Trên cương vị được dân Mỹ trao cho, ông McCain đã có những đóng góp rất lớn cho nước Mỹ hùng mạnh và no ấm. Tuy nhiên, ông không nhận mình là nhà lãnh đạo, mà chỉ là người phụng sự mọi người.
Sự ra đi của ông John McCain khi đương chức Thượng nghị sĩ để lại nhiều tiếc thương không chỉ trong lòng nước Mỹ. Biết trước sự ra đi sắp tới của mình, người đại diện cho bang Arizona hơn 30 năm gởi lời vĩnh biệt tới đồng hương Mỹ và bang Arizona.
(Những dòng in nghiêng trong ngoặc kép dưới đây, nếu không ghi trích dẫn khác, được trích từ lời vĩnh biệt đó).
Người nào không từng có sai lầm ? Ông McCain thuộc số ít người tâm sự thật lòng “Tôi có phạm sai lầm”. Ông không thuộc những người che giấu sai lầm của mình, nhờ người khác viết bài ca tụng mình.
Ông trực tiếp đối diện với các sai lầm, và có thể cũng có hối hận. Ông đã chọn cách vượt qua bằng tâm thế và hành vi của một cuộc sống lành mạnh, có ích cho cộng đồng với “hy vọng rằng tình yêu của tôi đối với nước Mỹ sẽ lớn hơn những sai lầm đó”.
Tình yêu với nước Mỹ, cuộc sống phụng sự nước Mỹ là lẽ sống suốt đời ông, lẽ sống đã mang lại cho ông niềm vui vô bờ bến, niềm vui của một người tự nhận thấy mình “may mắn nhất trên Địa Cầu”.
Ông chân thành ngỏ lời “cám ơn vì đặc ân cho tôi được phụng sự các bạn, và vì cuộc đời được tưởng thưởng của tôi qua những năm tháng trong quân đội và trong cơ quan công quyền”.
Nước Mỹ kính trọng, cám ơn ông đã phụng sự họ như một nhà lãnh đạo quả cảm và trung thực. Nhưng phần ông, ông không kể công lãnh đạo nước Mỹ, ông chân thành cám ơn dân Mỹ cho ông cơ hội phụng sự nước Mỹ. Đọc lời vĩnh biệt của ông, tôi tin vào và xúc động vì tình yêu tổ quốc không toan tính, không ồn ào kể công của ông.
Tuy nhiên, cao hơn lòng ái quốc nhiệt thành, tôi ngưỡng mộ chân trời lý tưởng rộng mở trong những lời để lại của ông.
Trước hết, ông xác định rằng mình mang nợ nước Mỹ vì được ràng buộc vào “những mục đích tự do, bình đẳng trước pháp luật, tôn trọng phẩm giá mọi người, điều đem đến hạnh phúc thăng hoa cao hơn những thú vui phù phiếm”.
Tiếp theo, ông rất tự hào về sự vĩ đại của nước Mỹ, không phải bởi vì nó có GDP lớn nhất thế giới, chiếm nhiều giải Nobel nhất thế giới, cũng không phải vì nó có quân đội hùng mạnh, vũ khí tối tân nhất thế giới hay có nhiều ngành sản xuất đứng đầu thế giới, mà bởi vì đó là “một quốc gia của lý tưởng chứ không phải huyết thống và đất đai”.
Một quốc gia càng không phải là “của huyết thống” rõ ràng đã tiến rất gần tới mục tiêu của nền dân chủ. Một quốc gia không phải “của đất đai” rõ ràng đã tách rất xa với tinh thần và tham vọng của chính sách bành trướng.
Kế đó, ông kêu gọi đừng làm “suy yếu sự vĩ đại” của nước Mỹ vì “mơ hồ giữa lòng yêu nước với các tranh chấp gieo rắc hận thù khắp nơi trên thế giới”.
Quả thật, trên thế giới trong vòng trăm năm nay, quốc gia hùng mạnh của ông khi tới nước khác không mang theo ý muốn sáp nhập lãnh thổ và nô dịch dân tộc. Quốc gia đó, sau thế chiến, cùng với các nước châu Âu mang lại sự phục hưng và phát triển.
Quốc gia đó, đem lại sự hỗ trợ cần thiết giúp nước Nhật từ đổ nát thành đệ nhị cường quốc kinh tế toàn cầu. Quốc gia đó đào tạo những con người mà ông McCain đại diện, và ông cùng những con người đó càng phát triển sâu sắc và rộng rãi hơn các giá trị dân chủ, tự do, công bằng.
Trong khi bị thuyết phục và quyến rũ bởi quan điểm sống trong lời vĩnh biệt của ông McCain, tôi cũng nhận ra trong suốt cuộc đời hoạt động của ông, ông đã tận tụy vì các giá trị đó, không chỉ trong nước Mỹ mà ở cả những nước khác khi ông có cơ hội phụng sự.
Thái độ trân trọng hợp tác với tổng thống Barack Obama, đối thủ tranh cử tổng thống của ông, cho thấy tinh thần cao cả vì tổ quốc mà không mảy may gợn hiềm khích cá nhân. Thái độ với Việt Nam, nơi ông bị giam giữ trong những điều kiện tồi tệ thời chiến tranh cho thấy tinh thần cao thượng vượt trên hận thù.
Trước tổn thất của phong trào khủng bố quốc tế Al-Qaeda, ông không vui mừng mà tiếc thương “những tổn thất mà chúng ta phải trả giá khi đánh mất bản ngã loài người”.
Trước khi là nhà lãnh đạo, ông là một con người trung thực, đạo đức. Là người "lớn lên trong nguyên tắc và niềm tin rằng 'Nhiệm vụ, Danh dự, Quốc gia' là ngôi sao hướng dẫn mỗi hành động".
Đối với ông, các giá trị trung thực, đạo đức, phụng sự dân tộc, phụng sự tổ quốc là rất cao quý, cao hơn quyền lợi của bất kỳ đảng phái nào, kể cả đảng Cộng Hòa mà ông tự nguyện gia nhập để phụng sự lý tưởng của mình.
Khi cho rằng chính sách y tế của ông Obama có lợi cho dân Mỹ, ông bỏ phiếu ủng hộ và kêu gọi những người bạn Cộng Hòa: “Chúng ta nên học cách tin tưởng lẫn nhau và phục vụ tốt hơn những người đã bỏ phiếu cho chúng ta”. Ý chính của câu này là hãy tin tưởng và cộng tác với những người khác chính kiến để phụng sự dân tộc.
Nơi một nhà chính trị, còn có lập trường và thái độ nào đẹp đẽ và được ủng hộ hơn là vì tổ quốc chung, vì dân tộc chung!