Người ta tự hỏi, việc thế giới bàng hoàng về cánh rừng Amazon - lá phổi xanh của hành tinh này chỉ sau khi biết tin tức về đám cháy liệu có quá muộn? Suốt hàng thập kỷ vừa qua, Amazon như một miếng bánh để người ta gọt xén, trong âm thầm và lặng lẽ.
Cuốn sách nổi tiếng “Đợt tuyệt chủng thứ sáu” đã có những lời ngợi ca về sự đa dạng thiên nhiên của rừng Amazon nhưng đồng thời phác lên một bức họa u ám về những gì Amazon đang phải trải qua. Tác giả thấy những con đường lớn chạy xuyên Amazon và từ những con đường lớn ấy, các nhánh đường nhỏ ăn sâu vào rừng như bóp nghẹt khí của lá phổi xanh bằng con đường khai thác tận diệt.
Liệu giờ đây, còn có chỗ nào để được gọi là vùng lõi Amazon, nơi chỉ cách đây vài chục năm còn chưa có dấu chân con người hay vẫn còn là ẩn số với nhân loại?
Một người da đỏ đã từng nói.
"Chỉ sau khi cái cây cuối cùng bị đốn xuống,
Chỉ sau khi dòng sông cuối cùng bị nhiễm độc,
Chỉ sau khi con cá cuối cùng bị đánh bắt,
Thì chúng ta mới biết được rằng chúng ta không thể ăn được tiền."
Con người không cần công nghệ 4.0, không cần Internet, trí tuệ nhân đạo để biết được điều đó. Giữa một chủ nghĩa vật chất và hành tinh “không thuộc về ai”, họ chọn lọc những cánh rừng ra tiền, vắt những dòng sông đổi lại vật chất. Chúng ta chọn “im lặng” trước sự rên xiết của thiên nhiên. Chừng nào còn một cái cây, dòng sông còn một con cá bơi lội, chúng ta vẫn sẽ nghĩ rằng thế giới vẫn tươi đẹp.
Nếu một ngày, cánh rừng Amazon không còn nữa, canh tác nông nghiệp và khai thác cạn kiệt rừng đẩy Amazon chỉ còn là những vết cắt xẻ nham nhở trên bản đồ vệ tinh, hành tinh này sẽ “ra sao”? Và con người có thể ăn tiền để sống và thở?
Giảm lượng mưa trong khu vực
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2012 trên tạp chí Nature đã chỉ ra rằng, rừng Amazon giúp đem mưa tới cho khu vực và việc phá rừng có thể làm giảm lượng mưa trên diện rộng.
Scientific American cũng báo cáo rằng việc chặt phá rừng Amazon sẽ làm giảm nước mưa tại khu vực phía nam của Brazil, Uruguay và Paraguay - các khu vực nông nghiệp phát triển. Việc giảm lượng nước mưa sẽ đẩy cuộc sống của người dân không chỉ tại Brazil mà còn nhiều nước trong khu vực Nam Mỹ tới cận kề của việc khó lòng đảm bảo an ninh lương thực.
Hạn hán kéo dài
Điều gì sẽ xảy ra nếu lượng mưa ít đi? Người dân sẽ thiếu nước trầm trọng, không chỉ với việc canh tác nông nghiệp mà còn thiếu nước sinh hoạt. Tình trạng hạn hán gần đây tại Sao Paulo được cho là do hoạt động chặt phá rừng tại Amazon.
Gia tăng hiệu ứng nhà kính
Việc phá hủy rừng Amazon hoàn toàn sẽ dẫn tới một cuộc biến đổi không chỉ trong phạm vi khu vực mà trên toàn cầu về mức độ gia tăng hiệu ứng nhà kính: Khi lá phổi xanh của thế giới không còn hoạt động hiệu quả, lượng CO2 trong không khí sẽ gia tăng khiến trái đất nóng lên, đại dương bị axit hóa.
Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu rừng nhiệt đới Adriane Esquivel-Muelbert trên tờ National Geographic, “Nếu chúng ta “dỡn mặt” với rừng Amazon, lượng khí thải cacbon sẽ tăng đến mức báo động khiến cả thế giới phải chịu trận”. Điều đó đồng nghĩa với suy giảm chất lượng không khí cũng như tăng nhiệt độ toàn cầu.
Lũ lụt trên diện rộng
Bên cạnh việc suy giảm lượng mưa khoảng 25% tại nhiều khu vực, tình trạng lũ lụt cũng xảy ra; một khi đã mưa thì sẽ là những cơn mưa xối xả, dẫn đến lũ quét, sạt lở. Viễn cảnh tăm tối này - những thời kỳ khô hạn kéo dài, theo sau là các cơn mưa liên tục dẫn đến lũ lụt - sẽ xảy ra trên diện rộng nếu rừng Amazon biến mất hoàn toàn.
Mất rừng Amazon không chỉ thay đổi lượng mưa mà còn biến đổi khí hậu chung của toàn khu vực. Nó sẽ có những tác động lớn tới người dân tại khu vực Nam Mỹ và nhiều vùng khác trên thế giới.
Suy giảm sự đa dạng sinh học
Là ngôi nhà chung của hàng triệu loài động thực vật côn trùng và các loại nấm, rừng nhiệt đới Amazon như một bảo tàng gene và đa dạng sinh học của thế giới. Người ta ước tính, mỗi ngày lại có một loài mới được phát hiện tại Amazon.
Trong năm 2012, tờ The Guardian đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc nhiều loài động thực vật tại Amazon đang bị đe dọa nghiêm trọng, “các loài động vật đang phải chịu án tử treo trên đầu khi tỷ lệ sinh sản giảm đáng kể và sự cạnh tranh về mặt thức ăn lại tăng lên”. Phá hủy rừng rậm Amazon sẽ dẫn đến việc quét sạch toàn bộ hệ sinh thái, đẩy nhiều loài động vật đến bờ tuyệt chủng - nhiều loài con người chúng ta thậm chí còn chưa tìm ra.
Suy giảm nguồn tài nguyên y học
Tại sao con người lại quan tâm tới việc suy giảm các loài động thực vật? “Nghe có vẻ không tưởng nhưng phương pháp để chữa ung thư có thể nằm đâu đó trong cánh rừng Amazon”, Esquivel-Muelbert trả lời trên tờ National Geographic.
Theo tổ chức Rainforest Trust, khoảng 90% các loại bệnh tật của con người có thể chữa được với các loại thuốc có nguồn gốc từ tự nhiên như nọc rắn, các loại nấm hay thậm chí là loại dừa cạn - một vài trong số đó chỉ có thể tìm thấy ở Amazon. Người ta tin rằng, nếu rừng Amazon mất đi, một nguồn dược liệu quý giá cũng sẽ biến mất hoàn toàn trên thế giới.
Những vụ cháy rừng rộng hơn, lớn hơn
Chỉ trong năm 2019, khoảng 72,000 vụ cháy rừng lớn nhỏ đã xảy ra tại Brazil. Sự biến mất của rừng rậm Amazon, kéo theo bởi việc suy giảm lượng mưa và tình trạng hạn hán tăng cao, sẽ dẫn đến nguy cơ cháy rừng trên diện rộng với quy mô và mức độ ngày càng trầm trọng. Các vụ cháy rừng như vậy sẽ khiến nồng độ cacbon trong không khí tăng cao, khói bụi làm giảm chất lượng không khí của các thành phố xung quanh.
Bi kịch của con người
Rừng Amazon không chỉ là ngôi nhà chung của nhiều loài động thực vật, đó còn sinh cảnh và nơi ở của rất nhiều người dân - những người bám rừng để sống. Những cánh rừng nhiệt đới trên toàn thế giới đem lại cuộc sống cho hơn 300 triệu người và nếu rừng nhiệt đới biến mất, người dân sống xung quanh các cánh rừng sẽ bị đẩy tới lằn ranh của đói nghèo nghiêm trọng hơn.
Nếu không có rừng, làn sóng di cư tới các thành phố lớn sẽ diễn ra, thậm chí tới các quốc gia giàu có hơn. Điều tương tự cũng đã xảy ra khi các vùng biển bị ô nhiễm, nguồn tài nguyên cá trở nên cạn kiệt. Đó chính là một cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra vượt ngoài ranh giới của một quốc gia riêng lẻ hay chỉ một khu vực.
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” - đó là câu nói người ta thường nhủ thầm với nhau, rằng chúng ta không thể cứ mãi tận diệt những cánh rừng và cuộc sống của hàng triệu loài động vật như thế được.
(Ảnh trong bài: Reuters)
Thế giới đã có lịch sử hàng tỷ năm, hành tinh này cũng đã trải qua 5 cuộc đại tuyệt chủng kéo theo sự biến mất của hàng triệu loài động thực vật. Trái đất đã từng nóng lên với nồng độ cacbon cao khủng khiếp rồi lại bước vào giai đoạn băng hà; cứ như thế mọi thứ xoay vần theo một cách tự nhiên.
Tuy nhiên, quá trình ấy diễn ra từ từ, không như hiện tại khi chỉ có vài trăm năm, con người đã càn quét và làm thay đổi diện mạo Trái đất đầy kinh ngạc. Nhiều người nói “đợt tuyệt chủng thứ sáu” có lẽ sẽ do con người gây nên.
Hành tinh này không cần chúng ta cứu, rồi vài chục triệu năm nữa trôi qua, màu xanh có thể sẽ trở lại, các loài thú xuất hiện trên thế giới sẽ là những loài hoàn toàn mới; ở vị trí của Amazon sẽ có một cánh rừng khác mọc lên. Chúng ta không cần cứu Trái đất, không cần cứu Amazon để giữ màu xanh cho Trái đất.
Chúng ta cần tất cả những điều đó cho bản thân, vì khi những kịch bản xấu nhất trên xảy ra, con người phải hứng chịu tất cả. Với Trái đất, biến động chỉ là một hạt cát trong dòng chảy tự nhiên. Amazon có thể mất đi, những dải san hô ngoài khơi Australia có thể mất đi, rừng rậm tại Borneo, Congo, Madagascar cũng sẽ dần biến mất trước bàn tay con người nhưng Trái đất sẽ vẫn tồn tại.
Sau này, lũ trẻ của tương lai có thể sẽ hát bài đồng dao của người da đỏ khi chỉ nhìn thấy những cánh rừng trong các bộ phim tài liệu.
"Chỉ sau khi cái cây cuối cùng bị đốn xuống,
Chỉ sau khi dòng sông cuối cùng bị nhiễm độc,
Chỉ sau khi con cá cuối cùng bị đánh bắt,
Thì chúng ta mới biết được rằng chúng ta không thể ăn được tiền."