Thưa ông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ , đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144). Ông có thể nêu ý nghĩa của quy định này trong bối cảnh hiện nay?
Việc Bộ Chính trị ra Quy định 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới, theo tôi, góp phần rất chủ động, tích cực để đấu tranh chống tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Rõ ràng, đang có một tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái trên nhiều vấn đề, có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá, đặc biệt là suy thoái về đạo đức, lối sống gắn với nạn tham nhũng, tiêu cực, hối lộ… Quy định này với nhiều nội dung cụ thể sẽ là định hướng cho việc xây dựng chuẩn mực cán bộ, đảng viên đặt trong bối cảnh chúng ta đang quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Để tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên phải rèn luyện về đạo đức, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 5 điều nêu trong Quy định 144 chứa đựng những giá trị tư tưởng, giá trị đạo đức Hồ Chí Minh rất rõ.
Chúng ta vừa tổ chức thành công Hội nghị T.Ư 9 khoá XIII, có một nội dung quan trọng là chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp để tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Trong quá trình này, việc lựa chọn những nhân sự đủ điều kiện vào cấp ủy, vào Trung ương là rất quan trọng khi nhiệm kỳ tới được xác định là có nhiệm vụ rất lớn cả về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, nên cần phải có đội ngũ lãnh đạo quản lý đáp ứng được những đòi hỏi này. Quy định 144 chính là văn bản “cẩm nang” để đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng toàn quốc căn cứ vào để lựa chọn, giới thiệu những người có đủ phẩm chất đạo đức, trí tuệ vào cấp ủy các cấp.
Giữ gìn truyền thống đoàn kết
Trong Quy định 144 có nội dung về “ Đoàn kết - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”. Theo ông, đây có phải nội dung mới cần nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay?
Vấn đề “tình thương - trách nhiệm” đã được Bác Hồ nói từ khoảng 80 năm trước trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc. Theo Bác, khi xử lý kỷ luật cán bộ, cần có tình, có lý. Bác nói, mỗi khi đồng chí của mình có sai lầm, khuyết điểm thì lấy tình thân ái ra để giúp đỡ đồng chí của mình sửa chữa khuyết điểm. Người cộng sản rất giàu tình cảm, có tình thương yêu đồng chí.
Trong Di chúc, Bác dặn là phải có tình thương yêu đồng chí với nhau. Quy định 144 của Bộ Chính trị đặt vấn đề về “Đoàn kết - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, nhấn mạnh con người phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Về tình là tình cảm yêu thương, quý trọng nhau, kể cả những người đã sai lầm thì không nên hắt hủi, mà có tình thân ái để giúp đỡ họ sửa chữa, tiến bộ. Đồng thời, phải có nghĩa - tức là trách nhiệm. Nhiều khi tình không còn nhưng nghĩa phải có. Tình sâu nghĩa nặng mà, nghĩa rất quan trọng. Tôi thấy, chữ “Trách nhiệm” là rất đáng suy nghĩ.
Bác cũng nói trong Di chúc là “Đoàn kết” là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng, và phải giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn, gian khổ hay dù cán bộ có sai lầm, khuyết điểm thì mình vẫn phải đoàn kết, thân ái. Và trên thực tế, chúng ta đã đoàn kết theo đúng tinh thần của Tổng Bí thư nói là: đoàn kết trong Đảng là hạt nhân để đoàn kết trong xã hội, đoàn kết trong toàn dân tộc… Vừa rồi chúng ta xử lý một số cán bộ có vi phạm, khuyết điểm, đều trên tinh thần đoàn kết chứ có chia rẽ, phân tâm gì đâu. Toàn Đảng thống nhất, trong Trung ương, Bộ Chính trị cũng thống nhất… Khi cán bộ có sai phạm thì phải xử lý kỷ luật theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước và phải giữ sự đoàn kết, chứ không phải vì xử lý cán bộ mà dẫn tới bè phái, dẫn tới phân tâm…
Cán bộ phải có bản lĩnh
Về nội dung quy định cán bộ “thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”, ông nhận định thế nào?
“Văn hoá từ chức” cũng đã được nhắc tới từ lâu chứ không phải bây giờ chúng ta mới nhấn mạnh. Cán bộ lãnh đạo các cấp, khi tự thấy mình không còn đủ trình độ, năng lực, uy tín để đảm đương công việc thì nên chủ động xin từ chức. Điều đó thể hiện phẩm chất, phẩm hạnh và cũng là bản lĩnh của người cán bộ. Yếu tố “bản lĩnh”cũng được nêu tại Điều 2 của Quy định 144 về “Bản lĩnh - Đổi mới - Sáng tạo - Hội nhập”. Chữ “Bản lĩnh” đặt lên hàng đầu, nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ quản lý phải có bản lĩnh, dũng cảm trong nhiệm vụ của mình. Trong trường hợp có khuyết điểm thì có bản lĩnh thừa nhận, quyết tâm sửa chữa, nếu thấy không đủ điều kiện đáp ứng công việc được nữa thì xin từ chức. Điều này cũng là chuyện bình thường trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, không nên quá nặng nề. Ví dụ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có nhiều cán bộ ủy viên Trung ương xin thôi giữ các chức vụ trong Đảng, chức danh Nhà nước, theo tôi, đó cũng là thể hiện văn hoá từ chức.
Ngoài ra, việc xin thôi giữ các chức vụ cũng là biểu hiện thức tỉnh, hối lỗi. Có những cán bộ khi ra toà gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Đó cũng chính là dấu hiệu của sự hối lỗi, thức tỉnh trong lương tâm con người. Chúng ta hay nói “ngã ở đâu thì đứng lên ở đó”, thức tỉnh con người hướng tới cái thiện, cái tốt hơn là điều cần hướng đến. Nó cũng nằm trong phạm trù đạo đức, văn hoá chính trị nói chung, trong đó có văn hoá từ chức.
Cảm ơn ông!