Campuchia trước sức ép cấm vận của EU: Lối thoát của TQ chưa mở, Mỹ trở thành "cứu tinh" tạm thời?

Hồng Anh |

Theo Nikkei, thị trường Mỹ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì "guồng máy" kinh tế của Campuchia vận hành trong bối cảnh đại dịch và sức ép cấm vận của EU.

Mỹ - "cứu tinh" tạm thời của ngành may mặc Campuchia trước sức ép của EU?

Báo Nikkei Asian Review (Nhật Bản) đưa tin, việc xuất khẩu mạnh mẽ sang Mỹ đang giúp ngành công nghiệp may mặc của Campuchia nói riêng - và nền kinh tế của nước này nói chung - có thể tạm thời "thở phào" nhẹ nhõm khi vừa phải đối mặt với đại dịch COVID-19, vừa bị tước đi một số đặc quyền thương mại với Liên minh châu Âu (EU).

Cụ thể, trong tuần này, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã thông báo về thay đổi trong dự báo về triển vọng kinh tế của Campuchia. Theo dự báo mới này, ADB cho rằng GDP của Campuchia sẽ chỉ giảm 4% trong năm nay, thay vì 5,5% như dự báo được đưa ra hồi tháng 6 vừa qua.

Các nguồn tin trong ngành may mặc cho biết các thương hiệu của Mỹ đã giúp Campuchia "gánh" phần công suất sản xuất dư thừa sau khi các khách hàng châu Âu bắt đầu rời bỏ quốc gia châu Á này. Trong dự báo mới được công bố, ADB cũng đã chỉ ra sự tăng trưởng trong ngành hàng may mặc và sản lượng nông nghiệp của Campuchia.

Theo bản Báo cáo Cập nhật về Triển vọng Phát triển Châu Á năm 2020 của ADB, xuất khẩu nông sản của Campuchia đã tăng 17% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, "nhu cầu mạnh mẽ" đối với các mặt hàng điện tử gia dụng đã thúc đẩy các nước nhập khẩu từ Campuchia và các nước Châu Á khác.

Ngoài các loại hàng hóa may mặc, giày dép và liên quan đến du lịch, xuất khẩu các hàng hóa khác của Campuchia cũng tăng khoảng 30%.

Giám đốc quốc gia của ADB tại Campuchia, bà Sunniya Durrani-Jamal, cho biết ngân hàng này dự báo rằng kinh tế Campuchia sẽ phục hồi mạnh mẽ, do nước này đã tránh được sự bùng phát không kiểm soát của đại dịch COVID-19 trong lãnh thổ của mình.

"Chúng tôi kỳ vọng rằng tăng trưởng kinh tế Campuchia sẽ bật lại ở mức 5,9% vào năm 2021 nhờ các chính sách tạo điều kiện của chính phủ, các chính sách hỗ trợ xã hội cho người nghèo, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ", bà này cho biết.

Theo Nikkei, thị trường Mỹ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì "guồng máy" kinh tế của Campuchia vận hành trong bối cảnh đại dịch và sức ép cấm vận của EU.

Trong 7 tháng đầu năm nay, Campuchia đã xuất khẩu số hàng hóa trị giá 3,4 tỷ USD sang Mỹ - tăng đáng kể so với con số 2,7 tỷ USD được ghi nhận vào cùng kỳ năm 2019.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2019, giá trị xuất khẩu sang Mỹ chiếm 26,8% so với tổng giá trị xuất khẩu của Campuchia, nhỉnh hơn một chút so với EU (25%). Khoảng cách giữa Mỹ và EU trong lĩnh vực này được cho là sẽ được nới rộng thêm đáng kể trong năm 2020.

Trong 7 tháng đầu năm nay, 3 mặt hàng được Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Campuchia là hàng may mặc, giày dép và các hàng hóa liên quan đến du lịch. Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất phải kể đến các mặt hàng điện tử - chiếm khoảng 118 triệu USD trong tổng giá trị xuất khẩu của Campuchia trong 7 tháng đầu năm nay và tăng hơn 1.000% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ADB, xu hướng gia tăng xuất khẩu các mặt hàng không phải đồ may mặc đã trở thành một "điểm sáng" đối với Campuchia, khi lĩnh vực may mặc trị giá 9,5 tỷ USD của nước này phải chứng kiến tình trạng đơn đặt hàng từ châu Âu và Bắc Mỹ giảm mạnh.

Campuchia trước sức ép cấm vận của EU: Lối thoát của TQ chưa mở, Mỹ trở thành cứu tinh tạm thời? - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa

Xu hướng tăng cường nhập khẩu từ Campuchia tại thị trường Mỹ đã diễn ra sau khi Campuchia bị EU tước đi một số đặc quyền thương mại.

Một nguồn tin trong ngành may mặc của Campuchia cho biết, việc một số thương hiệu châu Âu rời đi trong bối cảnh nước này mất đi các ưu đãi thương mại đã thu hút các nhà sản xuất Mỹ - những người đang tìm kiếm một địa điểm sản xuất mới để tránh thuế quan của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc.

"Nếu [Mỹ] duy trì thuế quan, sự thay đổi này có thể trở thành điều bình thường mới, nhưng nếu không thì nó sẽ chỉ là một xu hướng ngắn hạn", nguồn tin trên bình luận.

Người này cũng đã chỉ ra rằng ngành sản xuất của Campuchia vẫn tồn tại nhiều bất cập, ví dụ như "năng suất và chất lượng thấp".

Trong khi đó, theo Nikkei, "cú hích" của thị trường Mỹ vẫn chưa đủ để giúp Campuchia bù đắp lại những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra. Một nhóm các nhà sản xuất hàng may mặc địa phương cho biết, hơn 400 nhà máy đã phải tạm ngừng hoạt động trong năm nay do dịch bệnh, ảnh hưởng đến khoảng 150.000 việc làm.

Du lịch quốc tế, lĩnh vực mang lại cho Campuchia 5 tỷ USD vào năm ngoái, đã bị đóng băng trong năm nay vì đại dịch.

Báo cáo của ADB cho biết, 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Campuchia và sử dụng khoảng 45.000 lao động đã phải đóng cửa. Ngành xây dựng, một lĩnh vực cũng có đóng góp to lớn cho tăng trưởng kinh tế của Campuchia, cũng đã chậm lại.

Theo ADB, một số rủi ro vẫn còn ở phía trước, bao gồm nguy cơ ngành hàng may mặc suy yếu, ngành xây dựng trì trệ và vụ thu hoạch nông sản bị ảnh hưởng do lượng mưa thấp.

Campuchia có thể trông chờ vào FTA với Trung Quốc hay không?

Vào tháng 7, Trung Quốc thông báo đã thống nhất các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do (FTA) với Campuchia. FTA dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.

Động thái trên diễn ra khoảng 5 tháng sau chuyến thăm của Thủ tướng Campuchia Hun Sen tới Trung Quốc. Chuyến thăm của ông Hun Sen được thực hiện 1 tuần trước khi EU quyết định rút một phần ưu đãi thuế quan đã cấp cho Campuchia theo chương trình ưu đãi EBA (Everthing but arm - Mọi thứ trừ vũ khí), có hiệu lực vào 12/8/2020.

Theo Nikkei, việc Campuchia mất các đặc quyền của EBA không chỉ ảnh hưởng đến nước này, mà còn liên lụy đến các công ty Trung Quốc đang hoạt động tại đây. Từ năm 2011, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào ngành công nghiệp may mặc của Campuchia.

Mặc dù vậy, Nikkei nhận định rằng hiệp định FTA với Trung Quốc sẽ khó lấp đầy khoảng trống của EU. Theo dự kiến, xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tăng 25%, nếu như áp vào tổng doanh thu lên đến 1 tỷ USD của Campuchia năm 2019, thì mức tăng chỉ mới ở khoảng 250 triệu USD - con số này không đủ để lấp đầy sự thiếu hụt.

Do đó, Campuchia sẽ cần nhiều lựa chọn hơn để đối mặt với nguy cơ hứng chịu những đòn cấm vận nặng nề hơn của EU. Ngoài Mỹ, Trung Quốc, Campuchia cũng đã bắt đầu có các cuộc trao đổi thương mại với Ấn Độ và Hàn Quốc, đồng thời tìm kiếm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng khác ngoài sản phẩm may mặc.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại