Cái kết những vụ thao túng cổ phiếu trên thế giới: Người đối mặt với án tù giam, người tưởng “thân bại danh liệt” nhưng lại có “vật tế sống”

Q.N |

Thế giới đã có nhiều vụ thao túng cổ phiếu và gian lận trên thị trường từng đưa ra ánh sáng, tuy nhiên cái kết của các vụ việc chấn động này chưa bao giờ giống nhau.

Thái tử Samsung đối mặt với án tù giam, khiến cả đế chế lớn lao đao

Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong - con trai cả và cũng là người con trai duy nhất của Lee Kun-hee, cố chủ tịch thế hệ thứ hai của tập đoàn điện tử Hàn Quốc, bị truy tố vì tội thao túng chứng khoán và vi phạm quy định diễn ra từ 5 năm trước vào tháng 9/2020.

Theo đó, sự kế vị của Jae-yong sau cơn đau tim của cha đã được đảm bảo bởi một vụ sáp nhập vào năm 2015, trong đó Cheil Industries, một công ty thời trang và công viên giải trí mà ông Lee là cổ đông lớn nhất, tiếp quản Samsung C&T, một chi nhánh xây dựng. Điều đáng nói là, C&T có cổ phần lớn nhất trong Samsung Life Insurance - công ty có cổ phần lớn trong "viên ngọc quý" của Samsung: Samsung Electronics.

Cái kết những vụ thao túng cổ phiếu trên thế giới: Người đối mặt với án tù giam, người tưởng “thân bại danh liệt” nhưng lại có “vật tế sống” - Ảnh 1.

Tuy nhiên trong các điều khoản sáp nhập, một cổ phiếu Cheil được định giá bằng gần ba cổ phiếu C&T, đã bị thao túng để trao cho Lee Jae-yong quyền kiểm soát C&T, và cuối cùng là đế chế Samsung, trong khi bản thân ông Lee không có cổ phần nào trong C&T trước khi sáp nhập.

Vụ sáp nhập này đã phần nào góp phần vào vụ sụp đổ của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, người bị bỏ tù vì tội hối lộ vào năm 2017. Khi đó, Phó chủ tịch Samsung Electronics đã trả 8,7 tỷ won hối lộ cho một người quen của cựu tổng thống Park để đổi lấy ảnh hưởng chính trị với Quỹ hưu trí quốc gia - cổ đông chính của Samsung C&T.

Kết quả là, ông Lee phải ngồi tù 19 tháng, vụ việc kéo theo ​​8 giám đốc điều hành của Samsung bị kết tội và 3 người bị bỏ tù cho đến nay. Hiện tại, "thái tử" Lee vẫn đang phải làm việc với phía toà án mỗi tuần về cáo buộc thao túng giá chứng khoán và gian lận kế toán. Đây chính vụ việc điển hình cho cuộc khủng hoảng kế vị gia đình làm nổi bật sự vướng mắc chặt chẽ và đôi khi gây tranh cãi của chính trị và các tập đoàn của Hàn Quốc (chaebol).

Nộp phạt gấp đôi lợi nhuận thu được, bị cấm giao dịch vĩnh viễn

Trong toàn bộ lịch sử của thị trường chứng khoán Mỹ, đã có nhiều cá nhân sử dụng quyền truy cập thông tin nội bộ để đạt được lợi thế một cách không công bằng. Mặc dù Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã đưa ra các quy tắc để bảo vệ các khoản đầu tư khỏi tác động của giao dịch nội gián, nhưng các hành vi này thường khó bị phát hiện. Điển hình trong số đó không thể không kể đến sự vụ của Ivan Boesky.

Ivan Boesky là một nhà giao dịch chứng khoán người Mỹ, ông đã trở nên nổi tiếng với một vụ bê bối giao dịch nội gián trong những năm 1980. Vụ bê bối này cũng liên quan đến một số nhân viên công ty khác tại các ngân hàng đầu tư lớn của Mỹ khi họ đã cung cấp cho ông những thông tin mật trong các thương vụ mua bán và sáp nhập công ty sắp tới.

Cái kết những vụ thao túng cổ phiếu trên thế giới: Người đối mặt với án tù giam, người tưởng “thân bại danh liệt” nhưng lại có “vật tế sống” - Ảnh 2.

Người đàn ông này cũng sở hữu một công ty môi giới chứng khoán ăn nên làm ra do đầu cơ vào các vụ thâu tóm công ty. Tuy nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, năm 1987 ông bị SEC điều tra sau khi một nhóm các đối tác của công ty ông đâm đơn kiện về các thỏa thuận pháp lý gây hiểu lầm. Sau đó, ông bị phát hiện giao dịch chứng khoán dựa vào các thông tin nội gián. Cụ thể, Ivan đã trả tiền cho nhân viên các công ty hoặc ngân hàng có liên quan đến thương vụ để lấy những thông tin giúp ông giành lợi thế trong việc mua bán.

Cuối cùng, hành vi vi phạm đã giúp ông thu về tổng cộng 50 triệu USD lợi nhuận bất hợp pháp. Ông Boesky bị kết tội giao dịch nội gián vào năm 1986, nhận bản án 3,5 năm tù và phải nộp phạt 100 triệu USD. Mặc dù được thả chỉ sau hai năm, ông đã bị SEC cấm "bước chân" vào thị trường chứng khoán vĩnh viễn.

Hưởng lợi dù công ty gặp khó khăn, phạt 87 tháng tù với khoản bồi thường gần 100 tỷ đồng.

Vào tháng 12/2001, một loại thuốc điều trị ung thư mới có tên là Erbitux của công ty dược phẩm ImClone bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) không chấp thuận, khiến công chúng thất vọng hoàn toàn và cổ phiếu chứng kiến sự sụt giảm nhanh chóng.

Cái kết những vụ thao túng cổ phiếu trên thế giới: Người đối mặt với án tù giam, người tưởng “thân bại danh liệt” nhưng lại có “vật tế sống” - Ảnh 3.

Tuy nhiên trong khi nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ do sự sụt giảm, gia đình và bạn bè của Giám đốc điều hành Samuel Waksal lại không hề hấn gì. Nguyên nhân sau đó được SEC phát hiện ra rằng trước khi công bố quyết định của FDA, Samuel và nhiều giám đốc điều hành đã bán cổ phiếu của họ ở mức giá cao ngất ngưởng 60 USD trước khi rơi xuống chỉ còn hơn 10 USD trong những tháng tiếp theo.

Kết quả, Cựu Giám đốc điều hành ImClone Samuel Waksal đã bị kết án 87 tháng tù giam và bị phạt 4,3 triệu USD sau khi nhận sáu tội danh, bao gồm giao dịch nội gián và gian lận.

Tưởng như thân bại danh liệt nhưng... chỉ phụ tá ngồi tù

Tỷ phú Steven Cohen nổi tiếng là “ông hoàng quản lý quỹ đầu cơ” với quyết định nhạy bén và liều lĩnh. Song chính ông cũng dính líu đến một trong những vụ bê bối giao dịch nội gián lớn nhất lịch sử nước Mỹ.

Quỹ đầu cơ SAC Capital của Cohen được thành lập năm 1992 có trụ sở tại Stamford, Connecticut. Với tư duy nhạy bén, ông đã biến số vốn ban đầu ước tính khoảng 20 triệu USD trở thành quỹ đầu cơ với tài sản quản lý trị giá 14 tỷ USD.

Cái kết những vụ thao túng cổ phiếu trên thế giới: Người đối mặt với án tù giam, người tưởng “thân bại danh liệt” nhưng lại có “vật tế sống” - Ảnh 4.

Vào thập niên 1990, SAC đã nổi lên với những lời đồn đoán về việc bơm tiền thù lao môi giới cho những thông tin có giá trị mà các nhà phân tích khuyến cáo. Khi đó, Mathew Martoma - một phụ tá thân cận của Steven Cohen và là giám đốc quản lý danh mục tại CR Intrinsic Investors - đã thu thập những thông tin nội bộ của hai công ty dược Elan Corporation và Wyeth về loại thuốc chữa bệnh Alzheimer từ một bác sĩ. Sau đó, CR Intrinsic Investors đã nhanh chóng xoay chuyển vị thế sang người đầu cơ giá xuống, thu được lợi nhuận và tránh khoản lỗ hàng trăm triệu USD.

Cuối cùng, Quỹ đầu cơ bị kết tội giao dịch nội gián vào năm 2013 và phải trả 1,8 tỷ USD tiền phạt. Tuy nhiên, dù đã cố gắng hết sức, chỉ có phụ tá Mathew Martoma chịu án 9 năm tù giam mà ông chủ Cohen không chịu hề hấn gì bởi vì SAC bao gồm nhiều quỹ đầu tư nhỏ lẻ dưới sự quản lý của nhiều cá nhân, trong khi vị tỷ phú này lại chỉ quan tâm đến lợi nhuận chung của cả tập đoàn.

Hiện tại, ông vẫn dấn thân vào thương trường và các quỹ đầu tư, với tài sản được ước tính là khoảng 10,2 tỷ USD vào năm 2020.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại