Rắc rối bủa vây
Ngành dầu mỏ của Nga đang phải đối mặt với thách thức rất lớn do lệnh trừng phạt tăng cường của phương Tây.
Việc phương Tây thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Nga cũng đang có phần ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của nước này.
Chưa hết, theo thông tin mới nhất, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ - vốn là khách hàng mua dầu lớn thứ hai của Nga sau Trung Quốc cũng thông báo sẽ không tiếp nhận các tàu chở dầu thuộc sở hữu của công ty Sovcomflot PJSC vì lo ngại rủi ro từ các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên thực tế, hoạt động xuất khẩu dầu của Nga không phải mới gặp khó khăn thời gian gần đây.
Thành công “thoát hiểm” lần 1
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) từng công bố gói trừng phạt đối với Nga, áp lệnh cấm lên việc mua, nhập khẩu và vận chuyển dầu thô bằng đường biển và các sản phẩm dầu tinh luyện của Nga. Trong đó, lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu Nga chính thức có hiệu lực từ ngày 5/2/2023, tiếp nối lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga mà EU áp dụng từ ngày 5/12/2022.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, nó không ảnh hưởng quá nhiều đến tổng lượng dầu xuất khẩu của Nga. Nước này vẫn “thoát hiểm” nhờ chuyển hướng xuất khẩu dầu sang Ấn Độ và Trung Quốc.
Lượng nhập khẩu dầu Nga trong năm 2023 của 2 quốc gia châu Á này tăng lần lượt là 111% và 21% so với năm 2022. Thổ Nhĩ Kỳ cũng như một số quốc gia ở cả châu Phi và Trung Đông cũng nhập khẩu nhiều dầu của Nga hơn.
Ngoài ra, dù các nước thành viên EU đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga, gồm lệnh cấm vận dầu do một phần nguyên nhân liên quan đến xung đột giữa Nga và Ukraine thì một số quốc gia EU - đặc biệt phụ thuộc vào nguồn cung của Nga - vẫn được miễn lệnh cấm. Điều này giải thích tại sao dầu của Nga vẫn được xuất khẩu sang EU vào năm 2023.
Khách sộp” quay lưng vẫn thành công “thoát hiểm”
Được biết, Ấn Độ là nước hưởng lợi lớn từ các sản phẩm năng lượng giá rẻ của Nga. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mối quan hệ thương mại giữa 2 nước đã gặp phải nhiều vấn đề do nỗi lo về ảnh hưởng mà các lệnh trừng phạt có thể gây ra.
Một nguồn tin Reuters trích dẫn cho thấy New Delhi mong muốn các nhà máy lọc dầu không lấy dầu từ các tàu bị trừng phạt "vì lợi ích chính trị và thương mại". Nhiều nhà máy lọc Ấn Độ cũng đã có kế hoạch từ chối các tàu của Sovcomflot. Đây được cho là đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Moscow khi Ấn Độ là “khách hàng sộp”.
Tuy nhiên, cánh cửa của Nga vẫn rộng mở.
Dù có nhiều bằng chứng cho thấy lệnh trừng phạt cuối cùng cũng cản trở chuỗi cung ứng dầu mỏ của Nga nhưng xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của nước này đã lấy lại được khoảng một nửa số sụt giảm trong tuần trước.
Sự phục hồi xảy ra sau khi công việc bảo trì tại nhà ga xuất khẩu Baltic - rất quan trọng với Nga - đã kết thúc, đồng thời các cơn bão liên tục đổ bộ vào cảng chính ở Thái Bình Dương trong những tuần gần đây bắt đầu giảm bớt.
Hiện tại, theo thống kê, tổng lượng dầu thô cũng chưa giảm ở quy mô đáng kể nào, với lượng xuất khẩu trong tuần tính đến ngày 24/3 tăng khoảng 360.000 thùng/ngày.
Sự phục hồi trong xuất khẩu đã giúp thúc đẩy thu nhập từ dầu mỏ của Moscow. Tổng giá trị xuất khẩu dầu thô đã tăng lên 1,68 tỷ USD trong bảy ngày tính đến ngày 24/3 (từ mức 1,48 tỷ USD trong giai đoạn tính đến ngày 17/3).
Chưa hết, theo dữ liệu vận chuyển của LSEG và Kpler, vào tối thứ 3 ngày 26/3, tàu chở dầu thứ bảy và cuối cùng chở dầu Sokol bị Mỹ trừng phạt đã đến cảng Thiên Tân của Trung Quốc để dỡ lô hàng dầu của Nga. Điều này đã giúp giải quyết tình trạng tồn đọng dầu thô được lưu trữ trên tàu.
Các công ty Trung Quốc đã nhận dầu thô Sokol trong tháng 3 bao gồm Sinopec, PetroChina, Sinochem, CNOOC và các nhà máy lọc dầu độc lập ở Sơn Đông, theo dữ liệu của Kpler.
Ngoài ra, nhập khẩu dầu thô từ Nga bằng đường biển của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục trong tháng 3 - đạt mức 1,816 triệu thùng/ngày.
Thêm nữa, lượng hàng tồn đọng của dầu Sokol tích tụ ngoài khơi Singapore và Hàn Quốc cũng đang dần được giải quyết.