Chàng trai trẻ vĩnh viễn ra đi nhưng đã tặng lại toàn bộ mô, tạng gồm: tim, phổi, gan, 2 quả thận, 2 giác mạc và 9 gân cho y học. Nghĩa cử cao đẹp này đã cứu sống được 5 người đang cận kề cõi chết.
Trong giây phút đau đớn nhất vẫn làm điều phi thường
Gần một tháng trôi qua kể từ cái ngày định mệnh con trai Nguyễn Hồng Dương gặp tai nạn qua đời, ông Sang vẫn chưa thể trở về trạng thái cân bằng.
Nhìn người vợ ốm yếu nằm bẹp một góc giường, thỉnh thoảng lại réo gọi tên con khiến lòng ông quặn thắt. Do hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên hơn 40 tuổi, ông Sang mới kết hôn rồi sau đó sinh được Dương.
Ông Sang bảo: “Vợ chồng tôi lớn tuổi mới có con. Nhìn con càng lớn càng trắng trẻo, khôi ngô, vợ chồng tôi hạnh phúc lắm. Nó chính là hy vọng duy nhất để vợ chồng tôi dựa dẫm khi về già. Vậy mà đùng một cái, ông trời cướp nó đi, đau đớn quá”.
Nếu không xảy ra cái ngày định mệnh ấy, dự định của chàng trai trẻ này sẽ là đi bộ đội.
Tối 10-8, trên đường đi chơi về, Dương bị tai nạn giao thông, được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cấp cứu với kết luận gãy xương chỏm rồi sau đó nhanh chóng rơi vào hôn mê sâu.
Tiên lượng tình trạng của Dương là rất xấu, không có hy vọng nên các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã khuyên gia đình nên đưa Dương về nhà.
“Nghe các bác sĩ nói vậy, tôi không chấp nhận sự thật. Tôi không tin là con tôi lại vô phương cứu chữa nên tôi quyết định đưa con lên Bệnh viện Việt Đức” - ông Sang nhớ lại.
Chiều 11-8, bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thông báo kết quả hội chẩn lần 1 rằng Dương đã chết não, không còn khả năng cứu chữa.
Tin dữ như sét đánh ngang tai khiến ông Sang suy sụp. Sau đấy, nhiều người thân khuyên ông Sang đưa Dương về nhà để chuẩn bị lo hậu sự. Nhưng nhìn thấy con vẫn thở, mặt hồng hào khiến ông Sang không đành lòng.
Nắm chặt tay con và cảm thấy cơ thể con ấm dần lên, tim đập ổn định hơn khiến ông Sang tin rằng sẽ có phép nhiệm màu xảy đến. Bên cạnh ông Sang luôn có người cháu ruột là anh Tuân động viên tinh thần.
Anh Tuân kể: “Chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh đợi chờ lâu đến thế. Mọi người đứng, ngồi, đi lại, nín thở đếm từng khoảnh khắc trôi qua, hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến.
Nhưng không, kết quả hội chẩn lần 2 lúc 2h ngày 12/8 của hội đồng khoa học vẫn kết luận Dương đã chết não và 6 tiếng sau có kết luận lần 3, giống y 2 lần đầu”.
Biết người em họ của mình không còn cơ hội để được cứu sống nên anh Tuân đã cùng với bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức động viên ông Sang đăng ký hiến mô, tạng của Dương.
Anh Tuân chia sẻ: “Ngày thường, đọc tin trên báo thấy nhiều gia đình quyết định hiến mô tạng của người thân rất xúc động, nhưng đến lượt mình, mình không biết phải quyết định thế nào. Người ngoài nói rất đơn giản nhưng người trong cuộc rất khó”.
Những ngày Dương nằm trong phòng hồi sức tích cực, cả gia đình nín thở chờ điều kỳ diệu sẽ đến. |
Ban đầu, khi nghe anh Tuân và các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức động viên gia đình hiến tạng Dương, nhiều người thân không đồng ý, thậm chí còn nổi khùng.
Một người bác của Dương khóc và nói rằng: “Thằng bé chẳng may bị thế còn chưa đủ đau xót hay sao mà bây giờ còn đòi mổ xẻ lấy đi các bộ phận trong cơ thể nó. Có chết cũng phải chết toàn thây.
Trần sao âm vậy, thác xuống suối vàng nó cũng cần phải có đủ tim, gan, mắt, thận… để còn sống tiếp. Sống trên trần chỉ là cõi tạm mà thôi”.
Về phần ông Sang, sau khi đọc xong tờ hướng dẫn thủ tục đăng ký hiến mô, tạng thì bất ngờ quay sang hỏi anh Tuân: “Ý cháu thế nào?”.
Lúc này anh Tuân đáp: “Thôi chú ạ, chú cứ coi đó là việc phúc. Quan trọng là em nó vẫn sẽ được sống tiếp trên thế gian này, dù là bằng một cách khác. Đau thì đau thật nhưng cháu nghĩ là chú nên đồng ý”.
Là người ở bên động viên gia đình suốt 2 ngày ở viện, chị Phạm Thị Đào, tư vấn viên của Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức đã khuyên gia đình cân nhắc việc hiến mô, tạng của Dương.
Vì em ra đi tuổi đời còn quá trẻ, trong khi nhiều người đang rất cần ghép tạng, trong đó có một bác sĩ rất giỏi của bệnh viện đang suy thận nặng.
Sau khi nghe anh Tuân và chị Đào khuyên vậy, ông Sang đã lặng lẽ bỏ ra ngoài và khóc. Cứ nghĩ đến việc sẽ rút ống thở trong khi con vẫn còn sống, ông lại không sao cầm lòng được.
Khoảng tiếng sau, ông Sang quyết định đặt bút ký vào đơn tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng. Vừa ký, nước mắt ông vừa rơi, rồi bất ngờ ông ngẩng lên hỏi anh Tuân: “Chú làm thế có đúng không?”.
Trong giây phút đau đớn nhất, ông Sang đã quyết định ký vào đơn hiến mô, tạng của con trai để cứu người. |
Ân tình tặng lại nhân gian
Chiều ngày 12-8, trước khi rút ống thở, bác sĩ thông báo gia đình có 10 phút để tạm biệt Dương. Ngoài ông Sang, anh Tuân còn có thêm 4 người thân khác. Ai cũng muốn thời gian ngừng lại để họ có thể ngắm nhìn chàng trai trẻ vắn số được lâu hơn.
Trong 10 phút ngắn ngủi ấy, anh Tuân đã nhờ một nhà sư tụng niệm qua điện thoại rồi mở trực tiếp cho Dương nghe. Anh Tuân nói: “Dương ơi, em nghe kinh nhé!”. Cứ thế mọi người vừa nắm chặt tay Dương, vừa khóc. Duy có ông Sang, chỉ nhìn con lặng lẽ.
16h cùng ngày, khoảnh khắc Dương được rút ống thở cũng là lúc các y, bác sĩ Bệnh viện Việt Đức chạy đua liên tục quanh 6 bàn mổ, cùng lúc thực hiện lấy và ghép tạng cho 5 bệnh nhân suốt 15 tiếng liên tục.
Dương đã hiến tặng lại toàn bộ mô, tạng gồm tim, phổi, gan, 2 thận, 2 giác mạc và 9 gân cho y học. Trong đó, một quả thận của Dương được ghép cho một bác sĩ giỏi của Bệnh viện Việt Đức, lá phổi được ghép cho nam bệnh nhân 38 tuổi ở Hà Nội bị giãn phế quản từ lúc 3 tuổi, hỏng hết 2 phổi.
Nhiều năm nay, gia đình phải mua máy thở để bệnh nhân thở oxy tại nhà, nếu không được ghép phổi, bệnh nhân có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.
Sau khi đã hoàn thành “sứ mệnh” của mình, Dương được người thân đưa về quê nhà an táng. Nhìn thấy chiếc xe của bệnh viện chở thi thể con về, mẹ Dương ngất lịm.
Nhìn cảnh người mẹ ốm yếu với nỗi đau mất đi đứa con duy nhất khiến nhiều người đến dự đám tang không cầm được nước mắt. Cứ hễ tỉnh lại, bà lại gào khóc thảm thiết gọi tên con.
Nam bệnh nhân 38 tuổi hồi sinh nhờ lá phổi của Dương. |
Anh Tuân kể rằng: “Khi tôi ngỏ lời nhờ thầy Thích Đạo Thịnh, trụ trì chùa Khai Nguyên, làm lễ hồi hướng cho Dương, thầy có nói một câu: “Những việc Dương làm đã giúp em về cõi Phật rồi, không cần phải hồi hướng nữa”.
Câu nói đó của thầy đã khiến gia đình tôi có thêm niềm tin rằng mình đã làm đúng”.
Nhưng nghĩa cử cao đẹp ấy không phải ai cũng hiểu và có cái nhìn đúng đắn.
Sau khi lo chu toàn đám hiếu cho Dương, nhiều người không hiểu vô tình hay cố ý đã hỏi bố mẹ em những câu hỏi như xát muối rằng: “Hiến tạng thế có được nhiều tiền không? Tôi nghe nói chỉ bán thận không có khi cũng được mấy trăm triệu rồi”.
Bên cạnh những câu hỏi ác ý ấy lại có nhiều người đến chia sẻ và ủng hộ vợ chồng ông Sang.
Nén đau thương, ông nói: “Giờ gia đình tôi chỉ mong sao tất cả các bệnh nhân được ghép tạng đều khoẻ mạnh, vì đó chính là một phần cơ thể của con tôi, để biết con tôi được tiếp tục sống. Tôi không mong họ phải cảm ơn hay nhớ đến mình”.
Nhìn ngôi nhà tuềnh toàng, thậm chí đến cái bàn uống nước cũng không có nổi của vợ chồng ông Sang khiến chúng tôi thực sự xót xa.
Ngôi nhà dựng tạm ven bờ sông này chính là nhờ anh em 2 bên nội ngoại cùng đóng góp, giúp đỡ, đến nay vẫn chưa có sổ đỏ. Mẹ Dương, do sức khỏe yếu nên phải đi viện triền miên.
Nay xảy ra cú sốc này, bà hoàn toàn gục ngã. Vậy mà, trong tận cùng đau đớn, những con người khốn khổ ấy vẫn biết nghĩ cho người khác, đó là điều không phải ai trong chúng ta cũng làm được.