Cách Nga biến xe địa hình thành phương tiện chống UAV

Hồng Anh/VOV |

Lực lượng Nga đã đưa vào sử dụng xe địa hình chống máy bay không người lái tự chế, được trang bị vũ khí gồm một cụm 24 nòng bắn đạn súng ngắn và 6 khẩu súng trường bộ binh AK trên giá đỡ.

Việc thiết kế cụm nòng bắn đạn súng ngắn cho thấy súng ngắn trở thành lựa chọn hàng đầu cho cả hai bên trong cuộc xung đột ở Ukraine, giúp cung cấp khả năng phòng thủ chống lại các mối đe dọa từ phương tiện không người lái trên không.

Xe buggy chống UAV của Nga. Nguồn: X

Một video do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy 2 phương tiện chống máy bay không người lái mới, được thiết kế dựa trên khung gầm của dòng xe việt dã Lada Niva 4x4.

Cụm 24 nòng được lắp trên một tháp pháo điều khiển từ xa đặt ở phía trên cùng khung chính của xe. Mặc dù giống với hình dáng của bệ phóng tên lửa đa nòng nhỏ nhưng cụm nòng này bắn đạn ghém, trang Telegram của Bộ Quốc phòng Nga cho biết. Chúng có thể chỉ là nòng súng săn được tái sử dụng. Không rõ vũ khí này được ngắm bắn như thế nào.

Phía sau xe là giá đỡ vận hành bằng tay với 6 khẩu súng AK được lắp đặt thẳng hàng. Dựa vào hình ảnh được công bố, một số nhà phân tích cho rằng, đây có thể là những khẩu súng trường AK-12 sử dụng đạn cỡ 7.62x39mm. AK-12 là đại diện thế hệ thứ 5 của dòng súng trường tấn công huyền thoại Avtomat Kalashnikova (AK) của Nga. Phiên bản chính thức của AK-12 cũng sử dụng cỡ đạn 5,45 x 39 mm, nhưng để tối ưu hóa khả năng tùy biến, khẩu AK thế thệ 5 có 2 biến thể khác là AK-15 và AK-19, lần lượt sử dụng đạn 7,62 x 39 mm và 5,56 x 45 mm. Tầm bắn tối đa của mẫu súng trường này là 800m, tốc độ bắn theo chu kỳ 700 viên/phút, sơ tốc đầu nòng khoảng 890m/s - ngang với FN Scar của NATO.

Việc dùng súng trường AK để chống lại máy bay không người lái đã được quân đội Nga và quân đội Ukraine sử dụng từ lâu.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết những chiếc xe địa hình mới cũng có thể sử dụng "bẫy nhiệt". Có cấu tạo gần giống với pháo sáng thông thường, bẫy mồi nhiệt được quân đội Nga cùng nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng nhằm bảo vệ các khí tài quân sự khỏi tên lửa phòng không sử dụng đầu dẫn hồng ngoại. Mồi bẫy nhiệt có thể làm chệch hướng tên lửa tầm nhiệt trang bị đầu dò hồng ngoại, trong khi dải kim loại có khả năng tạo tín hiệu giả hoặc màn nhiễu trên hệ thống cảnh giới và đầu dò radar của tên lửa đối phương.

Xe cũng có các bệ phóng ở phía trước nhưng không rõ bệ phóng này bắn loại đạn nào. Ngoài ra, nó cũng có thể sử dụng pháo sáng đề làm mù các thiết bị quang học, đặc biệt là thiết bị hồng ngoại và các camera nhìn đêm khác trên máy bay không người lái của đối phương.

UAV đã trở thành một trong những loại vũ khí chủ chốt trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine .Sự xuất hiện của nhiều loại máy bay không người lái khác nhau trong đó có UAV cảm tử góc nhìn thứ nhất (FPV) và UAV chuyên thả bom đạn nhỏ vào mục tiêu đã làm thay đổi chiến trường. Cùng với việc sử dụng UAV, hai bên cũng phát triển các biện pháp chống máy bay không người lái.

Hoài nghi về tính hiệu quả

Sự phổ biến của máy bay không người lái cũng làm gia tăng nhu cầu về khả năng phòng thủ, đòi hỏi các bên phải chia nhỏ lực lượng và triển khai nhanh chóng trên chiến trường. Để đối phó với UAV, Nga và Ukraine sử dụng nhiều vũ khí khác nhau, trong đó có súng thể thao, súng săn và súng trường.

Mặc dù súng ngắn được sử dụng rộng rãi, nhưng vẫn có những hoài nghi về hiệu quả của chúng trong vai trò chống máy bay không người lái. Một video được công bố vào đầu tháng 12/2024 cho thấy, các binh sỹ Ukraine đã tiến hành thử nghiệm dùng súng ngắn thương mại để bắn máy bay không người lái cỡ nhỏ. Kết quả cho thấy hiệu quả rất kém.

Một binh sỹ Ukraine cho biết: "Một khẩu súng ngắn rất khó xuyên thủng hoặc gây hư hại cho máy bay không người lái FPV. Binh sỹ thực hành đã bắn trúng ăng-ten của máy bay không người lái, nhưng vẫn không thể khiến nó dừng hoạt động”.

Việc bắn loạt đạn súng ngắn cùng một lúc từ một cụm nòng súng có thể giúp tối đa hóa sát thương đối với mục tiêu, cũng như tăng khả năng trúng đích. Tuy nhiên, tầm bắn của đạn súng ngắn khá hạn chế, khó có khả năng trúng mục tiêu ở khoảng cách xa. Đây là một bất lợi của loại vũ khí này.

Nhìn chung, biện pháp sử dụng vũ khí nhỏ để tấn công các máy bay không người lái nhỏ và có khả năng cơ động cao là nhiệm vụ rất khó khăn. Đối với xe địa hình được tích hợp cụm 24 nòng của Nga, nhiều người đã đặt câu hỏi về tốc độ và mức độ dễ dàng nạp đạn lại cho hệ thống sau khi bắn.

Dẫu sao, việc thiết lập một hệ thống phòng thủ nhiều lớp vẫn là được coi là hữu ích trong việc chống máy bay không người lái. Sự kết hợp giữa các hệ thống chống máy bay không người lái có thể vẫn là chủ đề tranh luận nóng. Trong khi biện pháp ứng phó hiệu quả nhất vẫn đang được tìm kiếm, súng ngắn, súng trường và các loại vũ khí khác bắn đạn chì tương tự, như loại hiện có trên các xe chống máy bay không người lái của Nga, đang được sử dụng rộng rãi để chống lại mối đe dọa từ UAV.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại