Bị phương Tây quay lưng, Campuchia được Trung Quốc đổ tiền

BÌNH GIANG |

Các biển báo chỉ dẫn trên đường và biển quảng cáo ở Phnom Penh thường được viết bằng tiếng Khmer và tiếng Anh. Nhưng điều đó đang thay đổi ở thủ đô đầy màu sắc của Campuchia.

Rải rác quanh thành phố ngày nay có nhiều dấu hiệu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc lên một trong những quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á.

Trong tuần qua tại Phnom Penh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ký 19 thỏa thuận trị giá hàng tỷ đô la giúp phát triển hệ thống y tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng của Campuchia. Một trong những thỏa thuận lớn nhất là để làm tuyến đường cao tốc dài 200km từ thủ đô đến thành phố cảng chiến lược Sihanoukville. 

Bộ trưởng Giao thông và Công cộng Campuchia Sun Chanthol cho biết Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ USD vào dự án này. Những dự án khác bao gồm một sân bay mới cho Phnom Penh, hai dự án truyền tải điện và một trung tâm lâm nghiệp để phát triển các loại cây lấy gỗ chất lượng cao.

Chuyến thăm của ông Lý diễn ra vào thời điểm chính phủ của Thủ tướng Campuchia Hun Sen đang đối mặt sức ép ngày càng lớn từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong vấn đề nhân quyền. Mỹ và EU đều dọa trừng phạt Campuchia trước việc tòa án tối cao nước này giải tán đảng CNRP, lực lượng chính trị đối lập chính của ông Hun Sen.

Trong khi các ý kiến chỉ trích cho rằng Campuchia sẽ phải trả một cái giá để nhận hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc, như mất tiếng nói trong các vấn đề khu vực như tranh chấp trên biển Đông, một số người khác lại vui mừng khi thấy hai bên tăng cường hợp tác. 

Ông Sok Siphana, luật sư kiêm cố vấn của chính phủ Campuchia, nói rằng chuyến thăm của ông Lý là “một thông điệp mạnh mẽ” cho thấy hai nước “đang đứng cạnh và ủng hộ các lợi ích cốt lõi của nhau”.

Với dân số khoảng 15,7 triệu dân và một lịch sử hiện đại nhiều trắc trở, Campuchia có cơ sở hạ tầng kém phát triển và tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người chưa đến 1.300 USD, khiến nước này trở nên dễ bị tổn thương trước áp lực kinh tế từ bên ngoài. Trở thành đối tác của Trung Quốc là bước đi khôn ngoan, ông Siphana nói.

“Tất nhiên, chúng tôi vẫn muốn xuất khẩu sang EU. Nhưng nếu họ áp dụng biện pháp trừng phạt, chúng tôi sẽ không ngồi yên chờ chết. Chúng tôi sẽ nỗ lực, sẽ tìm kiếm những thị trường khác và Trung Quốc chắc chắn là một trong những thị trường hàng đầu cho gạo và các nông sản khác của chúng tôi”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời ông Siphana.

Lợi ích và cái giá

Theo ông Neak Chandarith, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 thuộc ĐH Hoàng gia Phnom Penh, chuyến thăm của ông Lý có thể là một dấu hiệu cho thấy hai nước đang tăng cường quan hệ. 

“Vào thời điểm khủng hoảng, Trung Quốc đang chìa tay giúp nhân dân và chính phủ Campuchia”, ông Chandarith nói về việc Mỹ và EU dọa áp lệnh trừng phạt. Kể từ khi Trung Quốc thế chân Nhật Bản để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Campuchia cách đây nhiều năm, tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng lớn.

Trong giai đoạn 2011-2015, các doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp gần 5 tỷ USD vốn cho vay và đầu tư vào Campuchia. Trong số các doanh nghiệp đó có tập đoàn viễn thông Hoa Vĩ, đối tác của một công ty địa phương của Campuchia để triển khai mạng 4,5G đầu tiên ở nước này. Tương tự, tiền Trung Quốc đang giúp xây dựng đặc khu kinh tế Sihanoukville, nơi được dự kiến trở thành trung tâm công nghệ cao như Thâm Quyến, và đã thu hút khoảng 100 doanh nghiệp Trung Quốc.

“Trong những năm qua, các doanh nghiệp Trung Quốc nhìn thấy tiềm năng lớn ở Campuchia”, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Xiong Bo nói hồi tháng 11 năm ngoái, và chỉ ra những tiềm năng đó là thuế thấp, lao động giá rẻ và triển vọng tăng trưởng. “Thế mạnh của Trung Quốc tương thích với nhu cầu của Campuchia”, ông Xiong Bo nói.

Ông Virak Ou, nhà phân tích chính trị Campuchia và là sáng lập viên của Diễn đàn Tương lai, một cơ quan tư vấn chính sách độc lập ở Phnom Penh, nói rằng những lợi ích mà Campuchia thu được từ Trung Quốc lớn hơn bất kỳ thiệt hại tiềm tàng nào nếu Mỹ hay EU trừng phạt. 

“Về kinh tế, tôi không thấy sự phản ứng dữ dội từ các nước phương Tây ảnh hưởng lên Campuchia. Và bất kỳ thiệt hại nào cũng dễ được thay thế bởi Trung Quốc… Campuchia vẫn là nền kinh tế nhỏ và là nước nghèo, nghĩa là bất kỳ cú hích nào của những cường quốc như Trung Quốc cũng sẽ có tác động lâu dài”, ông Ou nói.

Dù công nhận những lợi ích kinh tế trong quan hệ đối tác với Trung Quốc, ông Ou cũng cảnh báo các mối nguy hiểm khi trở nên quá gần gũi và phụ thuộc túi tiền của nước này. “Nếu tốc độ quan hệ này của Campuchia với Trung Quốc tiếp tục duy trì thì trong 10 năm nữa sẽ trở nên quá gần và chúng tôi sẽ rơi vào rắc rối”, ông Ou nói.

Trong một bức thư công khai năm 2015, ông Ou thúc giục chính phủ Campuchia theo đuổi một “chính sách đối ngoại không liên kết” và duy trì cân bằng quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại