Các tập đoàn gia đình (Chaebol) từ lâu đã trở thành những đế chế bất khả xâm phạm nhờ khả năng kiểm soát gần như toàn bộ đời sống kinh tế của Hàn Quốc.
Quyền lực khổng lồ mà các tập đoàn này nắm trong tay lớn đến mức lũng đoạn cả nền chính trị đất nước đã dẫn tới những thế hệ "cậu ấm, cô chiêu" luôn hành xử kênh kiệu, đòi hỏi những đặc quyền trên trời.
Đến đây, chúng ta có lẽ phải kể đến gia tộc họ Cho nắm giữ Hanjin - một trong những tập đoàn quyền lực nhất Hàn Quốc.
Cả 3 người con thuộc thế hệ thứ 2 của gia tộc này đều dính phải những lùm xùm chèn ép cấp dưới và người yếu thế khiến dư luận phẫn nộ.
Những cậu ấm, cô chiêu đầy tai tiếng của gia tộc họ Cho.
Vào 05/12/2014, Cho Hyun-ah, con gái đầu của chủ tịch Korean Air Cho Yang-ho đồng thời cũng là phó chủ tịch hãng hàng không quốc gia này, đã trực tiếp bắt tiếp viên trưởng chuyến bay quỳ gối xin lỗi và sau đó đuổi việc anh ta sau khi một tiếp viên hàng không phục vụ bà Cho món hạt mắc ca trong túi nylon thay vì để trên đĩa – quy định bắt buộc khi phục vụ khách hàng hạng thương gia.
Sự việc xảy ra trên chuyến bay của hãng Korean Air chuẩn bị cất cánh từ New York (Mỹ) về Hàn Quốc.
Sau khi to tiếng với phi hành đoàn, bà Cho đã ép buộc máy bay phải quay trở lại cửa ra sân bay J.F.Kennedy để tiếp viên trưởng rời đi, khiến chuyến bay chậm trễ 11 phút so với hành trình ban đầu.
Thông tin này nhanh chóng trở thành tâm điểm của truyền thông Hàn Quốc cũng như Thế giới với tên gọi "cơn giận hạt macca" để nói đến cách vị phó chủ tịch hãng này chèn ép cấp dưới.
Trước sức ép của dư luận và truyền thông, Cho Hyun-Ah cũng đã bị buộc từ chức khỏi vị trí phó chủ tịch tập đoàn Korean Air, công khai cúi đầu xin lỗi dân chúng và phải tham gia phiên điều trần với bộ giao thông Hàn Quốc.
Trong phiên điều trần tại tòa án Hàn Quốc, các thẩm phán đều cho rằng bà, với tư cách là hành khách, không có quyền ra lệnh cho các thành viên phi hành đoàn cũng như thay đổi lịch trình bay.
Bà Cho sau đó bị bắt giam và tuyên án tù một năm vì gây gián đoạn an ninh hàng không.
Chủ tịch Korean Air Cho Yang Ho cũng đã phải cúi mình xin lỗi trước công chúng và phi hành đoàn trên chuyến bay về scandal của con gái mình.
Trong buổi họp báo với báo chí, ông Cho đã nói: "Đó là lỗi của tôi, tôi đã không dạy dỗ tử tế con gái mình" và thừa nhận hành vi trên chuyến bay của bà là "ngu ngốc".
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, tính tình phách lối của nhà họ Cho đã xuất hiện từ nhiều năm trước đây và cũng gây ra vụ lùm xùm nhỏ trong nước.
Vào năm 2005, em trai của Cho Hyun-ah là Cho Won Tae đã tấn công một cụ ông 77 tuổi trên đường vì người này cho rằng ông ta đã lái xe ẩu dẫn tới mất an toàn giao thông và ảnh hưởng nghiêm trọng với người đi đường.
Sự việc từng khiến Cho Won Tae trở thành cái tên gây tranh cãi trong dư luận Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhờ quyền lực và gia thế của mình, Cho Won Tae đã tránh được những chỉ trích của công chúng nước này.
Trong thời gian gần đây nhất, Cho Hyun-min, con gái út của gia tộc họ Cho, tiếp tục bị cảnh sát điều tra về việc quát mắng và hất nước vào cấp dưới .
Mà nguyên nhân là vì bà Cho Hyun-min đã cảm thấy tức giận khi nam nhân viên phụ trách quảng cáo của hãng không trả lời đúng câu hỏi của bà về chiến dịch quảng cáo tại thị trường Anh trong cuộc họp vào ngày 16/3.
Hãng hàng không Korean Air sau đó đã thừa nhận vụ việc trên nhưng phủ nhận cáo buộc tấn công người khác.
Theo đó, bà Cho chỉ ném cốc nước xuống đất mà không phải hất vào mặt ai cả. Mặc dù vậy, bà Cho đã công khai xin lỗi về hành động "ngu ngốc" của mình trên Facebook vào ngày 12/4 vừa qua nhưng vẫn không được công chúng Hàn Quốc chấp nhận.
Hiện tại, vị trí phó chủ tịch cấp cao Hàn Quốc của Cho Hyun-min đã bị tạm đình chỉ cho đến khi kết thúc cuộc điều tra của cảnh sát đang được tiến hành.
Tuy nhiên, vẫn có không ít công dân Hàn Quốc đệ trình hàng chục lá đơn lên Nhà Xanh yêu cầu có những trừng phạt thích đáng đối với hành vi của vị giám đốc họ Cho này.
Thậm chí, một số người còn đề nghị tên của hãng Korean Air bị tước chữ "Korean" (Hàn Quốc) và không cho phép hãng này sử dụng biểu tượng "taegeuk" (Thái cực) của Hàn Quốc trên logo của họ.