Tháng 10 thời tiết mát mẻ là thời điểm thích hợp để trồng dạ yến thảo, cây phát triển nhanh chóng trong mùa này. Ngoài cách mua cây sẵn trong chậu, bạn cũng có thể trồng dạ yến thảo bằng cành. Đây là loại cây rất dễ tính và có thể nhanh chóng phát triển thành bụi lớn, cho hoa đẹp.
Trồng dạ yến thảo bằng phương pháp giâm cành
Để trồng dạ yến thảo bằng cành, bạn cần trải qua những bước sau:
Cắt tỉa và xử lý thân cây
Chọn một số cành dài của cây dạ yến thảo, cắt các đoạn từ 9-12 cm. Vị trí cắt ở bắt đầu từ phần đốt thân cây, nơi lá mọc. Sau khi cắt, bạn có thể loại bỏ phần lá ở phía dưới, chỉ giữ lại 2 lá nhỏ ở đầu cành.
Lưu ý, dụng cụ cắt tỉa phải sắc và sạch (xịt cồn hoặc đốt bằng lửa). Không sử dụng kéo quá cùn và luôn đảm bảo vết cắt phẳng mịn.
Nếu muốn cây nhanh phát triển, bạn có thể ngâm phần dưới thân cây trong dung dịch kích rễ trong nửa giờ.
Giâm cành dạ yến thảo
- Trồng thủy canh: Chuẩn bị một chiếc cốc trong suốt, đổ đầy nước, cắm cành dạ yến thảo vào sao cho ngập khoảng 3cm, đặt ở nơi có ánh sáng trong 2 đến 4 giờ. Thay nước 2 đến 3 ngày một lần, nhiệt độ thích hợp là từ 18 đến 30 độ C. Rễ sẽ phát triển tốt và trong khoảng một tuần, dài ra khoảng 5cm. Lúc này, bạn cấy cây vào chậu đất nhỏ hơn (đường kính chậu từ 7cm đến 12cm).
- Trồng đất: Chuẩn bị đất tơi xốp, thoát nước tốt, có thể sử dụng đất pha cát hoặc đất dinh dưỡng đa năng (đất sạch, thoáng khí, độ phì thấp); chọn chậu nhỏ có đường kính từ 7cm đến 12cm. Giâm cành dạ yến thảo vào đất sâu khoảng 3cm. Nén nhẹ đất, sau đó tưới đều để tạo ẩm. Đặt cây ở nơi có ánh sáng rải rác từ 2 đến 5 giờ mỗi ngày. Chú ý để đất trong chậu hơi khô và tưới nước kịp thời, không để chậu ở nơi có ánh sáng mạnh.Khoảng 1 đến 2 tuần, rễ sẽ mọc.
Nếu không khí quá khô hoặc nhiệt độ không đủ, hãy bọc một túi nhựa lên trên, chừa vài lỗ để thông gió và để mở trong 2 đến 3 giờ mỗi ngày.
Cách chăm sóc dạ yến thảo
Nếu bạn muốn cây dạ yến thảo trong chậu nở hoa rực rỡ, hãy luôn để cây được đón nhiều ánh nắng mặt trời, đất trồng trong chậu tơi xốp và thoáng khí, đủ phân bón, nước và cắt tỉa thường xuyên. Sau đây là một số lưu ý để cây dạ yến thảo phát triển và nở hoa đẹp:
- Ánh sáng: Cây cần từ 4 đến 6 giờ chiếu ánh sáng trực tiếp mỗi ngày. Dạ yến thảo thích hợp trồng ở sân thượng, ban công nhiều nắng để có thể phát triển và ra hoa.
- Đất trồng: Nếu trồng dạ yến thảo ở ban công, khi cây con đã phát triển chậm lại (lá đứng thẳng), bạn nên chuyển sang chậu có đường kính lớn hơn một hoặc hai lần so với chậu ban đầu. Chọn loại đất dinh dưỡng đa năng chất lượng cao. Bạn có thể trộn đất than bùn (hoặc cám dừa mịn) + đá trân châu theo tỷ lệ 4:1, trộn thêm phân tan chậm và phân chuồng để cây phát triển tốt.
- Tưới nước và bón phân: Khi đất bầu khô, bạn tưới nước thật kỹ . Lưu ý chọn chậu thông thoáng, không để đất bầu bị ướt lâu. Trong giai đoạn cây phát triển lá và hoa, bón phân cách tuần một lần. Trong giai đoạn cây nở hoa, cần nhiều dinh dưỡng, nên bổ sung kali dihydrogen photphat 10 đến 15 ngày một lần.
- Ngắt ngọn: Nếu muốn cây dạ yến thảo nở hoa với số lượng lớn, bạn nên thường xuyên cắt tỉa. Trong giai đoạn cây còn non và chiều rộng tán chưa đủ lớn, hãy ngắt nụ hoa và ngọn kịp thời. Sau khi cây phát triển khoảng 12-15 ngày, cần ngắt ngọn lần đầu để cây tạo ra nhiều nhánh và 20 ngày sau ngắt ngọn lần 2. Chú ý ngắt đều ngọn cho tán tròn đều, giữ chiều dài từ 12-15cm thì cây mới phát triển đẹp.
- Phòng trừ sâu bệnh: Bạn nên tránh để cây bị ngâm nước mưa lâu hoặc trồng ở những nơi thông gió kém. Nếu để ngập nước lâu, lá, thân và rễ sẽ dễ bị thối và chuyển sang màu đen. Khi thấy lá bị thối, bạn phải thay đổi vị trí trồng cây, tránh mưa, tránh tưới nước cho lá. Lưu ý dọn sạch lá, cành bị bệnh, cành chết để cây không bị lây bệnh và chết.
Nếu đất bị ướt lâu ngày, bạn cần kịp thời lấy ra khỏi chậu hoặc treo ở nơi thông gió và có ánh sáng tốt hơn,.
Nếu phát hiện trên lá có những hạt nhỏ màu đen, lá bị côn trùng cắn hoặc có ruồi đen nhỏ trong đất thì nên phun kịp thời các loại thuốc trừ sâu để phòng trừ sâu bướm và các loài gây hại khác.
Sau khoảng 2-3 tháng, cây dạ yến thảo trong điều kiện chăm sóc tốt sẽ nở hoa. Lưu ý, sau khi hoa tàn, nên cắt bỏ hoa già để cây tập trung dinh dưỡng và cho lứa hoa mới.