Ông Tập Cận Bình "gióng trống trận", quân đội Trung Quốc sẽ đánh nhau với ai?

Hải Võ |

Các cuộc phô diễn sức mạnh cùng lời kêu gọi quân đội "không sợ chết" đang xuất hiện dày đặc hơn trên báo chí Trung Quốc, đặt ra những băn khoăn trong dư luận nước này.

Liệu Trung Quốc có sắp bước vào một cuộc chiến tranh?

Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới trong năm qua, đã trở thành chủ đề nổi bật trên các tờ báo Trung Quốc, các bản tin truyền hình hay ấn phẩm khác, với tần suất ngày càng gia tăng trong việc giới thiệu các cuộc tập trận cùng vũ khí mới nhất của mình.

Các máy bay tiêm kích và máy bay ném bom, tàu chiến hiện đại nhất của Trung Quốc còn thường xuyên tổ chức các đợt huấn luyện tại những khu vực nhạy cảm như biển Đông, biển Hoa Đông hay eo biển Đài Loan.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng là Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc (CMC) - cơ quan chỉ huy cao nhất của PLA, thường xuyên thực hiện các cuộc thị sát lục quân, không quân và hải quân. Mỗi lần, ông Tập đều nhấn mạnh và thúc giục PLA tăng cường luyện tập, củng cố kỹ năng thực chiến và khả năng thắng trận.

Sáng ngày 3/1 lạnh giá, ông Tập mặc bộ quân phục mùa đông chủ trì cuộc biểu dương lực lượng quy mô lớn trong đại hội tổng động viên toàn quân đầu tiên của nước này. Hơn 7.000 sĩ quan quân lực và các binh sĩ đã có mặt, cùng với 300 xe tăng và các khí tài khác, để nghe lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi huấn luyện thực chiến và nắm bắt sức mạnh để chiến thắng trong chiến tranh.

Trong khi đó, chương trình trực tiếp được phát sóng tới hơn 4.000 đơn vị khác của hải, lục, không quân PLA trên cả nước.

Ông Tập Cận Bình còn kêu gọi các binh sĩ phát huy tinh thần chiến đấu không sợ khó khăn và cái chết, khiến hàng loạt hãng truyền thông quốc tế sau đó đưa tin với tiêu đề dạng "Ông Tập ra lệnh cho quân đội không sợ chết..."

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, cụm từ "không sợ khó khăn và cái chết" đã là châm ngôn của PLA xuyên suốt 90 năm lịch sử của lực lượng này. Nhưng dù vậy, lời kêu gọi công khai của ông Tập vẫn gây hiệu ứng mạnh, và khơi dậy sự hưởng ứng theo hướng dân tộc chủ nghĩa trong nước, cũng như khiến các bên lo ngại về ý định thực sự của Bắc Kinh.

Cho đến nay, không còn gì để nghi ngờ về việc ông Tập đã từ bỏ chính sách "giấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình, thay vào đó là chính sách "xuất đầu lộ diện", tỏ rõ mục tiêu tham vọng đưa Trung Quốc thành một cường quốc kinh tế-quân sự.

Ông Tập Cận Bình gióng trống trận, quân đội Trung Quốc sẽ đánh nhau với ai? - Ảnh 1.

Các màn biểu dương sức mạnh đã trở thành "đặc sản" của quân đội Trung Quốc trong năm qua (Ảnh: Xinhua)

Lý do Trung Quốc phô trương quân lực

Theo SCMP, có một số lý do đằng sau việc Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự liên tục trong thời gian qua, dù khả năng chiến tranh "chạm" đến nước này gần như bằng 0.

Đầu tiên, theo tư duy logic "đảo chiều", những kêu gọi rầm rộ của ông Tập có thể được hiểu thuần túy là quân đội Trung Quốc hiện nay thiếu kỹ năng tác chiến thực tế.

Ngay cả khi Trung Quốc gây dựng lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới và đạt những đột phá trong công nghệ vũ khí-quân sự, thì phần lớn sĩ quan lẫn binh sĩ của PLA hiện nay hầu như chưa từng tham gia chiến trận. Cuộc chiến gần nhất của PLA là cuộc xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979, mà Trung Quốc hứng chịu tổn thất nặng nề.

Thứ hai, trước khi ông Tập lên nắm quyền và tiến hành chỉnh đốn, cải tổ quân đội vào 5 năm trước, tình trạng tham nhũng trong PLA đã trở nên nghiêm trọng và làm suy giảm sức chiến đấu của lực lượng.

SCMP cho hay, thậm chí tồn tại luật lệ các sĩ quan phải hối lộ cấp trên để được thăng tiến, trong khi "bảng giá" cho các cấp hàm trong quân đội.

Trong 5 năm qua, chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" do ông Tập phát động đã khiến 7 thượng tướng "ngã ngựa", bao gồm hai cựu Phó chủ tịch CMC là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu - những người đã lũng đoạn quyền lực trong PLA suốt 10 năm trước khi nghỉ hưu năm 2012.

Mới đây nhất, nhà chức trách Trung Quốc xác nhận thượng tướng Phòng Phong Huy, cựu Tổng tham mưu trưởng PLA, sẽ bị truy tố với tội danh đưa và nhận hối lộ, cho thấy ông này đã có hành vi mua bán chức vụ để đạt được vị trí cao trong quân đội.

Ít nhất 13.000 sĩ quan PLA dính líu tham nhũng và đã bị xử lý trong 5 năm - theo báo cáo của tờ PLA Daily vào tháng 10/2017.

Ông Tập Cận Bình gióng trống trận, quân đội Trung Quốc sẽ đánh nhau với ai? - Ảnh 2.

Trương Dương (trái) và Phòng Phong Huy, hai tướng lĩnh cấp cao của PLA đã bị "ngã ngựa" trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập (Ảnh: AP)

Thứ ba, trong nỗ lực giúp quân đội chuyển mình, ông Tập Cận Bình cũng cố gắng củng cố vị thế trong lực lượng vũ trang thông qua các hoạt động phô trương sức mạnh quân sự, bên cạnh các chiến dịch thu hút sự ủng hộ trong toàn quân đối với vai trò tổng tư lệnh của ông.

Nhiều ca khúc được viết và tuyên truyền để khích lệ các quân nhân trở thành "chiến sĩ tốt của Chủ tịch Tập Cận Bình", khiến dư luận quốc tế liên tưởng đến thời kỳ lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông nắm quyền chỉ huy quân đội.

Ông Tập tuyên bố Trung Quốc đã bước vào thời đại mới và khẳng định tham vọng nước này chiếm giữ vị trí trung tâm quốc tế như một quyền lực của thế giới mới. Do đó, nước này buộc phải có lực lượng tác chiến tinh nhuệ, không chỉ để bảo vệ lãnh thổ mà còn gìn giữ các lợi ích ở nước ngoài.

Việc ông Tập lặp lại nhiều lần lời kêu gọi PLA sẵn sàng chiến đấu, cũng như các vụ "khoe cơ bắp" thường xuyên của PLA từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc khóa 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10/2017, diễn ra trong bối cảnh tổng thống Donald Trump cảnh báo Mỹ có thể dùng giải pháp quân sự để loại trừ các cơ sở hạt nhân của Triều TIên.

Các điểm nóng khác, nhưng các tranh chấp ở biển Đông, biển Hoa Đông, biên giới Trung Quốc-Ấn Độ, hay xu hướng đòi độc lập ở Đài Loan... cũng là "phông nền" cho sự cứng rắn của PLA thời gian qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại