"Cơn ác mộng tồi tệ nhất"
Theo bài viết của nhà phân tích Osama Rizvi được đăng tải trên chuyên trang về năng lượng oilprice.com, Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ đối mặt với "cơn ác mộng tồi tệ nhất" của các chính trị gia - lạm phát đình trệ (stagflation) - nếu khối này ngừng mua dầu của Nga.
Hiện tại, châu Âu đang chứng kiến giá năng lượng gia tăng nhanh chóng và đang trải qua một cuộc khủng hoảng lạm phát do xung đột quân sự - địa chính trị ở Đông Âu và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga do cuộc xung đột này.
"Nhưng câu hỏi chính là liệu chúng ta có đang thực sự tiến tới lạm phát đình trệ - cơn ác mộng tồi tệ nhất của các chính trị gia hay không", nhà phân tích Rizvi đặt vấn đề.
Theo ông Rizvi, lệnh cấm vận dầu Nga của EU có thể là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến "cơn ác mộng" lạm phát đình trệ.
Trích dẫn lập luận của nhà báo Paul Krugman của tờ The New York Times, nhà phân tích Rizvi cho rằng phương Tây có nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng của thập niên 1980, khi lạm phát lên tới hai con số và các quốc gia chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng nhanh chóng, cùng với đó là giá dầu tăng vọt, dẫn đến suy thoái kinh tế.
Nhà báo Krugman nhận thấy trong cuộc suy thoái năm 2009, tình trạng nói trên đã lặp lại, nhưng không kéo dài lâu như trong thập niên 1980.
Ông Rizvi phân tích: Hai yếu tố đã giúp phương Tây thoát khỏi vòng lặp của cuộc khủng hoảng thập niên 1980: mức lạm phát sớm suy giảm và thị trường ít náo động. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc EU áp đặt lệnh cấm vận toàn phần đối với dầu mỏ Nga sẽ dẫn đến tình trạng tăng giá nhiên liệu.
"Giá năng lượng đã tăng rất cao, và thị trường hàng hóa cũng đang chứng kiến mức tăng giá chưa từng có. Điều quan trọng là dự trữ dầu của thế giới đang giảm dần", theo ông Rizvi.
Nhà phân tích này cho hay: Tình hình sẽ càng trở nên trầm trọng hơn do nhu cầu sử dụng xe hơi mùa hè, các trận bão và thực tế là một phần các nhà máy lọc dầu đã ngừng hoạt động kể từ đại dịch COVID-19. Nhu cầu về nhiên liệu cũng sẽ tăng lên khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.
Vì những lý do kể trên, ông Rizvi dự đoán giá dầu có thể lên tới 170-200 USD/thùng.
"Khi nhu cầu tăng cao và những lo ngại về nguồn cung gia tăng, nguy cơ về một cú sốc giá dầu cũng leo thang - cú sốc đó rất có thể sẽ dẫn tới tình trạng lạm phát đình trệ như đầu thập niên 1980. Các nhà hoạch định chính sách không nên bỏ qua nguy cơ này", ông Rizvi kết luận.
Bỉ kêu gọi "tạm nghỉ" sau gói trừng phạt Nga thứ 6
Đài RT (Nga) đưa tin, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã hoan nghênh gói trừng phạt mới nhất của EU nhằm vào Nga, nhưng đồng thời cũng kêu gọi khối này "tạm nghỉ" cho đến khi có thể xác định được những tác động của các biện pháp trừng phạt này.
Trước đó, hôm 31/5, Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel đã xác nhận rằng các lãnh đạo EU đã đạt thỏa thuận về gói trừng phạt Nga thứ 6, bao gồm lệnh cấm vận một phần đối với dầu nhập khẩu từ Nga.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Bỉ cho hay tác động của các lệnh trừng phạt dầu Nga sẽ là "rất lớn" và do đó EU "cần phải tạm nghỉ" để xem xét lại: "Đối với Bỉ, gói trừng phạt này là một bước tiến lớn. Chúng ta hãy tạm nghỉ ở đây để xem xét các tác động của nó."
Thủ tướng De Croo cũng nói thêm rằng ưu tiên chính của EU trong thời điểm hiện tại là tìm cách tốt nhất "để giữ giá năng lượng trong tầm kiểm soát."
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen
Các nước EU nói gì về khả năng cấm vận khí đốt Nga?
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas hôm 31/5 đã kêu gọi EU thảo luận về lệnh cấm vận khí đốt trong gói trừng phạt tiếp theo của khối này nhằm vào Nga. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng nói rõ rằng bà không nghĩ rằng EU có thể sớm áp đặt các biện pháp như vậy. Theo dữ liệu của Ủy ban châu Âu, 40% lượng khí đốt nhập khẩu của EU là từ Nga.
Trong khi đó, Thủ tướng Áo Karl Nehammer khẳng định: EU sẽ không thảo luận về lệnh cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga cho vòng trừng phạt tiếp theo.
"Lệnh cấm vận khí đốt chưa phải là chủ đề thảo luận [cho gói trừng phạt tiếp theo]. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã nói rõ điều này", ông Nehammer tuyên bố trước báo giới bên lề ngày thứ 2 của hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels.
Thủ tướng Nehammer giải thích: "Bù đắp cho sự thiếu hụt dầu Nga dễ dàng hơn nhiều, nhưng khí đốt thì hoàn toàn khác. Đó là lý do tại sao lệnh cấm vận khí đốt sẽ chưa được thảo luận trong gói trừng phạt tiếp theo của EU."
Thủ tướng Estonia Kallas cũng chia sẻ quan điểm với nhà lãnh đạo Áo khi nói rằng việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ rất khó khăn, vì các công dân của EU đã bị ảnh hưởng.
Tổng thống Vladimir Putin đã bình luận rằng việc các nhà lãnh đạo châu Âu cố gắng từ bỏ năng lượng của Nga là hành vi "tự sát" kinh tế.
Moskva coi các biện pháp trừng phạt là "bất hợp pháp" và "phi lý" và đã trả đũa bằng các biện pháp đối phó của riêng mình, chẳng hạn như việc yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" với Nga phải mua khí đốt thông qua cơ chế thanh toán bằng đồng rúp.
Tính đến thời điểm hiện tại, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan và Hà Lan sau khi các nước này không tuân thủ yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp do Nga đề ra.
Nhật Bản không từ bỏ dự án LNG liên doanh với Nga
Đài RT (Nga) dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản cho biết: Tokyo không có ý định rút khỏi dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) Sakhalin-2 của Nga ngay cả khi nước này được yêu cầu làm như vậy.
Tuyên bố được Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda đưa ra trước Quốc hội nước này sau khi phía Nga chỉ trích Tokyo hưởng lợi từ việc tham gia vào dự án trong khi nước này là một "quốc gia không thân thiện" vì đã tham gia cùng phương Tây trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva.
"Sakhalin-2 là tài sản mà những người tiền nhiệm của chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để có được. Nga có thể là chủ sở hữu mảnh đất, nhưng hợp đồng thuê và các thiết bị vận chuyển và hóa lỏng thuộc về chính phủ Nhật Bản và các công ty của Nhật Bản.
Chúng tôi không có ý định rời đi, thậm chí nếu chúng tôi được yêu cầu [phải làm điều đó]", Bộ trưởng Hagiuda nhấn mạnh.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin tuần trước cho biết Nhật Bản đang nhận được "lợi nhuận khổng lồ" từ dự án Sakhalin-2. Ông Volodin bình luận rằng cổ phần của Nhật Bản trong dự án này nên được bán cho công ty năng lượng quốc doanh của Nga Gazprom hoặc cho các công ty năng lượng của "các quốc gia thân thiện" với Nga.
Cùng với Mỹ và EU, Nhật Bản cũng đã áp đặt một loạt các hạn chế kinh tế đối với Nga nhưng lại không cắt đứt việc hợp tác năng lượng.
Ảnh: Gazprom
Dự án Sakhalin-2 là liên doanh giữa tập đoàn Gazprom của Nga (50%), Mitsui của Nhật Bản (12,5%) và Mitsubishi (10%) và Shell của Anh (27,5%). Đây là dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng nằm trên đảo Sakhalin của Nga gần Nhật Bản. Do vị trí rất gần nên việc vận chuyển chỉ mất khoảng ba ngày, do đó giảm chi phí vận chuyển.
Nhật Bản nhận được gần 9% lượng LNG mà họ cần từ dự án này.
Shell đã công bố kế hoạch rút khỏi tất cả các hoạt động tại Nga trong bối cảnh nhiều công ty phương Tây rời khỏi quốc gia này do cuộc xung đột ở Đông Âu. Kể từ đó, các phương tiện truyền thông cho biết gã khổng lồ năng lượng của Anh đã đàm phán với các công ty Trung Quốc và Ấn Độ để bán cổ phần của mình trong dự án Sakhalin-2.
Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đã lên tiếng phản đối việc ngừng hợp tác năng lượng với Nga. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hồi tháng 3 cho biết dự án Sakhalin-2 là rất cần thiết đối với an ninh năng lượng của nước này.
Tháng trước, Bộ trưởng Hagiuda nói rằng nếu Nhật Bản rút khỏi các dự án năng lượng hợp tác với Nga, thì điều đó sẽ khiến các lệnh trừng phạt của phương Tây suy yếu và mang lại lợi ích cho Moskva, do bước đi này có thể khiến giá năng lượng càng tăng cao hơn nữa.
Theo tờ Nikkei Asia, việc thay thế nguồn LNG của Nga từ dự án Sakhalin-2 sẽ tiêu tốn của Nhật Bản 15 tỷ USD, với giá nhập khẩu tăng 35% nếu các tập đoàn Mitsui và Mitsubishi rút khỏi dự án năng lượng này./.