Cái giá Nga phải trả cho chiến thắng ở miền Đông Ukraine có “quá đắt”?

Minh Đức |

Mức tiêu hao quân số quá lớn có thể buộc Nga phải tạm dừng cuộc tấn công ở Ukraine vào một thời điểm nào đó cuối mùa hè.

Sau hơn 4 tháng giao tranh ác liệt, Nga đã giành được chiến thắng quan trọng: kiểm soát hoàn toàn Lugansk, một trong 2 tỉnh ở trung tâm công nghiệp Donbass, miền Đông Ukraine.

Nhưng để chiếm được Severodonetsk và Lysychansk - những thành trì lớn cuối cùng của quân kháng chiến Ukraine ở tỉnh Luhansk, Moscow đã phải trả giá đắt. Câu hỏi quan trọng hiện nay là liệu Nga có thể tập hợp đủ sức mạnh cho một cuộc tấn công mới để hoàn thành mục tiêu ở Donbass và đạt được bước tiến ở những khu vực khác của Ukraine.

Cái giá phải trả

"Đúng, người Nga đã chiếm được vùng Luhansk, nhưng với giá nào?", ông Oleh Zhdanov, một nhà phân tích quân sự ở Ukraine, đặt vấn đề, đồng thời lưu ý rằng một số đơn vị Nga tham gia giao tranh trong khu vực này đã mất tới một nửa số binh lính của họ.

Thậm chí Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 4/7, khi chúc mừng chiến thắng trên, cũng phải thừa nhận rằng các quân nhân Nga tham gia hành động ở Luhansk cần "nghỉ ngơi và phục hồi khả năng chiến đấu".

Điều đó làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu các lực lượng của Moscow và các đồng minh ly khai của họ có sẵn sàng nhanh chóng tiến sâu hơn vào Donetsk, phần còn lại của Donbass, hay không. Các nhà quan sát ước tính trong những tuần gần đây, Nga kiểm soát khoảng một nửa Donetsk, và các chiến tuyến đã thay đổi rất ít kể từ đó.

 Cái giá Nga phải trả cho chiến thắng ở miền Đông Ukraine có “quá đắt”?  - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) lắng nghe báo cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong cuộc họp tại Điện Kremlin, Moscow, Nga, ngày 4/7/2022. Ảnh: Sputnik

Những gì xảy ra ở Donbass có thể quyết định tiến trình của cuộc chiến. Nếu Nga thành công ở đó, họ có thể giải phóng các lực lượng của mình để mở nhiều mặt trận hơn nữa ở Ukraine và đặt ra các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Trong khi đó, nếu Ukraine thành công kìm chân người Nga trong một thời gian dài, Kiev có thể tích lũy nguồn lực cho một cuộc phản công.

Làm kiệt quệ người Nga từ lâu đã nằm trong kế hoạch của người Ukraine vì họ đã luôn “lép vế” trước Nga ngay từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Nhưng họ hy vọng khi vũ khí phương Tây viện trợ đổ về, cuối cùng lợi thế cũng đứng về phía họ.

Họ đang sử dụng hiệu quả các loại pháo hạng nặng và hệ thống tên lửa tiên tiến do Mỹ và các đồng minh phương Tây khác gửi tới, và nhiều hơn thế nữa đang trên đường đến Ukraine. Nhưng các lực lượng Ukraine cho biết họ vẫn bị áp đảo thảm hại.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Anna Malyar gần đây cho biết, các lực lượng Nga đã bắn số lượng đạn dược nhiều hơn gấp 10 lần so với quân đội Ukraine.

Sau khi rút khỏi nhiều khu vực ở miền Bắc và miền Trung Ukraine, Nga đã chuyển trọng tâm giao tranh sang vùng công nghiệp Donbass, nơi quân ly khai thân Nga đã chiến đấu với các lực lượng Ukraine từ năm 2014.

Kể từ đó, Nga đã áp dụng cách tiếp cận chậm và chắc, cho phép nước này chiếm được một số thành trì còn lại của Ukraine ở Luhansk trong suốt những tuần gần đây.

Trong khi các quan chức Ukraine thừa nhận rằng quân đội của họ đã rút khỏi thành phố Lysychansk, thành lũy cuối cùng của quân kháng chiến, Văn phòng Tổng thống Ukraine hôm 5/7 cho biết quân đội của họ vẫn đang bảo vệ các khu vực nhỏ ở Luhansk.

 Cái giá Nga phải trả cho chiến thắng ở miền Đông Ukraine có “quá đắt”?  - Ảnh 2.

Khói bốc lên bao phủ phần còn lại của một tòa nhà bị phá hủy bởi một cuộc tấn công quân sự ở Lysychansk, Luhansk, miền Đông Ukraine, ngày 17/6/2022. Ảnh: Times Live

Nhà phân tích Zhdanov dự đoán, người Nga có thể sẽ dựa vào lợi thế về hỏa lực của mình để áp dụng chiến thuật “tiêu thổ” ở Donetsk, tương tự như cách họ đã làm ở Lugansk.

Hôm 3/7, cùng ngày mà Nga tuyên bố đã chiếm được thành phố lớn cuối cùng ở Luhansk, các cuộc tấn công mới bằng pháo binh đã được báo cáo tại các thành phố ở Donetsk.

Nhưng cách tiếp cận của Nga không phải là không có nhược điểm.

Xung đột kéo dài và tiêu hao

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Moscow mới chỉ cập nhật con số thương vong trong quân đội Nga 2 lần. Lần cuối cùng là vào tháng 3, tức sau 1 tháng giao tranh, với con số ước tính là hơn 1.300 binh sĩ thiệt mạng.

Nhưng các quan chức phương Tây cho rằng đó chỉ là một phần nhỏ so với thiệt hại thực tế.

Kể từ đó, các nhà quan sát phương Tây lưu ý rằng số lượng quân đội Nga tham gia chiến đấu ở Ukraine đã giảm dần, phản ánh cả sự hao mòn nặng nề và Điện Kremlin không thành công trong việc lấp đầy các khoảng trống trong hàng ngũ.

Nhân lực hạn chế đã buộc các chỉ huy Nga phải tránh những nỗ lực đầy tham vọng nhằm bao vây các khu vực rộng lớn ở Donbass, chọn thiết lập các vòng vây nhỏ hơn và dựa vào các cỗ xe pháo hạng nặng để buộc Ukraine phải rút lui từ từ.

 Cái giá Nga phải trả cho chiến thắng ở miền Đông Ukraine có “quá đắt”?  - Ảnh 3.

Xe tăng Ukraine bắn vào các vị trí của Nga ở khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine, ngày 10/6/2022. Ảnh: NYT

Một số quan chức và nhà phân tích phương Tây cho rằng, mức tiêu hao quân số quá lớn có thể buộc Moscow phải tạm dừng cuộc tấn công ở Ukraine vào một thời điểm nào đó cuối mùa hè.

Nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ (Lầu Năm Góc) cảnh báo rằng mặc dù Nga đã điều động quân và tiếp tế với tốc độ nhanh chóng, họ vẫn có nguồn lực dồi dào để phục hồi.

Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ Avril Haines cho biết, ông Putin dường như chấp nhận tiến độ chậm chạp ở Donbass và hiện hy vọng giành chiến thắng bằng cách đánh bại các lực lượng thiện chiến nhất của Ukraine.

Một khi Nga kiểm soát toàn bộ Donbass, cùng với việc họ trước đó đã kiểm soát vùng Kherson và một phần của vùng Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine, Moscow sẽ có thể cắt quyền tiếp cận bờ Biển Đen của Ukraine. Nếu điều này thành công, nó sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Ukraine và cũng tạo ra một hành lang tới khu vực ly khai Transnistria của Moldova, nơi có căn cứ quân sự của Nga.

Tất nhiên, điều đó còn lâu mới hiện thực được. Ông Mykola Sunhurovsky, một chuyên gia thuộc Trung tâm Razumkov, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Kiev, dự đoán rằng việc nhận được ngày càng nhiều vũ khí hạng nặng do phương Tây viện trợ, bao gồm nhiều hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), sẽ giúp Ukraine lật ngược tình thế trên thực địa.

"Với vũ khí được viện trợ, người Ukraine có thể bắt đầu một cuộc phản công ở miền Nam, bao gồm Kherson và các thành phố khác", ông Sunhurovsky cho biết.

Tuy nhiên, Ukraine cũng phải đối mặt với tổn thất nhân sự lớn. Các quan chức Ukraine từng thừa nhận bị thiệt hại tới 200 binh sĩ mỗi ngày trong những tuần gần đây trong các cuộc giao tranh ác liệt ở miền Đông.

 Cái giá Nga phải trả cho chiến thắng ở miền Đông Ukraine có “quá đắt”?  - Ảnh 4.

Quân y Ukraine chuyển một quân nhân Ukraine bị thương đến bệnh viện ở vùng Donetsk, miền Đông Ukraine, ngày 23/4/2022. Ảnh: Daily Mail

"Nhìn chung, cán cân quân sự địa phương ở Donbass có lợi cho Nga, nhưng xu hướng dài hạn vẫn có lợi cho Ukraine", ông Michael Kofman, một chuyên gia về quân đội Nga và giám đốc chương trình tại tổ chức tư vấn CNA có trụ sở tại Virginia (Mỹ), cho biết.

"Đó là giả định dựa trên điều kiện rằng phương Tây sẽ hỗ trợ quân sự dài hạn cho Ukraine ", ông Kofman bổ sung.

Không ai biết kết quả cuối cùng sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn đây sẽ là một cuộc xung đột kéo dài, vị chuyên gia này kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại