Trong cuộc sống, có vô vàn tình huống éo le, khó xử xảy ra, nhất lại là những gia đình có con nhỏ.
Khi bé mắc lỗi, có hành vi không đúng, cha mẹ trách mắng và bảo ban trẻ là chuyện quá đỗi bình thường.
Thế nhưng đã bao giờ bạn rơi vào tình huống đứa trẻ mắc lỗi ấy lại không phải con mình mà lại là con nhà hàng xóm hay con của người bạn đến chơi, hay chỉ là vô tình nhìn thấy một em bé trên đường, trong công viên.
Bạn chọn cách im lặng, bỏ qua hay sẽ tiến đến và trách mắng đứa trẻ ấy như con nhà mình? Liệu việc kỉ luật con của người khác có dễ dàng và không gặp rắc rối gì hay không?
(Ảnh minh họa)
Một người đàn ông có tên Liow Chuan Tiong, 52 tuổi, sinh sống tại Singapore đã bị cảnh sát phạt 5,000 đô-la (tương đương 113 triệu đồng) vì đã tát một bé trai mà ông vô tình nhìn thấy tại khu vui chơi Boon Lay Avenue.
Nguyên nhân là do trong lúc đang nói chuyện với người bạn, ông Liow trông thấy cậu bé nhổ nước bọt vào mặt một bé gái chơi cùng.
Mẹ cậu bé đã ngay lập tức yêu cầu con trai phải xin lỗi bạn và cậu bé đã vâng lời.
Nếu chỉ vậy thì không có gì đáng nói, nhưng Liow sau khi chứng kiến đã không đồng tình với cách xử lý của người mẹ và tiến đến tát vào mặt cậu bé như một hình phạt dành cho hành động khiếm nhã vừa rồi.
Đôi má cậu bé đỏ tấy lên và hơi sưng một chút.
Người mẹ vô cùng bất ngờ và ngay sau đó tố cáo với cảnh sát về hành vi của Liow. Kết quả là người đàn ông bị phạt và nhận về bài học đắt giá từ vị thẩm phán: Không được để bản thân mất kiểm soát cho dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là với trẻ nhỏ.
Không được để bản thân mất kiểm soát cho dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là với trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa)
Qua tình huống trên, chúng ta có thể hiểu ra một điều rằng việc kỉ luật con nhà người ta quả là điều không dễ dàng chút nào.
Không phải như con của mình, bố mẹ có thể thoải mái dạy bảo và kỉ luật con bất cứ khi nào con mắc lỗi, mà việc xử lý tình huống với trẻ khác cần sự tinh tế, khéo léo và đúng mực hơn rất nhiều.
Cha mẹ của trẻ có thể sẽ hiểu lầm và phá vỡ mối quan hệ vốn có với bạn.
Và đơn giản là cha mẹ nào cũng có bản năng là bảo vệ con cái của mình, không phải ai cũng muốn hay dễ dàng để cho người ngoài xâm phạm và kỉ luật con họ như cách họ vẫn làm.
Việc kỉ luật con nhà người ta quả là điều không dễ dàng chút nào mà rất cần đến sự khéo léo và kiên quyết. (Ảnh minh họa)
Alan Kazdin, tác giả cuốn The Everyday Parenting Toolkit (tạm dịch: Bộ công cụ nuôi dạy con dành cho các bậc cha mẹ) chỉ ra hai tình huống bạn có thể can thiệp và kỉ luật con nhà người khác, đó là:
- Khi tính mạng của của ai đó đang gặp nguy hiểm hoặc có liên quan đến hành vi bạo lực.
- Khi bạn biết rõ về đứa trẻ đó và cha mẹ của chúng, đồng thời lời khuyên cũng như sự can thiệp của bạn chỉ mang tính chất tham khảo.
Tác giả cũng chia sẻ một số mẹo nhỏ giúp các cha mẹ có cách giao tiếp, ứng xử thông minh với những đứa trẻ bên ngoài như sau:
- Tiếp cận bố mẹ của trẻ trong trường hợp xảy ra vấn đề: Nếu bạn phát hiện ra trẻ đang có ý định hoặc hành động không đúng, phá vỡ quy tắc, hãy nói chuyện với cha mẹ của trẻ đó với thái độ hòa nhã và thể hiện sự quan tâm đúng mực.
- Giữ bình tĩnh và tỉnh táo trong mọi tình huống: Khi bắt gặp sự cố nào với trẻ, bạn hãy giữ bình tĩnh, tránh la hét và đánh đòn trẻ bất kể tình huống đó tệ đến cỡ nào.
- Đặt ra các quy tắc: Khi nhà bạn đón rất đông trẻ đến chơi, ví dụ như tiệc sinh nhật, hãy thông báo trước cho các bé biết về những nguyên tắc cơ bản trong gia đình bằng cách đơn giản và dễ hiểu nhất để trẻ có thể tuân theo như: Không đánh nhau, chia sẻ đồ chơi, không chạm vào đồ đạc khi tay dính bẩn, không nói tục chửi bậy.
- Thảo luận với bố mẹ của trẻ: Nếu bạn phải trông nom và chăm sóc trẻ khác, hãy thảo luận trước các vấn đề với bố mẹ của trẻ như các quy tắc cần tuân thủ, hình thức kỷ luật nếu vi phạm.