Sắn là loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, thành phần chủ yếu là tinh bột và các chất dinh dưỡng khác như protein, chất xơ... Sắn trở thành món khoái khẩu của nhiều người nhưng trong sắn chứa thành phần độc tố khá nguy hiểm. Do đó, mọi người cần hết sức cẩn trọng khi luộc và chế biến các món ăn khác.
Trong củ sắn có loại độc tố là acid cyanhydric có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Độc tố acid cyanhydric của củ sắn nằm ở hai đầu củ sắn, xơ sắn và nhiều nhất là ở vỏ sắn.
Để thưởng thức củ sắn an toàn, bạn tuyệt đối không ăn củ sắn còn sống, chưa nấu chín hay ăn cả vỏ. Ngoài ra, dù thực sự thích ăn nhưng bạn cũng đừng ăn quá nhiều vì có thể dễ bị say sắn hoặc ngộ độc.
Muốn không bị say, ngộ độc bạn cần chú ý lột sạch vỏ, ngâm vào nước vo gạo ít nhất 1 giờ.
Khi luộc sắn, bạn nên mở vung khi luộc để chất độc bay hơi. Bạn cũng nên ăn sắn luộc với các loại đường, mật để trung hòa acid cyanhydric. Không nên ăn sắn luộc vào buổi tối vì nếu bị ngộ độc, sẽ khó xử lý kịp thời.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, không phải ai cũng nên ăn sắn, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi và phụ nữ có thai. Aicd cyanhydric trong sắn giống như trong măng tươi, có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hoá hay thậm chí là bị ngộ độc. Do đó, trẻ em và phụ nữ có thai nên hạn chế ăn sắn luộc.
Hệ tiêu hóa của trẻ em còn non nớt, chưa thực hiện tốt việc tiêu hóa và loại thải độc tố. Nếu cho trẻ ăn nhiều sắn, các độc tố có thể sẽ tích tụ trong cơ thể trẻ lâu ngày và gây ra bệnh.
Bên cạnh đó, những người có sức khỏe không tốt nên hạn chế ăn củ sắn. Bạn cũng không nên ăn sắn cao sản, sắn đắng, bởi sắn càng đắng thì càng nhiều acid cyanhydric.