Cụ thể, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi quy định, khi người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo Bộ Luật lao động năm 2019, có từ 15 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng (thay vì tối thiểu 20 năm như hiện hành).
Người lao động làm trong một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hầm lò, vùng khó khăn được nghỉ hưu sớm hơn từ 5-10 năm so với tuổi chung.
Trường hợp đã hưởng BHXH một lần, thời gian tham gia BHXH tối thiểu để có lương hưu phải 20 năm thay vì 15 năm như những người khác.
Sau khi giảm số năm đóng BHXH, cơ quan soạn thảo đề xuất, mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tiền lương tháng đóng BHXH khi đóng đủ 15 năm với nữ, và 20 năm với nam; sau đó, mỗi năm đóng được công thêm 2%, lương hưu tối đa bằng 75% mức lương đóng.
Trường hợp thời gian tham gia BHXH từ 15 – 20 năm với nam, và dưới 15 năm với nữ, mỗi năm đóng được tính bằng 2,25% lương tháng tính đóng BHXH.
Nếu người lao động nghỉ hưu trước tuổi, mỗi năm nghỉ trước tuổi tính giảm 2% trên tỷ lệ lương hưu được hưởng.
Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH, do Chính phủ điều chỉnh.
Nếu đề xuất trên được thông qua, nữ tới tuổi nghỉ hưu khi có 15 năm đóng BHXH sẽ được tính lương hưu bằng 45% mức đóng. Trường hợp người lao động được đóng BHXH chỉ bằng mức lương tối thiểu, trong 15 năm đóng vừa qua, bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chỉ 3,8 triệu đồng/tháng, nếu về hưu sẽ được mức lương 1,7 triệu đồng/tháng.
Với nam, nếu tới tuổi nghỉ hưu khi mới tham gia BHXH 15 năm, mỗi năm đóng sẽ được tính bằng 2,25% (do chưa đủ 20 năm đóng để được tính 45% lương), lương hưu được tính bằng 33,75% tiền lương tháng tính đóng BHXH. Nếu cùng mức lương tháng tính đóng BHXH là 3,8 triệu đồng/tháng như nữ, cùng đóng 15 năm, nam về nghỉ hưu sẽ nhận mức lương chưa tới 1,3 triệu đồng/tháng.
Với thời gian tham gia BHXH tối thiểu 15 năm, nhiều người có cơ hội hưởng lương hưu, nhưng mức lương sẽ thấp.
Về mức tiền lương tháng tính đóng BHXH, thay vì căn cứ theo lương cơ sở, thu nhập của chuẩn hộ nghèo, cơ quan soạn thảo đề xuất đưa khung tiền lương (sàn và trần) vào luật. Cụ thể, khung tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc từ 2 - 36 triệu đồng/tháng; khung thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện từ 1,5 - 36 triệu đồng/tháng.
Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án về cách tính tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Phương án 1, tiền lương tính đóng BHXH gồm tiền lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được xác định mức tiền cụ thể.
Phương án 2, tiền lương tính đóng BHXH gồm tiền lương và các khoản phụ cấp, các khoản bổ sung, nhưng không gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ không liên quan tới thực hiện công việc.
Chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã không hưởng lương tháng có thể chọn mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc trong khung 2 – 36 triệu đồng/tháng.
Bổ sung chính sách để người tới tuổi nghỉ hưu nhưng chưa nhận lương hưu và tiếp tục đóng BHXH để khi nghỉ có mức lương cao hơn.
Dự luật tiếp tục giữ quy định về các tính tiền lương đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp một lần theo nhóm lao động làm trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước.
Cụ thể, với nhóm ngoài khu vực nhà nước (lương do doanh nghiệp quyết định), tiền lương bình quân đóng BHXH để tính lương hưu là bình quân toàn bộ quá trình đóng.
Với nhóm lao động trong khu vực nhà nước (tiền lương nhà nước quy định), lương tháng bình quân đóng BHXH được tính những năm cuối trước khi nghỉ hưu trên cơ sở thời điểm tham gia. Người tham gia BHXH trước năm 1995, lương hưu được tính trên bình quân tiền lương 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia BHXH từ năm 1995 - 2000, tính lương bình quân 6 năm cuối; tham gia từ 2001-2006, tính lương bình quân 8 năm cuối; tham gia từ năm 2007 - 2015, tính lương bình quân 10 năm cuối; tham gia từ 2016-2019, tính lương bình quân 15 năm cuối; tham gia từ 2020 - 2024, tính lương bình quân 20 năm cuối; tham gia từ năm 2025 trở đi, tính bình quân lương toàn bộ quá trình đóng.