Từ lời nói và hành vi của trẻ, chúng ta có thể thấy cách giáo dục của một gia đình như thế nào. Đặc biệt là ở những nơi công cộng, ngay từ nhỏ trẻ đã có thể tuân theo phép tắc, lời nói lễ phép hay hành động chu đáo càng thể hiện rõ hơn ảnh hưởng của cha mẹ đối với việc giáo dục trẻ ở nhà.
Mới đây, một câu chuyện đã được chia sẻ trên mạng xã hội thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh.
Cụ thể, khi tàu điện ngầm đến ga thì có một cặp chị em đi lên, trên tay cậu bé cầm một cây đàn. Lúc mới lên xe không có nhiều khách nên hai chị em tìm ghế trống rồi ngồi xuống, lúc này bên cạnh không có người nên bé trai tạm cất cây đàn ở đó.
Ban đầu, cây đàn được đặt cạnh cậu bé.
Khi thấy nhiều khách lên tàu, cô bé đã chủ động cầm cây đàn ôm vào người, đồng thời bảo em trai mình ngồi sát vào để lấy chỗ cho người khác.
Hành động của hai chị em khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Sau một vài điểm dừng, càng gần trung tâm thành phố thì càng có nhiều người lên xe, lúc này bé gái nói với em mình vài câu rồi lập tức cầm cây đàn ôm vào người. Cậu em trai nhanh chóng ngồi gần vào chị, để ra một khoảng trống bên cạnh cho những vị khách khác.
Hành động này khiến ai nấy xuýt xoa vì dù còn nhỏ nhưng các bé đã biết nghĩ cho người khác, chắc chắn đã được gia đình giáo dục rất tốt.
Một đứa trẻ ngoan thường có những phẩm chất gì?
1. Lịch sự
Khi mới tiếp xúc với người khác, hầu hết ấn tượng đầu tiên mà chúng ta nhận xét là họ có lịch sự hay không. Những đứa trẻ biết cư xử tốt sẽ chú ý đến lời nói và hành động, hơn nữa nếu biết chủ động nói ''cảm ơn'' sẽ dễ gây thiện cảm hơn với mọi người.
Khi làm sai thì lên tiếng xin lỗi, khi cần nhờ vả cũng nhẹ nhàng hỏi han... Những điều này đều là quy tắc ứng xử cần thiết mà các bé nên được học từ sớm.
2. Sẵn sàng suy nghĩ từ quan điểm của người khác
Nói chung, một đứa trẻ hiểu biết có thể xem xét vấn đề từ quan điểm của người khác, thay vì ích kỷ chỉ nghĩ về lợi ích cá nhân.
Ví dụ như con có thể nói những câu ''con thấy mẹ đang mệt nên con giúp mẹ'', hay ''nếu mà mẹ ăn như thế thì khó lắm nhỉ, để con lấy cho mẹ thìa thay vì đũa nhé''... Những đứa trẻ này thường rất biết quan sát và để ý một cách tinh tế, đồng thời cũng được bố mẹ rèn giũa cẩn thận.
Vậy cha mẹ nên giáo dục con cái như thế nào cho đúng cách?
1. Chú ý đến lời nói và hành động của bản thân
Trẻ em rất giỏi bắt chước, và cha mẹ là những người chúng tiếp xúc hàng ngày, vì vậy hành vi của cha mẹ sẽ được con học theo. Không chỉ hành động, lời nói của người lớn cũng rất quan trọng. Nên làm gương cho con trong mọi tình huống và hoàn cảnh.
Ví dụ một người cha không tuân theo luật lệ giao thông thì rất khó dạy con phải làm như thế... Hoặc một người mẹ hay mắng chửi, mỉa mai người khác thì cũng không thể mong con mình biết yêu thương được...
2. Sửa lỗi của trẻ kịp thời
Khi con lớn hơn một chút, cha mẹ nên dạy con biết phân biệt đúng sai kịp thời, để con trở thành người công bằng và chính trực. Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ cần giúp con tìm ra lỗi mà mình đã mắc phải và dần dần sửa sai.
Nếu cứ mặc kệ và cho rằng ''con còn nhỏ biết gì'' thì sau này chắc chắn sẽ phải hối hận. Mỗi lần được cha mẹ dặn dò, con sẽ nhớ, sau mỗi hành vi tái phạm mẹ có thể đưa ra các phương pháp phù hợp để con lưu ý cho lần sau.