Cách xử lý đúng khi con bị bắt nạt

Hiểu Đan |

Khi trẻ bị bắt nạt, cha mẹ thông minh sẽ không dạy con nói 'không sao', mà sẽ trấn an cảm xúc của trẻ, hiểu và thông cảm với con cái, và để cho trẻ hiểu rằng bị bắt nạt không phải là lỗi của chúng, cho trẻ sự khẳng định và hỗ trợ đầy đủ.

Sau khi con vào tiểu học, nỗi sợ hãi lớn nhất của nhiều phụ huynh là sợ con sẽ bị bắt nạt. Khả năng thể hiện bản thân của trẻ lúc này còn hạn chế, tinh thần lại yếu đuối, rất dễ bị bị ám ảnh sau khi gặp sự cố. Do sợ hãi, đa phần các bé giấu giếm cha mẹ, thầy cô nên tình hình càng lúc càng nghiêm trọng.

Nhưng may mắn thay, có một số trẻ em bị bắt nạt ở trường biết cách nhờ cha mẹ giúp đỡ. Lúc này, thái độ và cách ứng xử của phụ huynh sẽ ảnh hưởng đến tính cách và cuộc sống sau này của trẻ.

Khi trẻ cầu cứu, đừng trả lời như thế này

Tiểu Mỹ (Trung Quốc) đang học tiểu học, mỗi ngày đến trường đều được mẹ bỏ 5 nhân dân tệ (khoảng 17 ngàn đồng) vào cặp sách. Có lẽ vì Tiểu Mỹ để hớ hênh, cộng với số tiền tích cóp hơi nhiều nên đã thu hút sự chú ý của một bạn nam khá quậy phá trong lớp.

Một ngày, cậu bé hỏi mượn tiền của Tiểu Mỹ để mua một cục tẩy nhưng không được đồng ý. Điều này khiến cậu rất tức giận, lập tức đe dọa: "Nếu bạn không đưa tiền cho mình, mình sẽ không để bạn gặp mẹ nữa". Lúc ấy tất cả học sinh trong trường đã rời đi, sân chơi không còn một bóng người, Tiểu Mỹ có chút lo lắng, lập tức móc tiền ra, vừa khóc vừa nói: "Tôi muốn về sớm, đừng làm phiền tôi".

Một lúc sau, mẹ Tiểu Mỹ đến đón em về nhà, khi được con kể về việc bị bắt nạt và cướp tiền, người mẹ cười phá lên nói: "Không phải chỉ là vài đồng sao? Cứ coi như mua đồ ăn cho bạn đi. Hai đứa là bạn cùng lớp mà".

Sau đó, tiền tiêu vặt của Tiểu Mỹ thời tiểu học thỉnh thoảng bị cướp, cô bé luôn đến trường trong tâm trạng sợ hãi và luôn gặp ác mộng vào ban đêm nhưng không bao giờ nói với mẹ nữa. Cô bé rụt rè và luôn khóc một mình, cảm thấy có ai đó đang ngấm ngầm cười nhạo mình, và suy nghĩ trở nên đặc biệt tiêu cực. Có thể thấy, sự hướng dẫn sai lầm của mẹ trong trường hợp này đã gây ra tác hại rất lớn cho trẻ.

Một số bà mẹ rất khoan dung và có sĩ diện cao. Kiểu phụ huynh này hy vọng rằng đứa trẻ sẽ có mối quan hệ tốt ở trường và hòa đồng với các bạn cùng lớp. Họ nghĩ con cái thỉnh thoảng phải chịu một chút thiệt thòi là chuyện bình thường, không cần phải chiều chuộng quá mức, nếu không trẻ sẽ ỷ lại.

Kiểu suy nghĩ này không hẳn hoàn toàn sai. Tuy nhiên, một khi đặt nó vào môi trường chung, nơi đứa trẻ bị bắt nạt và đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ cha mẹ, thì thái độ bao dung sẽ gặp vấn đề lớn. Kiểu hành xử này sẽ dễ hình thành cho con thói quen xấu là chịu đựng sự bắt nạt của người khác. Điều này làm trẻ tổn thương nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tính cách và cuộc sống của trẻ.

Khi con bị bắt nạt, mẹ nên giúp con như thế nào?

1. Đứng về phía trẻ trước, xoa dịu cảm xúc của trẻ

An ủi cảm xúc của trẻ là chìa khóa giải quyết vấn đề. Sau khi bị bắt nạt, một số trẻ luôn khóc, cảm thấy thế giới thật u ám, không dám ở một mình. Nhưng những tổn thương bên trong có thể từng chút một được chữa lành sau khi được mẹ an ủi.

Đầu tiên hãy nói với con rằng đó không phải là lỗi của con, mẹ sẽ luôn yêu thương, luôn sát cánh để ủng hộ con, cùng con vượt qua khó khăn. Sau đó, cùng trẻ tìm cách giải quyết vấn đề bị bắt nạt, đòi công bằng cho trẻ, khiến trẻ hài lòng và vui vẻ, cách này hiệu quả hơn là đi tìm giáo viên. Hãy nhớ 3 nguyên tắc: đặt mình vào vị trí của trẻ để suy nghĩ, bảo vệ lòng tự trọng của con; Không ỷ lại vào sự giải quyết của nhà trường; Không kích động, không chỉ trích, không phàn nàn.

2. Trau dồi ý thức chống bắt nạt của trẻ

Khi con bước vào cuộc sống tập thể, mẹ nên rèn luyện cho con ý thức chống bắt nạt càng sớm càng tốt, đây là ưu tiên hàng đầu. Trong mắt những đứa nhỏ không có chuyện bạn nhường một bước mình liền lui một bước, thường là khi trẻ sợ hãi, đối phương càng kiêu ngạo. Vì vậy, hãy nói với trẻ, lần đầu tiên gặp phải những điều khó chịu phải dũng cảm nói "không", không cần phải làm hài lòng bất cứ ai.

Bên cạnh đó, những đứa trẻ có tính cách vui vẻ, hòa đồng, ít có khả năng bị bắt nạt hơn. Ngược lại, những đứa trẻ khó gần, ít nói có nhiều khả năng bị "theo dõi" bởi những đứa trẻ xấu. Cha mẹ khuyến khích con cái kết bạn nhiều hơn, học cách giao tiếp và cải thiện kỹ năng giao tiếp. Những đứa trẻ có kết nối tốt cũng dễ dàng nhận được sự giúp đỡ của bạn bè, kịp thời thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại