Nhà thơ Dương Kỳ Anh tiết lộ, năm 2014, khi Nguyễn Cao Kỳ Duyên đăng quang Hoa hậu Việt Nam, ông tham gia cuộc thi này với tư cách là cố vấn. "Khi BGK lựa chọn cô ấy tôi đã có lời khuyên nhưng họ vẫn quyết định theo quan điểm của họ".
Nhà thơ Dương Kỳ Anh được dư luận gắn mác là "Cha đẻ của các Hoa hậu Việt Nam". Bởi vậy nói về một nhan sắc nào đó, đặc biệt là phải nói những lời “không có cánh” là điều ông rất ngại. Khi ông đăng đàn những lời đầu tiên về Kỳ Duyên, nhiều người gọi điện cho ông tỏ ý trách móc, sao “cha đẻ mà gay gắt với con thế?”.
Điều này khiến ông rất ngại, nhưng với một người suốt đời đau đáu với cái đẹp và suốt hơn 20 năm làm Trưởng Ban tổ chức (BTC) cuộc thi HHVN thì câu chuyện về bất kỳ Hoa hậu nào đã không còn là câu chuyện riêng của một ai.
Và những ngày qua, khi hình ảnh hút thuốc của Kỳ Duyên lan truyền trên mạng xã hội thêm một lần khiến công chúng thất vọng, ông cũng không thể im lặng.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh cho biết, BTC HHVN cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc xử lý các vi phạm của Hoa hậu Kỳ Duyên. Thậm chí, cần nghĩ đến giải pháp thu hồi vương miện và gạch bỏ Kỳ Duyên khỏi danh sách Hoa hậu Việt Nam.
“Ai đó bàn tán về Hoa hậu, tôi cũng buồn lắm, người ta tìm kiếm ra Hoa hậu mà lại gặp nhiều phản đối như thế thì buồn lắm chứ. Cuộc thi Hoa hậu cơ mà, nghĩa là đi tìm cái đẹp, đi tìm người đẹp nhất”, nguyên Trưởng BTC HHVN cho biết.
Hơn 20 năm làm Trưởng BTC cuộc thi HHVN, nhà thơ Dương Kỳ Anh khẳng định, làm giám khảo cuộc thi Hoa hậu khó lắm. “Ban giám khảo phải vì cái đẹp, còn nếu làm giám khảo mà không phải vì cái đẹp thì không lựa chọn được hoa hậu. Và không phải ai cũng chấm được Hoa hậu. Không phải cứ mời người nổi tiếng là chấm thi Hoa hậu được, làm giám khảo được. Phải là người có chuyên môn, làm gì cũng cần có chuyên môn. Làm giám khảo Hoa hậu càng cần phải có chuyên môn.
Ngày xưa thời còn làm Trưởng BTC, có người hỏi tôi “sao anh cứ mời mãi những người đó làm giám khảo?”. Tôi trả lời họ rằng “đó là những người mà không ai có thể thay thế được, ngoài danh tiếng, đạo đức, họ còn có con mắt tinh đời”. Và rõ ràng đội ngũ BGK ngày đó đã giúp BTC lựa chọn ra những thí sinh đẹp nhất làm Hoa hậu. Quan điểm ai cũng chấm được Hoa hậu là hoàn toàn sai lầm", nhà thơ Dương Kỳ Anh chia sẻ.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh cho biết thêm: “Tranh cãi về Kỳ Duyên hay bất kỳ một Hoa hậu nào cũng khiến tôi buồn. Người ta tìm được cô gái đẹp, hợp lòng dư luận mình rất vui và ngược lại”.
Lý giải về ý kiến cho rằng, nhiều năm nay, Hoa hậu Việt Nam cứ xấu dần và gây nhiều tranh cãi, nhà thơ Dương Kỳ Anh, cho biết, đây là điều khiến ông băn khoăn và trăn trở nhất. “Sau khi nghỉ hưu, tôi nhận được nhiều lời mời từ BTC của các cuộc thi Hoa hậu trong nước và quốc tế, nhưng đều từ chối. Đối với những cuộc thi mới về sắc đẹp, tôi sợ nhất là phải chịu áp lực trong việc đi tìm ngôi vị cao nhất.
Điều mà trong hơn 20 năm làm Trưởng BGK cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, tôi không phải chịu bất cứ một áp lực nào và thành phần BGK của cuộc thi HHVN trong những năm đó cũng không chịu bất cứ một áp lực nào ngoài áp lực tìm kiếm người đẹp nhất. Có nhiều nhà tài trợ tìm đến tôi và họ “gây áp lực” ngay từ đầu, nhưng tôi nói rằng, anh có tài trợ thì tài trợ không thì thôi chứ không có chuyện dàn xếp giải thưởng gì ở đây. Một khi đã thỏa hiệp nghĩa là để người ta ép mình rồi mình không làm được điều mình muốn".
“Dĩ nhiên BGK nào cũng có quan điểm riêng về cái đẹp nhưng Hoa hậu mà để bị chê xấu thì không còn gì để nói”, nhà thơ Dương Kỳ Anh nhấn mạnh.
“Tôi phải cám ơn những người từng sát cánh cùng tôi trong công cuộc đi tìm cái đẹp như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, như nghệ sĩ nhân dân Trà Giang. Họ là những con người mà không một ai có thể gây áp lực hay thay đổi được họ trong cách chấm điểm hoa hậu".
Nhà thơ Dương Kỳ Anh nhắc đến một kỷ niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chữa cháy trong một lần ông làm BGK cuộc thi Hoa hậu năm 1992. “Trong đêm chung kết đầu tiên của HHVN 1992 được tổ chức ở nhà thi đấu Phan Đình Phùng, TPHCM. Chiều hôm đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngồi với một người bạn, có chai rượu để bên cạnh và chị Trà Giang đã phải cất đi. Đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vài ba chén đối với ông không có nghĩa lý gì, nhưng người bạn của ông lúc đó đã ngà ngà.
Đến tối, lúc ngồi ghế giám khảo, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ mải xem mà không chấm điểm khiến BTC được một phen tá hỏa khi tổng hợp điểm của các BGK để tổng kết thì không biết lấy đâu ra điểm từ BGK Trịnh Công Sơn. BTC náo loạn, riêng bản thân tôi thì lo lắng tột độ, tôi đoán Trịnh Công Sơn đã uống vài chén rượu trước đó rồi lơ đãng quên mất phần chấm điểm thí sinh.
Sân khấu lúc ấy đã bắt đầu hết các tiết mục. Thanh Bạch làm MC múa may đủ kiểu nhưng cũng đã hết võ. Tôi vỗ vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bảo, anh lên chữa cháy đi. Trịnh Công Sơn không ngần ngại cầm ngay cây đàn ghi ta và lên sân khấu ngồi hát.
Không ngờ ông hát hay đến thế. Và khán giả thì vỗ tay rầm rầm, rồi không chỉ 30 phút mà đến gần một tiếng đồng hồ sau tiết mục của anh mới dừng trong sự ngưỡng mộ và tiếc nuối của khán giả. Đến hôm tổng kết, Sơn ghé tai tôi và nói sẽ đền cho tôi một bài thơ.
Lại có một chuyện khác, cũng trong cuộc thi HHVN 1992, anh Sơn mê một thí sinh có tên là Mạc Lê Đan Thanh rất đẹp, đẹp theo con mắt của nhà thơ. Tiêu chuẩn không phải để làm Hoa hậu, nhưng nói năng nhẹ nhàng, ngây thơ, mình sợ Sơn mê cô này quá mà chấm điểm cao nhưng đến lúc nhìn vào bảng điểm ông chấm cô ấy thì rất chuẩn.
Tôi nói với mọi người, đúng là một tài năng lớn bao giờ cũng đi với một nhân cách lớn. Họ không bao giờ vì cá nhân mà làm ảnh hưởng đến cái chung”./.