Cách vợ chồng vượt qua áp lực khi thất nghiệp gần ngày cưới
Đó là câu chuyện của vợ chồng Thu Phương (SN 1998, Hà Nội) khi chính thức rời công ty cũ vào đầu năm nay. Hiện tại, cô nàng vẫn thất nghiệp và đang tìm hiểu về kinh doanh trực tuyến để gia tăng thu nhập.
Đáng nói, thời điểm Thu Phương thất nghiệp gần ngày cô tổ chức đám cưới và mang thai con đầu lòng, do đó mọi thứ ban đầu tương đối khó khăn với cặp đôi trẻ. Hiện tại, vì công việc của Thu Phương chưa ổn định nên tổng thu nhập 10 - 15 triệu đồng/tháng của gia đình chủ yếu đến từ công việc làm công nhân của chồng.
“Thời gian đầu nghỉ việc, mình có hơi khủng hoảng chút. Những hôm đầu mình khóc nhiều lắm nhưng có chồng luôn an ủi mình. Mình cũng là người tích cực nên thường tự động viên bản thân: ‘Tiền thì để sau này kiếm được, còn con đến với mình là lộc rồi, không phải ai cũng được may mắn như mình’.
Còn sau 2-3 tháng thì mọi thứ đã ổn định hơn. Mình có bầu, không đi làm nên về quê để được gia đình chăm. Thi thoảng nhớ chồng, mình có lên lại Hà Nội. Gia đình cũng tạo điều kiện hết sức để mình có một thai kỳ khỏe mạnh với tư tưởng thoải mái”, Phương nhớ lại.
Thu Phương
Khi tổ chức đám cưới, do kinh tế không quá dư dả nên họ cũng cố gắng tiết kiệm trong nhiều khoản chi phí, như tiền chụp ảnh cưới hết 3,9 triệu đồng, tiền trang điểm cô dâu trong 2 ngày hết 1,8 triệu đồng, tiền trang điểm cho mẹ cô dâu, người thân trong gia đình và đội bê tráp hết 1,3 triệu đồng…
Thu Phương cho hay, tình trạng thất nghiệp của cô nàng ít nhiều ảnh hưởng đến đám cưới.
“Nhưng may mắn là mình có bố mẹ hai bên lo lắng và phụ giúp nhiều. Về chi phí, chúng mình cố gắng cắt giảm và chấp nhận tiết kiệm là được. Bọn mình là những người không coi trọng vật chất nên đều quyết định giảm bớt chi phí dành công tác cưới xin. Thêm vào đó, tiền bạc dành để lo cho con đầu lòng sẽ ổn hơn", cô nàng bày tỏ.
Được biết, sau khi về chung một nhà, cặp đôi vẫn thường xuyên tiêu hết thu nhập hàng tháng kiếm được và khó để dành được quá nhiều tiền tiết kiệm.“May mà sau đám cưới, chúng mình còn có chút ‘vốn’ từ tiền mừng. Nếu không thì chưa biết xoay xở thế nào trong giai đoạn đó", Thu Phương nói.
Được biết, giờ họ đã dần lên kế hoạch quản lý tài chính để có nền tảng tốt hơn dành cho việc chăm sóc em bé. Thu Phương cũng cho rằng, vợ chồng cô đã không còn tâm lý “kiếm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu” như thời còn độc thân.
Hiện, tâm lý của Phương đã ổn định và thoải mái hơn nhiều so với thời điểm mới thất nghiệp. “Mình không áp lực lắm chuyện bản thân và chồng có cách biệt về thu nhập. Mình chỉ thấy thương chồng vất vả thôi. Mình nghĩ với những gì bản thân đang có, mình sẽ quay lại ‘đường đua' kiếm tiền sớm thôi. Coi như mình đang nghỉ thai sản sớm vậy".
Vợ chồng Thu Phương đã cố gắng tiết kiệm các khoản chi phí khi tổ chức đám cưới
Bài học kinh nghiệm sau thời gian thất nghiệp kéo dài
Từng cảm thấy khó khăn khi thất nghiệp gần ngày cưới và đang mang thai, Thu Phương đã rút ra được nhiều bài học cho bản thân:
- Thứ nhất: Thất nghiệp không đáng sợ, bản thân mất định hướng mới đáng sợ
Thu Phương nhớ lại, trước khi rơi vào cảnh thất nghiệp, cô nàng luôn nghĩ có một công việc ổn định là mọi thứ tốt rồi. Thế nhưng, suy nghĩ này giờ đây đã thay đổi theo chiều hướng khác.
“Hàng ngày, mình cứ đến công ty làm việc như một cái máy mà không có tính toán gì cho tương lai. Mình chưa bao giờ tự hỏi bản thân: ‘Liệu 1-2 năm sau mình sẽ là ai? Mình có thể phát triển được gì thêm với công việc này không?”. Mình luôn trong trạng thái hài lòng với công việc và bị mê hoặc bởi 2 chữ ‘ổn định'.
Cho đến khi bị thất nghiệp gần đây, mình mới cuống cuồng đi tìm định hướng của bản thân, tài năng, đam mê, cũng như thế mạnh… Mình là kiểu người ‘có mỗi thứ một ít’ nhưng không chắc chúng có thể theo mình suốt đời hay không. Vậy nên các bạn trẻ bây giờ hãy luôn đặt lộ trình để nâng cấp bản thân nhé”.
- Thứ hai: Luôn luôn phải có quỹ tiết kiệm và quỹ dự phòng. Đồng thời, bạn nên học cách quản lý chi tiêu
“2023 là một năm khủng hoảng kinh tế, vậy nên ai cũng có thể là nạn nhân của làn sóng layoff. Để có thể bình tâm vượt qua bão sa thải, bạn nên chuẩn bị một quỹ dự phòng và học cách kiểm soát tài chính đủ để trang trải nhiều chi phí trong thời gian thất nghiệp như tiền sinh hoạt, chi phí thuê nhà, điện nước, ăn uống, tiền khám chữa bệnh…”, Phương chia sẻ.
- Thứ ba: Cố gắng chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu nhất
Theo Thu Phương, ngay cả khi bản thân vẫn làm rất tốt mọi thứ, bạn vẫn có thể nằm trong danh sách thất nghiệp. Do đó, bạn nên luôn sẵn sàng và chuẩn bị trước cho hành trình nghề nghiệp mới bằng cách phát triển kỹ năng cá nhân, nâng cấp CV và cập nhật hồ sơ công việc.