Phát biểu thẳng thắn trước nghị trường chiều 23/5, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, từ thực tiễn tham gia công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, có thể thấy vẫn còn một số hạn chế, tồn tại.
Điều này cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra, như một số cơ quan của Quốc hội còn chưa quan tâm đúng mức, chưa tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của cử tri trong việc thẩm tra, đánh giá tác động của một số dự án luật, chưa khai thác hiệu quả các ý kiến, kiến nghị của cử tri, chưa lấy đó làm cơ sở, làm căn cứ thực tiễn để xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm.
Việc tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho các dự án luật đôi khi còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả; trong quá trình giám sát, việc đánh giá kết quả tổ chức thi hành luật, pháp lệnh của các cơ quan có thẩm quyền nhiều khi còn chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu chịu sự giám sát; việc theo dõi, đôn đốc, giám sát công tác tổ chức thực hiện các kết luận giám sát, nghị quyết của Quốc hội về giám sát còn chưa được quan tâm đúng mức, từng lúc, hiệu quả giám sát chưa cao.
"Hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của cơ quan thường trực, của cơ quan dân cử khá đơn điệu, thụ động và khó đảm bảo tốt chất lượng giám sát, bởi thực tế nội dung của báo cáo giám sát giải quyết kiến nghị cử tri thường không phải lúc nào cũng phản ánh đầy đủ sự hài lòng của cử tri. Bên cạnh đó, quy định cũng không xác định rõ về thời gian mà các cơ quan có thẩm quyền sau khi nhận được kiến nghị của cử tri phải có phản hồi về kết quả xử lý các kiến nghị đó", ông Bình nêu kiến nghị tiếp tục hoàn thiện phương thức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Theo ĐBQH đoàn Trà Vinh, Điều 31, Điều 74 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 chỉ quy định về trình tự các cơ quan thường trực, cơ quan dân cử xem xét, báo cáo việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Xuất phát từ thực tế này, đại biểu kiến nghị: "Nên chăng cần bổ sung quy định về hình thức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thông qua hình thức phản hồi của cử tri về kết quả giải quyết đó, tức là quy định cụ thể về việc lấy ý kiến của cử tri về những vấn đề họ kiến nghị có được cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời, đầy đủ, đúng quy định pháp luật hay không?"
Bên cạnh đó, ông Bình cho rằng, cần bổ sung quy định về hậu giám sát đối với việc giải quyết các kiến nghị của cử tri để kịp thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý những vấn đề mới phát sinh. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, trong đó quy định rõ về việc phối hợp giữa các cơ quan của cơ quan dân cử và các cơ quan Nhà nước khác trong việc giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
"Nội dung này tôi tha thiết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu để có thể đưa vào nội dung chỉnh sửa, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 mà Hội đồng Dân tộc đang là đơn vị được giao chủ trì thực hiện trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới", ĐB Phước Bình nói.
Cũng theo ông Bình, thực tế cho thấy, phạm vi giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các chủ thể khác hiện rất rộng. Việc Quốc hội tập trung giám sát Chính phủ, Hội đồng nhân dân tập trung giám sát Ủy ban nhân dân vừa đảm bảo nguyên tắc của hoạt động giám sát là Quốc hội, Hội đồng nhân dân, vừa đảm bảo nguyên tắc tổ chức bộ máy Nhà nước Việt Nam, đảm bảo tính khả thi trong thực tế.
"Đây cũng là xu hướng mô hình của các nước trên thế giới khi cơ quan dân cử chỉ tập trung giám sát cơ quan hành pháp do mình bầu, bổ nhiệm. Điều này thực sự có ý nghĩa khi khối lượng kiến nghị cử tri gửi đến các cơ quan dân cử ngày càng tăng. Do đó, việc khoanh vùng đối tượng giám sát sẽ giảm tải cho cơ quan dân cử, qua đó có những biện pháp kịp thời nhằm đảm bảo những kiến nghị của cử tri được cơ quan chức năng giải quyết tốt nhất", ĐBQH Đoàn Trà Vinh nói.
Đúng nguyện vọng của cử tri nhưng chưa thực sự trúng thời điểm
Nêu ý kiến về hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho cho rằng, kết quả giám sát của Quốc hội đã chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc, những nút thắt, điểm nghẽn, bất cập trong quá trình thực thi pháp luật và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế... Kết quả giám sát là cơ sở quan trọng để Quốc hội và Chính phủ kịp thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc nhất định, nhất là vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách và đưa ra những kiến nghị để bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Tuy nhiên, nữ đại biểu nhận thấy, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội có lúc việc lựa chọn vấn đề giám sát tuy rất sâu sắc, đúng nguyện vọng của cử tri nhưng chưa thực sự trúng thời điểm.
"Những vướng mắc, bất cập hầu hết đã được tháo gỡ trong các luật đã được Quốc hội thông qua. Do đó, các Đoàn ĐBQH rất khó trong việc đưa ra kiến nghị để hoàn thiện thể chế. Nếu tiến hành trước thời điểm Quốc hội cho ý kiến và thông qua các luật trên thì những kiến nghị sau giám sát sẽ là cơ sở vững chắc cho việc xem xét, sửa đổi pháp luật", bà Nga nói.
Với ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương), nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội trong thời gian tới, đại biểu kiến nghị Quốc hội cần có Nghị quyết chuyên đề tại mỗi kỳ họp Quốc hội về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó nêu rõ giải pháp thực hiện, nhất là đối với các kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết để Quốc hội và cử tri theo dõi, giám sát.
Đại biểu Xuân cho rằng, bắt đầu từ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, lần đầu tiên Quốc hội đã thảo luận trực tiếp tại hội trường về vấn đề này và truyền hình trực tiếp cho cử tri theo dõi. Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 5 đã có nội dung này. Tuy nhiên, với hàm lượng nội dung rất ít và rất khái quát, chưa rõ giải pháp, tiến độ thực hiện.
Do đó, đại biểu kiến nghị cần thiết phải có một Nghị quyết chuyên đề sau khi Quốc hội thảo luận để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới, với nội dung rõ hơn về giải pháp, về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Bà Xuân cho rằng, trên cơ sở Nghị quyết chuyên đề sẽ giúp cho việc triển khai thực hiện được thuận lợi, rõ ràng hơn và giúp cho đại biểu Quốc hội giám sát có chất lượng hơn trong thời gian tới.
Sáng 20/5, Quốc hội đã nghe Báo cáo số 832, gồm 37 trang, 11 phụ lục, 373 vấn đề. Tại báo cáo đã nêu tổng số tiếp nhận 2.216 kiến nghị của cử tri, đến nay đã giải quyết, trả lời được 2.210/2.216 kiến nghị, đạt 99,7%.
Báo cáo cũng nêu các kết quả giải quyết của từng cơ quan, tổ chức, đánh giá kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trong việc tổng hợp, giải quyết kiến nghị cử tri; đưa ra các kiến nghị cụ thể với Chính phủ và bộ ngành Trung ương, nhằm tiếp tục giải quyết kiến nghị của cử tri, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, cũng như nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý Nhà nước.