Việc công khai danh sách thí sinh gian lận thi cử hay không có liên quan đến các quy định của pháp luật về quyền bí mật đời tư cá nhân.
Theo đó Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự 2015 đều có quy định cụ thể về việc bảo vệ quyền tự do cá nhân, bí mật đời tư cá nhân và quy định mức độ giới hạn của quyền tự do cá nhân này.
Điều 21 Hiến pháp năm 2013 có quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn
Điều 38 Bộ luật dân sự 2015 quy định: 1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ… Tuy nhiên, quyền bí mật đời tư cá nhân không phải là cố định, bất biến mà quyền này cũng có giới hạn.
Quyền tự do của cá nhân này bị giới hạn bởi quyền tự do của cá nhân khác và bị giới hạn bởi quyền lợi chung của cộng đồng, vì lý do an ninh quốc gia, lợi ích cuốc phòng, lợi ích công cộng, an toàn công cộng....
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Bởi vậy, đối với vụ việc nâng điểm ở một số nơi như Sơn La, Hòa Bình..., cơ quan chức năng có đầy đủ cơ sở pháp lý để công khai danh tính những thí sinh được nâng điểm đảm bảo tính khách quan, công bằng, để phòng ngừa chung và cũng là cơ sở để xem xét xử lý những hành vi sai phạm của những người có liên quan.
Việc công khai danh tính của các học sinh được làm cơ sở để các trường đại học, cao đẳng hủy bỏ kết quả thi, không công nhận điểm thi đó khi xét tuyển đại học, cao đẳng.
Việc công khai danh sách những thí sinh được nâng điểm là cơ sở dữ liệu quan trọng trong việc nghiên cứu về pháp lý cũng như về xã hội học, đánh giá về những bất ổn trong xã hội cũng như những nguyên nhân, điều kiện phạm tội, để đảm bảo thực hiện các giải pháp phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.
Trên cơ sở những thí sinh được nâng điểm có thể biết được những thí sinh này thuộc nhóm người nào trong xã hội, con em những gia đình nào để lý giải những nguyên nhân tại sao lại có hiện tượng vi phạm trong thi cử, để có những giải pháp phòng ngừa, cũng như có những biện pháp xử lý đối với những phụ huynh và những người có liên quan, khi có những hành vi vi phạm pháp luật khác.
Ngoài ra, kỳ thi đó cũng có nhiều thí sinh bị nghi ngờ là được nâng điểm, khi công khai danh sách này sẽ làm rõ em nào được nâng điểm, em nào có điểm thật, để trả lại công bằng cho các em.
Việc công khai kết quả xử lý cũng là một trong những nguyên tắc của pháp luật để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung và để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật mang lại nhiều lợi ích chung cho cộng đồng.
Bởi vậy, theo quan điểm của cá nhân, tôi thấy việc công khai danh tính những học sinh được nâng điểm là cần thiết. Đồng thời cần phải xem xét trách nhiệm của các phụ huynh và những người có liên quan đối với hoạt động đặc điểm này, để đảm bảo công bằng trước pháp luật.
Không thể vì các phụ huynh đó là những người có chức vụ, quyền hạn, có địa vị xã hội hay là những người lắm tiền, nhiều của... mà các cơ quan bảo vệ pháp luật có thể e dè, nể nang, gây dư luận xấu trong xã hội.