Ảnh minh họa
Về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu (THƯ VIỆN PHÁP LUẬT) tư vấn như sau:
Căn cứ điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng và nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi thì mức lương hưu hằng tháng như sau:
- Đối với lao động nam: Bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội; sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
- Đối với lao động nữ: Bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Mức lương hưu hằng tháng của người lao động khi suy giảm khả năng lao động được tính như quy định nêu trên, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
Căn cứ khoản 2 điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
Căn cứ Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Chính phủ sẽ quy định việc điều chỉnh tiền lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Như vậy, khi có lạm phát thì Chính phủ sẽ điều chỉnh tiền lương hưu cho phù hợp với tình hình thực tế của từng thời kỳ. Hiện nay, mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH ngày 31/12/2021.