Hòn đảo đang được nhắc đến ở đây là đảo Migingo, nằm trong hồ Victoria – hồ nước lớn nhất châu Phi và cũng là hồ nhiệt đới lớn nhất thế giới.
Theo trang báo điện tử Businessinsider, 131 chỉ là con số thống kê chính thức vào năm 2009 còn hiện tại, có lẽ số người đổ đến đây sinh sống đã tăng lên rất nhiều lần.
Nguyên nhân là bởi Migingo có một sự hấp dẫn "không hề nhẹ". Phần lớn những người tìm đến đây đều là ngư dân và thương lái. Họ đến đây để khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên màu mỡ - đó chính là thủy hải sản.
Hòn đảo vây quanh là nước với tiềm lực thủy sản khiến nhiều ngư dân khao khát.
Theo truyền thông nước ngoài, đây là khu vực đầy ắp tôm cá. Một ghi chép được báo chí đăng tải lại cho biết, chỉ riêng năm 2009, trong một tuần một ngư dân tại Migingo có thể thu về số cá mà những ngư dân nơi khác phải đánh bắt cật lực trong 2-3 tháng.
Nơi còn có một đặc sản nổi tiếng đó là cá rô sông Nile. Nguồn lợi thủy sản này phong phú đến mức nó đã biến Migingo trở thành trung tâm của ngành công nghiệp đánh bắt cá triệu đô, đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của ba nước Uganda, Kenya và Tanzania.
Người dân chen chúc lên đảo để kiếm kế sinh nhai.
Sở dĩ đảo Migingo có liên quan đến ba quốc gia nói trên là bởi cho đến tận hôm nay, hòn đảo này vẫn là "chiếc bánh ngọt" được Uganda và Kenya ra sức tranh giành chủ quyền.
Trên thực tế, Migingo nằm trên lãnh thổ Kenya. Tuy nhiên phía Uganda khẳng định rằng ngư dân nước này cần được đánh bắt cá từ vùng nước của mình bởi lãnh thổ Uganda chỉ cách hòn đảo Migingo 500m.
Vào năm 2008, Uganda thậm chí đã cử quân đội đến Migingo và yêu cầu ngư dân Kenya rời khỏi hòn đảo.
Căng thẳng tiếp tục gia tăng cho đến năm 2016, hai quốc gia châu Phi cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận cùng đánh thuế những ngư dân trên hòn đảo Migingo và cử lực lượng an ninh tới để ngăn chặn tình trạng cướp bóc.
Người dân Tanzania cũng không từ bỏ cơ hội vàng để kiếm kế mưu sinh. Họ nhập cư đến đây để đánh bắt, buôn bán..., biến hòn đảo không người ở trước năm 1991 thành một trung tâm thương mại phát triển.
Những mái lều dựng sát nhau đến mức tưởng chừng như không có khoảng cách.
Hoạt động trao đổi hàng hóa diễn ra tấp nập khi tàu thuyền cập bờ. Nhiều công ty chế biến thủy sản đã tìm đến đây thu mua, vận chuyển hàng hóa vào đất liền Kenya sau đó xuất khẩu ra thế giới.
Mặc dù điều kiện sống tồi tàn, những ngôi nhà dựng lên hết sức tạm bợ nhưng đảo Migingo vẫn có đến năm quán rượu, một thẩm mỹ viện, một nhà thuốc cũng như một số khách sạn và nhiều nhà thổ.
Với số lượng người đông đúc, Migingo hiện đang là hòn đảo có mật độ dân cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, có vẻ như danh hiệu này có thể sẽ không tồn tại mãi mãi. Số lượng thủy sản ở đây đang giảm dần và ngư dân đã lục đục chuyển đến khu vực khác để đánh bắt cá.
Hòn đảo nhìn từ xa.
Những mái lều dựng tạm hết sức thô sơ.