực tiếp trước đó; tỷ trọng số lượng gạo xuất khẩu của 10 DN xuất khẩu lớn nhất đã giảm từ 70% là tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2008, xuống còn gần 57% vào năm 2012… đáng chú ý, các DN tư nhân đã bị đẩy khỏi thị trường xuất khẩu gạo, nơi họ nắm 80% lượng gạo xuất khẩu trước đây, để nhường chỗ cho các DNNN tiếp quản, trong đó Vinafood I và Vinafood II chiếm tới 40%.

Ngoài việc đi ngược với quy luật kinh tế thị trường, các chuyên gia cho rằng, Nghị định 109 đang gây ra tình trạng “phân biệt đối xử”, khiến các DNNVV khó có thể cạnh tranh lành mạnh, công bằng.

Trong một trường hợp khác, TS. Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luât cho biết, gần đây, hầu hết các DN kinh doanh du lịch, dịch vụ tàu thuyền tại Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long đang bị “bức tử” bởi hàng loạt các tiêu chí, điều kiện kinh doanh được bạn hành tại hai Quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh, số 4088/2015/QĐ-UBND và 3625/QĐ-UBND về điều kiện phòng cháy-chữa cháy và niên hạn sử dụng.

Theo ông Sơn, các quy định này đã vi phạm nhiều luật như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chuyên ngành…, thậm chí còn vi phạm cả Hiến pháp 2013, nhằm tạo “sân chơi riêng” cho các đại gia trong lĩnh vực này.

Không chỉ có vậy, hàng chục DN tư nhân trong lĩnh vực kinh doanh khí, gas mới đây đã đồng loạt kêu cứu khi đứng trước nguy cơ đóng cửa do những điều kiện kinh doanh quy định tại Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí và Thông tư 03/2016/TT-BCT của Bộ Công thương hướng dẫn thực hiện Nghị định 19.

Đó mới chỉ là vấn đề nhỏ trong rất nhiều vấn đề mà các DNNVV đang hàng ngày phải đối mặt.

Các điều kiện, quy định ngặt nghèo này khiến khu vực DN này khó có thể tồn tại và duy trì, chứ chưa nói đến vươn lên phát triển, trong điều kiện vốn đã không ít khó khăn như hiện nay.

TS. Sơn cho rằng, đây là các loại “đinh” cần phải được nhổ một cách triệt để, thông qua quá trình soạn thảo, hoạch định chính sách pháp luật một cách công khai, công bằng, phù hợp với DN theo hướng xây dựng cơ chế đa ngành, chống đơn tuyến, lợi ích nhóm, lợi ích ngành, phát huy cơ chế hậu kiểm, tích cực rà soát để kịp thời bãi bỏ những văn bản, quy định trái quy luật và không phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, đồng thời có gắn trách nhiệm cụ thể với cơ quan, cá nhân của người soạn thảo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, nếu không giải quyết kịp thời tình trạng “một cổ, đa tròng” như trên, sẽ khó có thể thúc đẩy khu vực DN tư nhân phát triển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại