Cái nhìn sâu hơn về phương pháp giúp 2 người đàn ông có con với nhau mà không cần phụ nữ

Lê Tuấn Anh |

Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã tạo ra được những chú chuột khỏe mạnh bằng cách sử dụng tinh trùng và tế bào không phải là trứng. Câu hỏi đặt ra là liệu điều này có thể mở đường cho việc sinh con từ hai người cha sinh học?

Cộng đồng mạng đang rất hào hứng với tin các nhà khoa học có thể tạo ra chuột khỏe mạnh từ tinh trùng và một dạng tế bào đặc biệt mà không phải là trứng. 

Tuy nhiên, sẽ còn là một chặng đường rất dài để thực hiện nghiên cứu tương tự trên con người. Bài viết dưới đây từ New Scientist sẽ giúp bạn đọc có một góc nhìn đa chiều hơn đối với vấn đề này.

Cái nhìn sâu hơn về phương pháp giúp 2 người đàn ông có con với nhau mà không cần phụ nữ - Ảnh 1.

Điều gì đã xảy ra trong thí nghiệm tạo ra chuột con mà không cần trứng thông thường?

Toro Suzuki tại Đại học Bath (Vương quốc Anh) cùng nhóm của mình đã kết hợp tinh trùng với các tế bào không phải là trứng để tạo ra 30 chuột con khỏe mạnh và sau đó có thể tiếp tục sinh sản. Tuy nhiên, có hai điểm quan trọng cần lưu ý. 

Thứ nhất, để có kết quả trên, nhóm nghiên cứu đã tạo ra 104 phôi, nhưng chỉ 30 phôi trong số đó sống sót. Thứ hai, tinh trùng được kết hợp với các dạng tế bào đặc biệt tạo ra bằng cách xử lý trứng với những hóa chất nhất định.

Như vậy, nhóm nghiên cứu vẫn sử dụng tinh trùng và trứng?

Đó đúng là những nguyên liệu khởi đầu. Nhưng thay vì sử dụng tế bào trứng, họ sử dụng các tế bào tạo ra do trứng ban đầu phân chia. Bình thường, trứng sẽ không bao giờ phân chia, cho đến sau khi đã được thụ tinh. Ở đây, trứng đã được xử lý đặc biệt để có thể phân chia.

Tony Perry từ Đại học Bath, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho biết rằng chìa khóa ở đây là các tế bào con (do trứng phân chia sau khi đã được xử lý với các hóa chất đặc biệt) là những dạng khác với tế bào trứng ban đầu. 

Không như tế bào trứng bình thường, chúng có thể phân chia để hình thành các tế bào mới, giống như các tế bào khác trong cơ thể, chẳng hạn như tế bào da.

Tiếp theo, họ cho các tế bào con này thụ tinh với tinh trùng và thấy rằng có những "phôi" sau đó tiếp tục phát triển. Chúng có chứa cả nhiễm sắc thể của cả bố và mẹ - giống như một phôi thai bình thường. Bằng cách này, một số phôi đa bào đã trở thành những chú chuột con.

Kết quả nghiên cứu có gì thú vị?

Điều đó mở ra hy vọng về những đứa trẻ được sinh ra bằng cách sử dụng tinh trùng của một người đàn ông và một loại tế bào khác có nguồn gốc từ người đàn ông thứ hai. 

Đối với trứng bình thường được thụ tinh và hình thành phôi thai, cũng xảy ra quá trình lập trình lại các gen của tinh trùng. Đây là điều các tế bào được sử dụng bởi Perry và cộng sự có thể làm được - lần đầu tiên một tế bào không phải trứng đã đạt được điều này.

Kỹ thuật này có thể áp dụng với các tế bào khác được không?

Perry nói rằng triển vọng của việc sử dụng các tế bào người theo cách này còn rất xa: "Tất cả những điều này chỉ là suy đoán và chưa có điều gì trong đó có thể thực hiện được ngay, cũng có thể không bao giờ thực hiện được".

Vấn đề là các tế bào đặc biệt họ tạo ra từ trứng được xử lý hóa chất không giống như các tế bào cơ thể bình thường. Những tế bào này lớn hơn nhiều và có khả năng không thể tái lập trình các đặc điểm di truyền ngoại gen để trở thành phôi.

Một vấn đề khác là tế bào da của một người đàn ông có hai bộ nhiễm sắc thể, nhưng tế bào giao tử (như tinh trùng hoặc trứng) chỉ được phép chứa một bộ nhiễm sắc thể nếu muốn tạo ra phôi thai khỏe mạnh. "Còn có một loạt những ẩn số chưa biết", Perry chia sẻ.

Kết luận

Còn quá sớm để nói rằng đây là tín hiệu mở đường cho những đứa trẻ có hai người cha sinh học, nhưng nghiên cứu cũng cho biết những điều thú vị khác: có nhiều hơn một con đường để có phôi thai khỏe mạnh. 

Khi nhóm nghiên cứu phân tích hoạt động gen của những phôi này trong quá trình phát triển, họ thấy rằng có những hoạt động khác thường. 

Tuy nhiên, rõ ràng là họ đã tạo được những chú chuột con khỏe mạnh. Nghiên cứu sâu hơn về quá trình này có thể có thể cung cấp những hiểu biết và phương pháp điều trị vô sinh mới.

Tham khảo New Scientist

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại