Cái Mép - Thị Vải sẽ là... siêu cảng

Ngọc Giang |

Với quy hoạch đã được thông qua cùng các tính toán của địa phương và đơn vị liên quan, trong tương lai Cái Mép - Thị Vải sẽ trở thành siêu cảng ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa thông qua, Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) sẽ là 1 trong 2 cảng biển đặc biệt của cả nước, có chức năng là cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế.

Đủ sức đón "siêu tàu" trên 250.000 tấn

Quy hoạch chỉ rõ CM-TV thuộc nhóm cảng biển số 4 với tổng cộng 9 khu bến và bến cảng, gồm khu bến Cái Mép, Phú Mỹ, Mỹ Xuân (trên sông Thị Vải), Sao Mai - Bến Đình, Long Sơn, Sông Dinh; bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu, Côn Đảo và các bến cảng dầu khí ngoài khơi phục vụ các mỏ…

Trong đó, khu bến Cái Mép có chức năng là cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế, có bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí. Đây là khu cảng có thể đón được tàu container có trọng tải từ 80.000 - 250.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.

Khu bến Thị Vải được quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí. Khu vực này quy hoạch để đón tàu có trọng tải đến 100.000 tấn tại Phú Mỹ hoặc lớn hơn, đón tàu 60.000 tấn tại Mỹ Xuân và 30.000 tấn phía thượng lưu cầu Phước An.

Cái Mép - Thị Vải sẽ là... siêu cảng - Ảnh 2.

Cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ sớm trở thành cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế như mục tiêu quy hoạch đã đề ra

Khu bến Sao Mai - Bến Đình có chức năng phục vụ dịch vụ dầu khí và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nơi đây có thể đón tàu có trọng tải đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn; khu bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu thì có chức năng là bến cảng khách quốc tế phục vụ phát triển du lịch; khu bến Long Sơn dùng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu liên hợp lọc hóa dầu, luyện kim và ngành năng lượng.

Khu bến Sông Dinh, ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội còn có bến cảng tổng hợp, hàng lỏng/khí, bến công vụ và bến phục vụ quốc phòng - an ninh. Và cuối cùng là bến cảng Côn Đảo là đầu mối giao lưu với đất liền và phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo, có cả bến tổng hợp, bến khách, bến du thuyền, bến phục vụ quốc phòng an ninh.

Nói về quy hoạch trên, lãnh đạo UBND tỉnh BR-VT nhấn mạnh đó chính là những tiền đề để hệ thống cảng container nước sâu tại khu vực CM-TV phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhất là trong việc đón "siêu tàu".

UBND tỉnh BR-VT dẫn chứng những năm qua, CM-TV liên tục đón các "siêu tàu" tầm cỡ mà không nhiều cảng trên thế giới có thể làm được. Vì vậy, việc sẽ đón được tàu lớn 250.000 tấn theo quy hoạch hoặc thậm chí lớn hơn là việc trong tầm tay. Trong năm 2021, cảng Gemalink có công suất 2,5 triệu TEU đã đi vào hoạt động. Đây là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và là 1 trong 19 cảng lớn của thế giới đón được siêu tàu lớn nhất thế giới hiện nay.

Thêm cơ hội với cảng mở

Theo UBND tỉnh BR-VT, nhờ có những lợi thế về cảng bến nên ngay cả khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của thế giới thì theo báo cáo trong 8 tháng đầu năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại BR-VT vẫn duy trì đà tăng trưởng, đạt hơn 62,6 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng hàng container đạt hơn 6 triệu TEU, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hàng container xuất nhập khẩu này chủ yếu thông qua các cảng CM-TV. Đặc biệt, cụm CM-TV đã tiếp nhận 889 lượt tàu container trọng tải lớn từ 80.000 DWT đến 200.000 DWT, tăng 4%. Tổng số lượt tàu vào, rời CM-TV hơn 54.600 lượt, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020. Qua đó, góp phần rất lớn cho sự phát triển bền vững của địa phương.

"Tiềm năng, lợi thế đã có, cộng với việc Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu ưu tiên đầu tư nâng cấp luồng CM-TV cùng với việc quy hoạch lần này đề cập việc nghiên cứu áp dụng chính sách cảng mở tại khu bến cảng CM-TV, thì sắp tới, BR-VT nói chung, CM-TV nói riêng có thêm cơ hội bứt phá" - ông Kurita, Tổng Giám đốc cảng TCIT, nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc áp dụng cảng mở tại CM-TV sẽ mở ra một hướng đi mới cho khu vực này, vì cảng mở (Free port) là khu vực riêng biệt trong phạm vi cảng biển mà ở đó hàng hóa nhập khẩu không phải trả thuế nhập khẩu. Chính sách cảng mở được xây dựng sẽ giúp tăng sản lượng hàng hóa qua cảng biển, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng cảng CM-TV trở thành cảng trung chuyển quốc tế đúng nghĩa.

Góp ý thêm cho sự phát triển của CM-TV, một số DN có cảng tại CM-TV nhấn mạnh để CM-TV sớm thành cảng trung chuyển quốc tế, ngoài việc tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng nâng cấp luồng hàng hải cũng như xây dựng dự án logistics Cái Mép Hạ, Chính phủ cần có các cơ chế, chính sách riêng cho khu vực này.

Trong đó, cần nghiên cứu, kêu gọi và khuyến khích các tập đoàn đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư, khai thác trung tâm dịch vụ logistics. Đồng thời, tổ chức nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền thí điểm xây dựng mô hình "Cảng trung chuyển Cái Mép" và áp dụng quy chế về thuế và hải quan như đối với "khu kinh tế tự do" áp dụng cho khu cảng trung chuyển quốc tế này.

Ghi dấu ấn cho ngành hàng hải Việt Nam

Theo UBND tỉnh BR-VT, cuối năm 2020, tại Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (CMIT), tàu Margrethe Maersk (quốc tịch Đan Mạch) đã cập cảng chở đầy hàng hóa. Tàu này dài gần 400 m, rộng 59 m, có trọng tải 214.121 tấn, với sức chở lên đến 18.340 TEU . Đây là một trong những con tàu container lớn nhất thế giới hiện nay.

Tại lễ đón tàu, lãnh đạo Bộ GTVT đã khẳng định việc tàu Margrethe Maersk chở đầy hàng hóa cập cảng CM-TV là sự kiện hết sức có ý nghĩa, ghi dấu ấn của ngành hàng hải Việt Nam lên bản đồ hàng hải thế giới khi trở thành một trong khoảng 20 khu bến cảng trên thế giới có thể đón được "siêu tàu" trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại