Trước khi cải tạo, căn hộ được bố trí khoa học với đầy đủ các khu vực chức năng gồm phòng khách, phòng ăn, bếp nấu, phòng ngủ và phòng tắm. Tuy nhiên, chỉ với thành công nhờ sự sắp xếp, bố trí các khu vực chức năng vẫn chưa phải là yếu tố quyết định tạo nên vẻ đẹp và cảm giác vui vẻ, hạnh phúc khi sống trong căn hộ.
Chính vì điều này, chủ nhân của căn hộ đã quyết định bỏ đi những nội thất, vật dụng không cần thiết, mua thêm đồ đạc mới và bắt đầu "chạy theo" những xu hướng mới, giúp không gian sau khi cải tạo đẹp một cách đầy ấn tượng và cá tính.
Không gian căn hộ trước khi cải tạo.
Một điều vô cùng tuyệt vời làm nên vẻ đẹp ấm cúng, thanh lịch, tiện nghi cho không gian đó chính là sức lực, bàn tay và khối óc của cả hai vợ chồng tạo nên. Nhiều gia đình khi bàn đến chuyện sửa nhà thường nhờ cậy đến sự tư vấn của các kiến trúc sư thì cặp vợ chồng này lại cố gắng tự tay chọn lựa nội thất, chọn cách trang trí, cùng nhau bàn bạc, lên ý tưởng hay điều chỉnh ý tưởng trong quá trình thi công.
1. Khu vực tiếp khách kiêm phòng ngủ
Không gian chính của căn hộ, rộng rãi và được sự ưu ái của ánh sáng tự nhiên, chủ nhân của căn hộ đã khéo léo bài trí các khu vực chức năng một cách liền mạch. Từ không gian phòng khách với đầy đủ các nội thất cơ bản, đến bàn ăn và bếp nấu. Các khu vực chức năng chủ yếu được sử dụng bằng gỗ sáng màu, giúp không gian đẹp gần gũi nhưng không kém phần hài hòa, cân đối.
Nơi tiếp khách được bố trí rộng rãi với hệ thống sofa góc đẹp tinh tế và tiện lợi. Khi không sử dụng với chức năng chính, bộ sofa có thể biến thành chiếc giường êm ái. Căn phòng khi có sự hiện diện của giường ngủ ngay lập tức trở nên xinh xắn và dịu dàng đến không ngờ.
Góc nhỏ xinh xắn dành cho chức năng tiếp khách.
Không chiếm nhiều diện tích nhưng phần không gian chức năng sinh hoạt chung vẫn đẹp tinh tế bởi cách kết hợp màu sắc và sử dụng nội thất khéo léo.
Sự tiện lợi của nội thất đa năng dành cho không gian hẹp.
2. Không gian nấu nướng
Phòng bếp nằm ở bên trong cùng của ngôi nhà, tận dụng ngay khoảng góc nhỏ để khéo léo bố trí đồ đạc, sắp xếp nội thất phù hợp. Dù không gian nấu nướng "bé xíu" nhưng vẫn gọn gàng, thông thoáng nhờ bố trí tủ đựng đồ gắn tường hợp lý. Cách bố trí máy hút mùi, bếp nấu và bồn rửa ngay cạnh cửa sổ, tạo sự thông thoáng cho không gian này.
Không gian nấu nướng đặt gần cửa sổ.
Quy củ và ngăn nắp.
Những góc nhỏ được tận dụng một cách khéo léo với đồ gia dụng và tủ bếp. Một mẹo nhỏ trang trí phòng của gia chủ đó là đặt đồ gia dụng trước, nghiên cứu những vị trí đẹp. Tủ bếp và các vật dụng khác được bố trí ngay cạnh đồ gia dụng tạo sự đồng đều, thống nhất trong không gian chức năng.
Không gian ăn uống được đặt ở góc giao giữa phòng khách với phòng bếp. Khoảng diện tích khá nhỏ để ngăn chia các khu vực đã được đặt khéo léo bàn ăn với thiết kế đơn giản, ghế dài được sử dụng làm ghế ăn, nơi không chỉ sử dụng với chức năng vốn có mà còn là nơi để mọi người có thể thoải mái hơn khi lắp đặt đồ dùng.
Bàn ăn đặt ngay đối diện với phòng khách.
Tranh treo tường tạo điểm nhấn cho khoảng không gian rộng.
Ánh sáng hỗ trợ tối đa cho không gian nhỏ.
Bàn ăn ấm cúng.
3. Không gian nghỉ ngơi
Phòng ngủ được bố trí ngay ở góc nhỏ bên cạnh phòng khách. Tuy căn hộ có diện tích hẹp nhưng phòng ngủ vẫn được tách biệt nhằm tạo sự riêng tư cho chủ nhân của ngôi nhà. Nét độc đáo, tiện dụng của không gian nghỉ ngơi nằm ở hệ thống tủ đựng đồ có thanh trượt.
Bên cạnh giường ngủ được bố trí tủ đựng đồ với nhiều ngăn, chỉ cần kéo tủ ra ngoài là đủ để cất trữ vô số đồ đạc. Phía ngoài tủ được chọn màu trắng tinh khôi, đồng thời đóng vai trò làm màn máy chiếu, giúp mọi người có thể vừa nghỉ ngơi vừa giải trí ngay trong phòng.
Khu vực giường ngủ sử dụng làm điểm nhấn.
Tủ đựng đồ làm màn hình máy chiếu.
4. Không gian nhà vệ sinh
Phòng tắm được bố trí ở khoảng diện tích khiêm tốn, thiếu sáng nhưng bằng cách sử dụng gạch ốp tường làm điểm nhấn, không gian dường như rộng và sáng hơn nhiều so với phòng tắm cũ.
Phòng tắm gọn gàng, giản dị.