Khải Định (1885 - 1925) là vị hoàng đế thứ 12 của triều Nguyễn có tên khai sinh là Nguyễn Phúc Bửu Đảo nhưng khi lên ngôi đổi thành Nguyễn Phúc Tuấn. Ông là con trưởng của vua Đồng Khánh, mẹ là bà Dương Thị Thục.
Sinh thời, Khải Định bị đánh giá là một vị vua chỉ ham chơi bời, cờ bạc. Ông tự sáng chế ra những bộ y phục mới cho mình và cho cả quan hộ vệ.
Ông còn rất chuộng trang điểm, ăn mặc lòe loẹt, không tuân theo y phục hoàng tộc truyền thống và thường bị đả kích trên báo chí đương thời.
Nhìn vào lăng tẩm, cung điện cùng những vật dụng mà vua Khải Định hiện còn lưu giữ được, người thời nay có thể thấy được độ ăn chơi, sa đoạ của vị hoàng đế được đánh giá là lắm tai tiếng bậc nhất lịch sử phong kiến Việt Nam nói chung và triều đại nhà Nguyễn nói riêng.
Trong số những vật dụng đó, hiện tại, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (Thừa Thiên - Huế) còn trưng bày chiếc long sàng của hoàng đế Khải Định với những chạm khắc hình rồng tinh xảo và được sơn son, thếp vàng:
Sau cả trăm năm tồn tại, chiếc long sàng của vua Khải Định vẫn còn khá nguyên vẹn, toát lên vẻ quyền uy của hoàng gia. (Ảnh: Nguyễn Vương)