Theo Ancient Origins, ông Andreas Pernerstorfer, một nhà sản xuất rượu ở thị trấn Gobelsburg của Áo đã cải tạo hầm rượu của mình và phát hiện vô số khúc xương quái thú ngoại cỡ trong quá trình đào bới.
Ông đã nhanh chóng báo cáo điều này với Văn phòng Di sản liên bang của Áo. Sau đó, việc khai quật, nghiên cứu được chuyển giao cho Viện Khảo cổ Áo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Áo (OeAW).
Kể từ giữa tháng 5, các nhà khảo cổ học từ OeAW đã khai quật tỉ mỉ các lớp xương tại địa điểm này.
Kết quả phân tích sơ bộ cho thấy các khúc xương quái thú này thật ra là xương voi ma mút.
Tổng cộng khoảng 300 khúc xương đã được thu thập, thuộc về ít nhất 3 cá thể và bao gồm các loài ma mút khác nhau.
Hai nhà nghiên cứu Thomas Einwögerer và Hannah Parow-Souchon cho biết rằng các hiện vật bằng đá và than đi kèm trong lớp trầm tích chứa xương cho thấy các di tích thực sự có niên đại cổ xưa, thuộc khoảng thời gian từ 30.000 đến 40.000 năm trước.
“Lớp xương voi ma mút dày đặc như vậy là rất hiếm. Đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể điều tra một vụ việc như thế này ở Áo bằng các phương pháp hiện đại” - các nhà nghiên cứu nói.
Trong số xương này cũng bao gồm các phần hiếm gặp trong các bộ hài cốt ma mút khác, ví dụ xương ở lưỡi.
Khám phá này đặt ra những câu hỏi thú vị về sự tương tác giữa con người thời đồ đá và những quái thú khổng lồ này.
Sự tụ tập nhiều mảnh xương nằm rời rạc và thuộc về nhiều loài ma mút cho thấy đây là điểm tập kết và xử lý "chiến lợi phẩm" của con người thời đồ đá, những người đã săn bắt loài quái thú này.
Cùng tồn tại với con người thời đồ đá, ma mút đóng vai trò là nguồn tài nguyên quan trọng, với xương và ngà của chúng được sử dụng để chế tạo các công cụ, tác phẩm nghệ thuật và các đồ tạo tác khác nhau, đồng thời là nguồn cung cấp thực phẩm.
Một nghiên cứu công bố năm 2023 cho thấy không chỉ chúng ta - loài Homo sapiens - mà cả loài người cổ Neanderthal cũng săn ma mút từ 125.000 năm trước.