Nga tăng cường “cạm bẫy” chết chóc
Theo Forbes, Nga đã tăng gấp 4 lần độ sâu của các bãi mìn, từ 120m lên 500m, đồng thời cũng tăng mật độ gài mìn trong các bãi mìn.
Do vậy, khi quân đội Ukraine tiến công dọc theo một số trục ở Zaporizhzhia và Donetsk, họ nhanh chóng tấn công vào các khu vực gài mìn rộng hơn nhiều so với dự đoán. Khu vực này cũng có thể rộng hơn mức mà thiết bị rà phá bom mìn tiêu chuẩn của Ukraine có thể xử lý. Xe quét mìn UR-77, loại thiết giáp Ukraine sử dụng để dọn dẹp các bãi mìn, có khả năng dọn sạch một làn đường khoảng 100m.
Lính Ukraine nằm rạp xuống đất khi phá mìn chống tăng trong quá trình huấn luyện. Ảnh: Ed Ram
Các chuyên gia quân sự nhận định rằng, sự chênh lệch giữa cách bố trí mới các bãi mìn của Nga và cách rà phá bom mìn cũ của Ukraine là lý do tại sao cuộc phản công của Kiev dù đạt được bước tiến nhưng vẫn chậm hơn nhiều so với mong đợi.
Trong 3 tháng chiến đấu khốc liệt trong cuộc phản công, các lữ đoàn của Ukraine chỉ tiến được khoảng 16km dọc theo ba trục chính ở Zaporizhzhia và Donetsk. Gần đây nhất, Ukraine giành lại quyền kiểm soát Robotyne, một cứ điểm then chốt của Nga trên con đường xuyên qua Tomak tới Melitopol, cửa ngõ vào biển Azov.
Các nhà phân tích Jack Watling và Nick Reynolds đã giải thích về chiến thuật rải mìn của Nga trong nghiên cứu mới nhất của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI) có trụ sở ở London Theo đó, các chỉ huy Nga đã điều chỉnh học thuyết phòng thủ ngay sau khi lực lượng Ukraine tấn công về phía Novodarivka và Rivnopil, ở Zaporizhzhia gần biên giới với Donetsk.
Ukraine sau đó đã giành lại quyền kiểm soát hai làng Novodarivka và Rivnopil dù phải hứng chịu nhiều tổn thất. Trong khi đó, Nga đã rút ra bài học về cách rải mìn trên chiến trường. Quân đội Nga cho rằng lượng mìn lớn có thể làm chậm bất kỳ nỗ lực tấn công nào của Ukraine.
Quyết định này của Nga đã phát huy hiệu quả ngay lập tức. Khi quân đội Ukraine tấn công phía Nam Mala Tokmachka, cách Rivnopil khoảng 64km về phía Tây, lực lượng từ Lữ đoàn 47 và 33 đã vướng vào một bãi mìn khiến họ bị kẹt lại.
Bị mắc kẹt và chịu hỏa lực từ Nga, binh sĩ Ukraine cuối cùng đã phải bỏ lại khoảng 20 phương tiện tốt nhất, bao gồm xe tăng Leopard 2A6 do Đức sản xuất, máy rà phá bom mìn Leopard 2R của Phần Lan và xe chiến đấu M-2 của Mỹ. Nhiều tuần sau đó, Ukraine mới tìm được đường đi vòng qua bãi mìn và quay trở lại rà phá bom mìn cũng như thu hồi các phương tiện bị bỏ lại.
Tuyến phòng thủ Nga là khó khăn hay cơ hội cho Ukraine?
Nỗ lực của Ukraine nhằm xoay trục tấn công về phía Nam, hướng tới Robotyne trong tháng thứ hai của cuộc phản công, cũng bị chậm lại rất nhiều do các bãi mìn của Nga. Trong những tuần gần đây, Ukraine đã tăng tốc tấn công. Sau giành lại Robotyne vào cuối tháng 8, Ukraine nhanh chóng tấn công các công sự đầu tiên của Nga ở phía Đông Nam thị trấn.
“Các binh sĩ không có nhiều sự lựa chọn. Các hào chống tăng và chướng ngại vật bằng mìn trải dài khắp các cánh đồng. Từ mìn chống tăng, mìn sát thương cho đến những loại phức tạp hơn”, một binh sĩ Ukraine cho biết.
Lực lượng Ukraine tháo dỡ bom mìn tại phía Bắc Donetsk. Ảnh: Reuters
Theo hai nhà phân tích Watling và Reynolds, các bãi mìn ngoài cùng tuyến phòng thủ của Nga không chỉ sâu hơn mà mật độ còn dày đặc hơn. “Nga thường đặt hai quả mìn chống tăng cùng một chỗ và chồng lên nhau, khiến các phương tiện của Ukraine phải dừng lại ngay lập tức khi cán phải, ngay cả đối với các phương tiện được trang bị lưỡi phá mìn”.
Tuy nhiên, việc củng cố tuyến phòng thủ đầu tiên bằng số lượng mìn lớn đã khiến tuyến phòng thủ thứ hai và thứ ba trong phòng tuyến Surovikin của Nga gặp khó khăn. Khi mở rộng các bãi mìn, Nga đã dồn số lượng mìn lên phòng tuyến đầu tiên. Vì vậy, các bãi mìn của Nga ở các lớp phòng thủ phía sau không đồng đều, điều có thể tạo cơ hội cho Ukraine.
“Độ sâu của các bãi mìn ngày càng tăng nghĩa là lực lượng Nga không có đủ mìn để đáp ứng liên tục việc bố trí với mật độ mìn phù hợp với học thuyết phòng thủ”, các nhà phân tích của RUSI lưu ý.
Điều đó có nghĩa là các bãi mìn của Nga ở lớp phòng thủ thứ hai và thứ ba sẽ trở nên nhỏ và mỏng hơn.
The Guardian dẫn lời Chuẩn tướng Ukraine Oleksandr Tarnavskiy cho biết, Nga đã dành 60% thời gian và nguồn lực để xây dựng tuyến phòng thủ đầu tiên và chỉ 20% cho tuyến thứ hai và thứ ba. “Theo tôi, Nga tin rằng Ukraine sẽ không vượt qua được tuyến phòng thủ đầu tiên”.
Điều này giải thích tại sao Nga đang nỗ lực chiến đấu để ngăn Ukraine không thể vượt qua tuyến phòng thủ đầu tiên, thậm chí triển khai Sư đoàn Cận vệ Xung kích Đường không số 76, đơn vị dự bị chiến lược của Nga ở chiến trường Ukraine, tới Tokmak, phía Nam Robotyne, trong vài tuần qua. Đây được cho là sư đoàn tinh nhuệ nhất của Nga và còn tương đối sung sức.
Nếu quân đội Ukraine vượt qua các bãi mìn của phòng tuyến đầu tiên, hàng phòng thủ của Nga sẽ mỏng hơn và việc tiến lên phía trước của Ukraine có thể trở nên dễ dàng hơn.