Nếu phải chọn ra chiếc smartphone thú vị nhất của năm 2018 thì đó chắc chắn phải là Vivo NEX. Không chỉ mang trong mình cơ chế camera thò thụt sáng tạo và thú vị, Vivo NEX còn là sản phẩm đại trà đầu tiên phổ cập cảm biến vân tay dưới màn.
Khi smartphone Android vẫn chưa thể bắt kịp Apple về công nghệ nhận diện khuôn mặt, loại cảm biến này đã trở thành giải pháp thú vị nhất, hoàn hảo nhất cho những người vẫn còn lưu luyến giải pháp bảo mật cũ. Quan trọng hơn, cảm biến vân tay dưới màn đã trở thành giải pháp giúp Vivo vượt mặt tất cả các ông lớn để tạo ra smartphone thực sự "toàn màn hình".
Chính nhờ sáng tạo này mà Vivo NEX cũng trở thành một cột mốc quan trọng với Vivo. Giữa một rừng smartphone Vivo giống Apple (bao gồm cả tai thỏ), Vivo đã lần đầu tiên sáng tạo ra những thiết kế mới mà Apple không làm được.
Ấy thế mà chỉ vài tháng sau, các sáng tạo trên NEX đã không còn là của riêng Vivo nữa.
Việc thương hiệu Trung Quốc này chia sẻ công nghệ camera "thò thụt" và cảm biến vân tay dưới màn với thương hiệu anh em OPPO (cùng công ty mẹ là BKK Electronics) là hoàn toàn dễ hiểu, nhưng Huawei cũng đã có cảm biến dưới màn, Xiaomi mới đây cũng đã ra mắt chiếc Mi Mix 3 có cơ chế camera trước tương tự.
Chưa dừng lại ở đây, smartphone Trung Quốc có "tai thỏ" mọc lên nhan nhản như nấm sau mưa. Màu gradient, từng một thời là thế mạnh của Huawei, giờ cũng có mặt trên smartphone OPPO, Vivo và Xiaomi.
Camera kép phủ sóng rất nhanh, và năm nay, camera cụm-3 đã có mặt trên cả smartphone của Huawei lẫn OPPO. Tất cả các hãng Trung Quốc, hãng nào giờ cũng khoe có camera AI.
Quả thật, sẽ là rất khó để tránh khỏi cảm giác rằng smartphone Trung Quốc đang "chia sẻ" các sáng tạo cùng nhau. Nói chính xác hơn, họ học hỏi nhau (và học hỏi Apple, Samsung) rất nhanh. Sự khác biệt giữa kẻ đi đầu và kẻ đi sau chỉ tính bằng tháng.
Lý do đằng sau quá trình "phổ cập" công nghệ này chỉ có một: chuỗi cung ứng smartphone. Như bạn chắc hẳn đã biết, mỗi chiếc smartphone dù chỉ mang thương hiệu của một hãng nhưng thực chất lại là thành quả của nhiều công ty. iPhone chẳng hạn: màn hình đến từ Samsung, cảm biến camera mua từ Sony, thành phẩm là do Foxconn và Pegatron lắp ráp.
Nhưng Samsung không chỉ bán màn hình cho Apple mà còn là đối tác của rất nhiều các thương hiệu khác, bao gồm smartphone Trung Quốc. Ngay cả công nghệ màn hình gập cũng được hãng này hứa sẽ bán cho cả OPPO và Xiaomi chứ không giữ làm "của riêng" cho Galaxy.
Tương tự, Sony chiếm đến 46% thị phần cảm biến camera cho smartphone, cảm biến hãng này có mặt trên cả iPhone, Mi phone lẫn OPPO. Foxconn cũng là đối tác sản xuất chính của Xiaomi, OPPO và ASUS, còn Pegatron cũng bắt tay với Huawei nữa.
Khó có thể kể hết các ví dụ để minh chứng rằng toàn bộ thị trường smartphone thực chất chỉ là một phép nối ghép chồng chéo giữa các thương hiệu lớn và các nhà cung ứng. Huaqin sản xuất điện thoại cho cả Xiaomi và Huawei.
5 ông lớn Trung Quốc là Huawei, Xiaomi, OPPO, Vivo và ZTE đều mua màn hình AMOLED từ BOE. 3 tên tuổi Hàn Quốc (Samsung, SK và Micron) cùng 1 thương hiệu Đài Loan (Nanya) làm chủ thị trường RAM, còn những con chip mang thương hiệu Snapdragon hay MediaTek sẽ do Samsung, TSMC hay UMC trực tiếp sản xuất.
Nhìn từ danh sách chồng chéo ở trên, bạn chắc hẳn đã nhận ra lý do vì sao smartphone Trung Quốc nói riêng và smartphone toàn cầu lại phổ cập rất nhanh. Các sáng tạo mà chúng ta nhắc đến ở đây thực chất đến từ năng lực của nhà cung ứng chứ không phải là các hãng làm chủ thương hiệu.
Cảm biến vân tay dưới màn hình cũng cũng vậy. Thành tựu đưa được cảm biến vân tay xuống dưới màn không phải của Vivo mà là của Synaptics, và đến khi công ty này đem bán công nghệ cho Xiaomi thì Mi 8 cũng có cảm biến vân tay dưới màn. Một nhà cung ứng cảm biến khác là Goodix hiện tại đang bán công nghệ tương tự cho cả Vivo, Huawei và Doogee.
Tương tự, khi công nghệ OLED đã được Samsung, BOE và LG hạ giá đủ sâu, loại màn hình này sẽ xuất hiện ồ ạt trên smartphone. Khi các công ty lắp ráp đã đạt đủ trình độ để chế tạo camera thò thụt, công nghệ này sẽ phổ cập.
Với camera AI, công nghệ này phủ sóng nhanh không chỉ nhờ các thuật toán được chia sẻ rộng rãi trên mạng mà là bởi MediaTek và Qualcomm hiện tại đều đang phát triển chip theo hướng hỗ trợ AI tốt hơn: các nhà sản xuất chỉ cần đặt hàng mua Snapdragon hoặc Helio, thế là tự nhiên điện thoại của họ chạm tay được vào nhiều tính năng AI!
Dĩ nhiên, việc tất cả các hãng sản xuất cùng chia sẻ một mạng lưới cung ứng rộng khắp không có nghĩa rằng công nghệ nào cũng sẽ bị phổ cập một cách dễ dàng.
Màn hình "không cằm" của iPhone X chẳng hạn: tuy sáng tạo của Apple không quá phức tạp (đưa chip controller xuống dưới tấm màn thay vì đặt ở "cằm"), giá thành sản xuất lên tới 110 USD nên gần như không nhà sản xuất Android nào muốn học theo cả.
Cũng có những sáng tạo không ai thèm học hỏi, ví dụ như khi Xiaomi đưa camera mặt trước xuống dưới "cằm" gây bất tiện cho người dùng.
Nhưng những công nghệ khó học hỏi nhất trong tương lai chắc chắn sẽ là các công nghệ liên quan tới phần mềm nhiều hơn.
Hiện tại, cho dù NFC đã quá phổ biến, chưa có một nhà sản xuất Android nào ra mắt được nền tảng thanh toán ngang tầm Samsung Pay – lý do là bởi chưa có hãng nào phát triển bảo mật ngang tầm Knox được cả.
Chưa có hãng Android nào dùng AI để xóa phông ở mức độ ngang ngửa Pixel, và cũng chưa có hãng nào ngoài Huawei có thể phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt 3D ngang ngửa với Face ID của Apple.
Đây có lẽ sẽ là hướng phát triển của chiếc smartphone trong tương lai. Các sáng tạo bằng phần cứng đang ngày một thưa thớt và cũng quá dễ để học hỏi khi công nghệ "mới" chỉ mất vài tháng là đã trở thành công nghệ "phổ cập".
Cùng lúc, các trào lưu phần mềm đang hứa hẹn những tiềm năng ngày một "hoang đường" hơn (dùng camera xóa phông hay zoom số ngang tầm zoom quang học). Khác với phần cứng, phần mềm không hề dễ copy một chút nào cả: muốn có AI, mỗi nhà sản xuất sẽ phải đầu tư hàng tỷ USD nghiên cứu.
Smartphone Trung Quốc có thể vì thế mà cũng sẽ gặp khó. Bao năm qua, họ đã kết hợp sức mạnh của chuỗi cung ứng cùng những chiến lược không bền lâu như bán phá giá (Xiaomi) hoặc chiết khẩu khủng cho nhà phân phối (OPPO, Vivo) bên dưới những chiếc smartphone kém sáng tạo.
Nếu trọng tâm chuyển dịch thành phần mềm, họ sẽ phải đối mặt với những lợi thế không phải cứ đi tìm đối tác cung ứng mới là sở hữu được.