Cái giá phải trả của Ukraine khi đối đầu với “sát thủ chiến trường” của Nga

Kiều Anh |

VOV.VN - Những quả bom lượn, được trang bị thêm cánh và bộ dẫn đường vệ tinh được cho là vũ khí quyết định trong cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay. Một số chuyên gia cho rằng, nó còn mang tính quyết định hơn các máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) và thậm chí hơn cả "vua chiến trường” - pháo.

“Sát thủ chiến trường” của Nga khiến Ukraine điêu đứng

Hiện nay, Ukraine hầu như không thể làm gì để phản công bởi nước này đang thiếu hụt nguồn cung đạn pháo nghiêm trọng. Các chiến đấu cơ thời Liên Xô của Ukraine không đủ tầm hoạt động để đối phó với bom lượn trong khi những chiếc F-16 có thể mang lại cơ hội chiến đấu cho Kiev vẫn chưa đến.

Thả hàng trăm quả bom lượn KAB từ khoảng cách xa tới hơn 60km, các tiêm kích Sukhoi của Không quân Nga đã phá hủy một cách có hệ thống các tuyến phòng thủ của Ukraine, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm tấn công của Nga tiến lên mặc dù vẫn phải trả giá đắt.

Cái giá phải trả của Ukraine khi đối đầu với “sát thủ chiến trường” của Nga- Ảnh 1.

Tiêm kích mang bom FAB. Ảnh: Telegram

Bom lượn KAB là lý do chính khiến lực lượng đồn trú của Ukraine ở thành phố Avdiivka cuối cùng phải rút lui vào tháng trước sau các cuộc giao tranh dữ dội kéo dài 4 tháng. Dĩ nhiên, một lý do quan trọng khác là đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đã chặn gói viện trợ cho Ukraine từ tháng 10 năm ngoái, khiến cho các lực lượng của Kiev không nhận được nguồn đạn dược cần thiết.

Vào cao điểm cuộc giao tranh giành Avdiivka giữa tháng 2, không quân Nga đã thả 250 quả bom lượn KAB chỉ trong 2 ngày.

"Những quả bom này phá hủy hoàn toàn bất kỳ vị trí nào", Egor Sugar, một binh lính thuộc Lữ đoàn Tấn công số 3 của Ukraine cho hay.

Chiến dịch thả bom lượn ở Avdiivka có thể "báo trước cho sự thay đổi trong hoạt động của Nga ở những nơi khác dọc chiến tuyến", Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Washington cảnh báo sau khi Avdiivka thất thủ.

Thực tế cho thấy ISW đã đúng. Hiện nay, cách thức tiêu chuẩn của không quân Nga là tập trung ném bom lượn vào bất kỳ thị trấn nào mà quân đội nước này muốn kiểm soát.

"Trước cuộc tấn công, Nga đã triển khai bom dẫn đường KAB thả từ trên không nhằm vào các vị trí của Ukraine và tiến hành pháo kích chuẩn bị", nhóm phân tích Ukraine Frontelligence Insight giải thích.

Frontellect Insight lưu ý rằng các cuộc tấn công trên mặt đất của Nga sau khi ném bom "dù có quy mô tương đối nhỏ nhưng diễn ra thường xuyên và nhất quán. Khi kết hợp việc thả bom từ trên không với các cuộc tấn công bằng pháo binh và triển khai UAV, những cuộc tấn công này đã chứng tỏ khả năng gây ra tổn thất đáng kể" cho quân đội Ukraine đang thiếu đạn dược.

Do đó, các cuộc ném bom KAB đã đẩy quân đội Ukraine khỏi Avdiivka và trong một vài tuần sau đẩy lực lượng này khỏi các ngôi làng nằm ở ngay phía Tây Avdiivka. Nga dường như cũng đang nhắm tới việc triển khai nhiều bom lượn hơn để leo thang tấn công vào Bilohorivka, cách Avdiivka gần 90km về phía Bắc.

Không quân Ukraine đã nhanh chóng chống trả các máy bay ném bom lượn của Nga trong vài tuần sau khi Avdiivka thất thủ. Triển khai các bệ phóng di động cho tên lửa phòng không Patriot do Mỹ sản xuất với mỗi tên lửa có tầm bắn 145km, Ukraine tuyên bố đã bắn hạ 13 tiêm kích Su-34 và Su-35 của Nga trong 13 ngày.

Tuy nhiên, sau đó, vào 9/3, một người điều khiển UAV của Nga, phát hiện ra một nhóm vận hành hệ thống Patriot đang di chuyển cách tiền tuyến 32km, đã ra hiệu triển khai một tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất Iskander phá hủy 2 bệ phóng của Ukraine.

Giữa bối cảnh gói hỗ trợ quân sự vẫn bế tắc tại Quốc hội Mỹ, không quân Ukraine không thể dễ dàng thay thế bất kỳ bệ phóng Patriot nào bị tổn thất. Cân nhắc đến việc chỉ còn hơn hai chục bệ phóng, không có gì ngạc nhiên khi sau cuộc tấn công ngày 9/3, lực lượng Ukraine dường như đã rút những hệ thống Patriot còn lại ra xa tiền tuyến.

Trong khi đó, các kỹ sư Nga đã điều chỉnh thiết kế của bom lượn KAB nhằm tăng cường tầm hoạt động từ 40 lên 65km. Tình hình từ đó thay đổi nhanh chóng, các hệ thống phòng không của Ukraine không thể đối phó với bom lượn của Nga nữa.

Giới quan sát cho rằng không thể trông đợi vào các tiêm kích MiG và Sukhoi của Ukraine đủ khả năng đảm nhận các vị trí phòng không yếu kém dọc tiền tuyến. Phi đội của không quân Ukraine gồm hàng chục chiếc MiG-29 và Su-27 có thể phát hiện các mục tiêu ở trên không cách 80 - 95km bằng các radar N019, N001 hoặc N010 và tấn công chúng ở một nửa khoảng cách đó bằng tên lửa R-27.

Điều đó tức là phía Ukraine phải vượt qua chiến tuyến để đối đầu với các chiến đấu cơ Nga trang bị bom lượn KAB - điều mà các phi công Ukraine thường không thực hiện do chiến đấu cơ của Ukraine thiếu các thiết bị gây nhiễu điện tử. Khi bay gần hoặc bên trong phòng tuyến Nga, chúng cực kỳ dễ bị các hệ thống phòng không của Nga tấn công.

Cái giá phải trả của Ukraine khi đối đầu với “sát thủ chiến trường” của Nga- Ảnh 2.

F-16 có phải cơ hội mới để Ukraine lật ngược tình thế?

Khoảng 50 hoặc 60 tiêm kích F-16 mà Ukraine nhận được từ Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy có thể cho các chỉ huy nước này một số lựa chọn mới. Được trang bị hệ thống tự bảo vệ AN/ALQ-213, kết hợp các cảm biến, thiết bị gây nhiễu và biện pháp đối phó như đánh lừa và pháo sáng để bảo vệ chiến đấu cơ khỏi tên lửa, những chiếc F-16 có thể bay gần chiến tuyến một cách an toàn hoặc thậm chí vượt qua nó.

Phát hiện mục tiêu cách 112km bằng radar AN/APG-66(V)2, các phi công điều khiển F-16 có thể phóng các tên lửa AIM-120 cách hơn 90km - đủ xa để tấn công các máy bay ném bom lượn mà không tiến sâu vào không phận do Nga kiểm soát.

Có lẽ, quan trọng nhất, AIM-120 là một tên lửa "bắn và quên" với một radar cực nhỏ. Phi công có thể di chuyển đi ngay sau khi bắn nó. Ngược lại, R-27ER là tên lửa bán chủ động. Phi công phải chiếu sáng mục tiêu bằng radar của mình trong khi R-27 đang bay. Điều đó khiến phi công đứng trước nguy cơ bị bắn trả.

Không ai có thể khẳng định F-16 bắn AIM-120 là siêu vũ khí hay có khả năng bất khả chiến bại trước tên lửa của đối phương. Một khi chúng được triển khai trong những tuần hoặc tháng tới, Ukraine sẽ mất thêm các tiêm kích này và phi công của mình. Câu hỏi đặt ra là Ukraine sẽ đạt được gì sau cái giá phải trả này.

Nếu các chỉ huy của Ukraine thực sự đánh giá cao mối nguy hiểm mà KAB của Nga gây ra cho các vị trí trên mặt đất, họ phải triển khai F-16 một cách mạnh mẽ và nhắm mục tiêu vào các máy bay Sukhoi của Nga được trang bị bom lượn sát thương.

"Thách thức do việc sử dụng mở rộng bom lượn KAB có thể sẽ tiếp tục và một giải pháp chỉ có thể đạt được thông qua việc mua sắm và triển khai bổ sung các hệ thống phòng không Patriot cũng như máy bay F-16 được trang bị các tên lửa không đối không tiên tiến", Frontelligence Insight nhận định.

Cái giá phải trả của Ukraine khi đối đầu với “sát thủ chiến trường” của Nga- Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại