Cái kết bất ngờ cho người đàn ông trí thức đòi đánh nữ lao công

Minh Anh - Vỹ Khúc |

Bình thường những gia đình xây nhà phải tự chở phế thải xây dựng đi đổ. Tuy nhiên gia đình này thì khác, cứ có mặt lao công thì anh ta không dám vứt phế thải vào xe rác, không có mặt công nhân thì anh ta ném cả vài bao đất cát, vôi vữa… vào xe.

Trải qua 15 năm là công nhân môi trường, chị Ngô Thị Quang (SN 1974, tổ trưởng tổ Môi trường 18, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị chỉ có một mong muốn ấy là người dân có ý thức hơn trong việc vứt rác. Chị cũng hy vọng, người dân sẽ hiểu và thương cảm với những lao công hơn.

Chị Quang cho biết, trên tuyến đường do tổ chị phụ trách, một vài người dân ý thức rất kém. “Có ngày chúng tôi thu dọn 5 lượt vẫn không sạch rác vì công nhân vừa nhặt xong, người dân lại vứt ra. Khi công nhân góp ý họ lại sửng cồ chửi hoặc đánh công nhân”, chị chia sẻ.

Cái kết bất ngờ cho người đàn ông trí thức đòi đánh nữ lao công - Ảnh 1.

Nữ lao công cho biết, một số người dân vẫn chưa có ý thức tốt trong việc vứt rác

Chị Quang kể tiếp, gần đây chị cũng phải xuống tận địa bàn để giải quyết một vụ xô xát giữa người dân và nữ lao công trong tổ.

“Người đàn ông này là bảo vệ tòa nhà. Hôm đó, công nhân bên tôi đẩy xe rác đi qua tòa nhưng chưa gõ kẻng. Người bảo vệ chạy ra thắc mắc về lý do không gõ. Chị lao công đã nói, chị chưa gõ chứ không phải không gõ.

Thế nhưng người bảo vệ này không hài lòng nên hai người tiếp tục lời qua tiếng lại. Đỉnh điểm là anh ta lao ra tát nữ công nhân, sau đó hùng hổ cầm gậy gộc ra đòi đánh. Khi được mọi người can ngăn, nữ lao công mới có thể thoát thân”, chị Quang nhớ lại.

Lần khác, chị Quang cho biết, một người đàn ông trí thức trên phố cũng dọa đánh chị. Theo lời chia sẻ của chị Quang, người đàn ông này đang xây nhà. Bình thường, những gia đình xây nhà phải tự chở phế thải xây dựng đi đổ.

Tuy nhiên gia đình này thì khác, cứ có mặt lao công thì anh ta không dám vứt phế thải vào xe rác. Không có mặt công nhân thì anh ta ném cả chục bao đất cát, vôi vữa… vào xe. Hôm bắt được tận tay, chị đã giải thích. Không ngờ, người này sửng cồ lên và đòi đánh chị.

“Tuy nhiên cuối cùng anh ta cũng phải xin lỗi vì tôi không làm gì sai”, nữ lao công nói tiếp.

Theo chị Quang, nghề lao công rất vất vả. Nếu làm ca đêm thì mọi công nhân đều phải kết thúc ca làm việc vào khoảng 1, 2 giờ sáng. Tuy nhiên vì mưu sinh, mọi người vẫn rất cố gắng để hoàn thành tốt công việc của mình.

Trong tổ của chị có 18 công nhân thì có tới 12 người ngoại tỉnh. Họ phải thuê nhà, sống xa gia đình nhưng đồng lương lại eo hẹp nên rất khó khăn.

Cái kết bất ngờ cho người đàn ông trí thức đòi đánh nữ lao công - Ảnh 2.

Nhiều công nhân mong muốn xí nghiệp càng ngày càng làm ăn khấm khá để có thể cải tiến, đưa xe động cơ vào hoạt động nhiều hơn

“Thời gian gần đây, xí nghiệp cũng đã đưa cơ giới hóa như xe ô tô gom rác lưu động, xe đạp gom rác lưu động, thùng đựng rác cố định… vào sử dụng để giảm thiểu sức lao động cho công nhân môi trường”, chị nói.

Tuy nhiên theo lời chị Quang, việc cơ giới hóa lại phụ thuộc khá nhiều vào cơ sở hạ tầng và đặc thù tuyến phố. Có những tuyến phố rộng, cửa hàng ít, mặt đường bằng phẳng thì đặt được nhiều thùng rác cố định, xe gom rác cũng hoạt động hiệu quả hơn nên sức lao động của công nhân có phần được giảm thiểu hơn.

Thế nhưng ngay khi có cơ giới hóa ô tô gom rác thì số lượng công nhân làm việc trong ca lại giảm đi.

“Trước kia, ở tổ tôi có 36 công nhân, nay chỉ còn 18 công nhân. Ca ngày khi xưa có 6 đến 10 người làm việc thì nay giảm xuống chỉ còn 2 người. Ca đêm, các công nhân thậm chí còn vất vả hơn vì các xe gom rác lưu động chỉ hoạt động trên phố lớn.

Trong ngõ ngách, các công nhân vẫn phải thu dọn thủ công. Vì thế khối lượng công việc của công nhân mỗi ca tăng lên đáng kể.

Ngoài ra, có một điều khiến chúng tôi rất khó hiểu đó là, lượng rác càng ngày càng nhiều. Trước kia, 1 tổ công nhân chúng tôi làm việc cả ngày cả đêm chỉ thu khoảng 120 xe rác.

Nay trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa, chúng tôi đặt khoảng 33 thùng rác cố định. Tuy nhiên mỗi đêm, nhóm công nhân vẫn thu gom được thêm 105 đến 110 xe rác khác”.

Chị Nguyễn Thanh Hoài (SN 1974, công nhân môi trường thuộc tổ 12 khu Chùa Bộc, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết, từ ngày áp dụng đưa cơ giới hóa vào hoạt động vệ sinh môi trường, lượng rác thải ra liên tục được dọn dẹp, phố phường sạch sẽ hơn. Tuy nhiên các hoạt động cơ giới như xe ô tô gom rác lưu động, xe đạp gom rác lưu động chỉ hoạt động ban ngày.

Riêng đối với xe đẩy rác gắn động cơ, chị Hoài cho biết, nhiều địa bàn chưa được triển khai sử dụng. Ở những địa bàn đã được sử dụng, đồng nghiệp của chị phản ánh, nhiều xe rác gắn động cơ không đi được vào trong ngõ nhỏ và tiền sửa chữa lại cao.

Xí nghiệp hỗ trợ chi phí sửa nhưng không nhiều, 1 phần công nhân phải tự bỏ tiền ra sửa. Do vậy, đồng lương đã eo hẹp lại càng eo hẹp hơn.

Tuy vậy cũng như chị Quang, chị Hoài vẫn hy vọng, xí nghiệp càng ngày càng làm ăn khấm khá để có thể cải tiến, đưa xe đẩy rác gắn động cơ vào hoạt động nhiều hơn để giải phóng sức lao động cho công nhân hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại