Hành vi lái xe khi uống rượu, bia và chất có cồn đang là vấn đề nhức nhối khi tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam chưa có dấu hiệu giảm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại các nước có thu nhập cao, có đến 20% số trường hợp chết do TNGT đường bộ là do sử dụng rượu, bia khi điều khiển các phương tiện cơ giới tham gia giao thông.
Cần phạt 50 triệu đồng
Thạc sĩ, luật sư Huỳnh Công Thư (Đoàn Luật sư tỉnh Long An) phân tích ở các nước có thu nhập thấp, tỉ lệ này là từ 33% đến 69%.
Kết quả khảo sát tại Bệnh viện Việt Ðức và Xanh Pôn (Hà Nội) cho thấy 62% số nạn nhân bị TNGT đường bộ có nồng độ cồn cao trong máu (cao nhất 458 mg/100 ml máu, gấp 9 lần cho phép).
Cũng theo thống kê của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, tại Việt Nam có tới 12.000 người chết/năm và 32 người chết/ngày vì TNGT, trong đó hơn 10% do sử dụng rượu, bia gây ra.
Chính vì vậy, vấn đề ngăn chặn TNGT do sử dụng rượu, bia đã được các nhà làm luật đặt ra từ rất sớm.
Cụ thể Bộ Luật Hình sự 2015 quy định người nào lái xe có nồng độ cồn vượt mức quy định, sử dụng ma túy, chất kích thích gây tai nạn chết người, thương tật 61% trở lên có thể bị phạt tù lên đến 10 năm.
Ngoài ra, nếu đã có rượu bia, chất kích thích nhưng vẫn lái xe thì bị phạt lên đến 18 triệu đồng, giam bằng lái 6 tháng.
Như vậy, rõ ràng pháp luật qui định chế tài uống rượu bia đối với tài xế khi tham gia giao thông là nghiêm khắc. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến và gây ra bao cảnh đau thương cho gia đình nạn nhân.
Luật sư Huỳnh Công Thư kiến nghị cần sửa Nghị định 46/2016/CP theo hướng nâng cao mức phạt tiền lên 50 triệu đồng nhằm răn đe.
Đồng thời, bổ sung thêm mức hình phạt phụ là tạm giữ hành chính hay buộc người vi phạm phải lao động công ích như Singapore đang làm mới mong kéo giảm tình trạng lạm dụng rượu, bia và các chất kích thích khi tham gia giao thông.
Không thể nương tay
Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TP HCM) nhìn nhận vụ nữ tài xế lái BMW gây tai nạn kinh hoàng ở ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) vừa qua chỉ là một trong số rất nhiều vụ TNGT liên quan đến rượu, bia mỗi năm ở nước ta.
Văn hóa rượu bia ở Việt Nam được xem trọng và việc nhậu xong vẫn lái xe được coi như là "chuyện bình thường" hoặc thường cho rằng nếu uống ít rượu bia thì vẫn có thể tham gia giao thông.
Thậm chí, nhiều người biết việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là vi phạm nhưng phần lớn vẫn nghĩ mình đủ khả năng lái xe.
Hiện trường vụ tai nạn đau lòng ở Vòng xoay Hàng Xanh
Thực tế, cồn là một chất gây ảo giác nặng, làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, định hướng, điều khiển vận động.
Khi nồng độ cồn trong máu đạt 0,25 mg/lít khí thở, người lái xe đã không còn khả năng điều khiển chính xác một số động tác, khả năng xử lý tình huống chậm. Khi không còn tỉnh táo, họ sẽ không thấy tác hại và hậu quả của việc lái xe sau khi uống rượu bia.
Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, chế tài vi phạm với người điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu bia tại Việt Nam hiện nay vẫn còn quá nhẹ so với nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Trong khi đó, thực tế cho thấy, tại bất cứ thời điểm nào, việc lái xe sau khi đã dùng rượu bia, có nồng độ cồn trong máu cao có thể gây hệ lụy khôn lường không chỉ cho bản thân người điều khiển phương tiện giao thông mà còn làm liên lụy tới mọi người xung quanh.
Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa hình sự hóa các trường hợp điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia mà chưa có hậu quả xảy ra.
Tuy nhiên, với số lượng lớn vụ TNGT do sử dụng bia rượu, gây nhiều tổn thất nặng nề cho gia đình và xã hội, đã đến lúc các cơ quan chức năng đánh giá, nhìn nhận lại vấn đề này.
Không thể nhẹ tay, nương tay với những hành vi điều khiển xe mà trong người có nồng độ cồn cao.
Chúng ta có thể nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc pháp luật của một số nước trên thế giới để quản lý và xử lý nghiêm, chẳng hạn như thêm hình phạt lao động công ích, buộc học lại mới trả bằng lái hoặc cấm điều khiển xe suốt đời, tịch thu bằng lái vĩnh viễn nếu có những hành vi vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng...
Các nước xử "ma men" ra sao?
Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn dẫn chứng tại Singapore, mức phạt dành cho người bị kết tội lái xe trong lúc say rượu lên đến 5.000 SGD (khoảng 83,9 triệu đồng) hoặc bị phạt tù 6 tháng, có thể bị rút luôn bằng lái ngay cả khi chưa gây hậu quả.
Nhật Bản áp dụng các hình phạt - bao gồm cả án tù - cho những người cung cấp rượu, bia hoặc phương tiện cho những lái xe đang say xỉn, thậm chí phạt luôn cả người ngồi trên xe mà biết rằng tài xế có uống rượu bia trước đó.
Tương tự, ở Malaysia, chỉ cần ngồi chung với người điều khiển xe có rượu, bia cũng bị phạt do biết người đó say xỉn mà không cản việc họ điều khiển phương tiện giao thông.
Ở Mỹ, tùy vào luật của từng bang cụ thể nhưng uống rượu trước khi lái xe có thể bị giam 1 đêm cho đến khi được bảo lãnh. Chính quyền có thể áp dụng 45 ngày treo bằng lái, khóa học "giáo dục về cồn" kéo dài 16 tuần và 1 năm bị giám sát.
Đó là chưa kể đến những khoản chi phí mà họ phải trả như tiền phạt, tiền lấy lại xe bị giữ, tiền án phí, tiền đóng cho khóa học, tiền nhận lại bằng lái…
Tham quan nhà xác
Một trong những cách giáo dục hữu hiệu mà chính quyền Thái Lan áp dụng đối với những người từng bị kết tội lái xe khi say xỉn hoặc có ảnh hưởng bởi rượu bia là đi tham quan nhà xác, nhìn những chiếc quan tài mà ai đó có thể vì họ phải nằm vào hoặc chính họ có thể phải nằm vào đó.
Ngoài ra, trong dịp đầu năm mới 2018, những tài xế từng say xỉn bị đặt trong tình trạng giám sát, phải tham gia lao động công ích hoặc chăm sóc các nạn nhân bị tai nạn trong bệnh viện.