Tờ Khmer Times dẫn phát biểu của Thủ tướng Hun Sen cho biết:
“Tôi xác nhận ngày bầu cử thượng nghị sĩ (25.2) không đổi, và tổng tuyển cử 29.7 sẽ diễn ra bất chấp những gì đang xảy ra. Nền dân chủ của Campuchia trao quyền cho Thủ tướng lên lịch các cuộc bỏ phiếu. Ở Campuchia, Thủ tướng không có quyền trì hoãn chúng. Sẽ không có bất kỳ thay đổi nào trong những cuộc bầu cử tới. Chúng ta phải bầu cử bằng mọi giá”.
Phát biểu của Thủ tướng Hun Sen được đưa ra khi ông Sam Rainsy, cựu lãnh đạo của đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) đang sống lưu vong ở nước ngoài và cũng là người vừa thành lập Phong trào Cứu nguy dân tộc (CNRM), kêu gọi người đứng đầu chính phủ hoãn tổ chức bầu cử cho đến khi Campuchia đáp ứng được nhũng tiêu chuẩn quốc tế về bầu cử công bằng.
Vào ngày 18.1, tờ Phnom Penh Post cũng đưa tin có thể sẽ không có bầu cử trong năm nay.
Ông Sam Rainsy kêu gọi hoãn bầu cử - Ảnh: Reuters
Kể từ khi chính phủ Campuchia quyết định giải tán đảng CNRP, Mỹ và EU đã cắt khoản viện trợ cho bầu cử của nước này, đặc biệt Washington còn dọa sẽ ban hành thêm trừng phạt với những ai có liên quan đến quyết định của chính phủ Campuchia. Theo các nước phương Tây, bầu cử mà không có đảng đối lập là không hợp lệ.
Tuy nhiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga vẫn tiếp tục ủng hộ tiến trình bầu cử tại đây.
Ông Sotheara Yoeurng, nhân viên của Ủy ban bầu cử Tự do và Công bằng Campuchia (Comfrel), cho biết luật pháp Campuchia quy định những cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức 5 năm/lần, nhưng không nêu rõ ngày cụ thể. Thủ tướng là người lên lịch trình bầu cử cụ thể.
Những lý do như thiên tai xảy ra vài ngày trước bầu cử, gây khó khăn cho công tác tổ chức hay những cuộc bạo động nghiêm trọng có thể là lý do để trì hoãn bầu cử. Ngoài ra, một sự xáo trộn xảy ra trong ngày bầu cử cũng có thể khiến quyết định hủy bỏ bầu cử được đưa ra, theo ông Yoeurng.